Tưởng nhớ Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê

GN - Giáo sư Trần Văn Khê sau bao năm bôn ba nơi quê người đất khách, tự nguyện làm đại sứ không biết mệt mỏi cho nền âm nhạc dân tộc, đã có những tháng ngày trở về quê hương bằng cả tâm hồn và thể xác như thế. Và hôm nay, Giáo sư thanh thản ra đi, trở về với đất mẹ, nhưng vẫn còn đó một “nốt nhạc dân tộc” lấp lánh tình người!

Vào cuối năm 2006, biết tin Giáo sư Trần Văn Khê về Việt Nam định cư trong những năm cuối đời, tôi xin Giáo sư một cuộc hẹn để thực hiện bài phỏng vấn cho tạp chí Phật giáo. 

tran_van_khe_QHPV.jpg


GS.TS Trần Văn Khê

Gặp chúng tôi, Giáo sư tỏ ra rất vui mừng, và bên tách trà, Giáo sư hào hứng nói về ngôi nhà mới của mình khi ngày Tết cổ truyền sắp đến. Giáo sư chia sẻ: "Tết này là Tết đầu tiên tôi được sống và ăn Tết trong căn nhà của mình. Tôi sẽ an cư tại đây và sống cho tới lúc vĩnh viễn ra đi. Đây là căn nhà tôi từng mơ ước sau bao năm bôn ba hải ngoại, một căn nhà mà khi bước ra có bầu trời, có cây cau, cây chuối, bông trang, bông bụt... Tôi thấy có những chuyện mình chờ đợi, như biết rằng cây mai sẽ nhất định nở hoa, nhưng mỗi ngày mình vẫn muốn nhìn cái nụ mai để xem nó sẽ nở như thế nào. Điều đó có một cái gì đó liên quan đến cuộc sống, đến đất nước. Cái cảm giác này lạ lắm, giống như cảm giác của một người thanh niên bắt đầu có một căn nhà, có một đời sống an cư, nên trong lòng tôi rạo rực, sung sướng. Có thể nói, năm nay, lần đầu tiên tôi thực sự trở về, hoàn toàn bằng cả thể xác và tâm hồn".

Có lẽ những gì mà không khí Tết xưa mất đi và đôi lần với tâm trạng như của một người nước ngoài đến Việt Nam ăn Tết ở trong khách sạn, xa bà con anh em, đã khiến Giáo sư vui mừng vì cảm thấy mình không còn là người ngoại quốc trên chính quê hương của mình.

Được biết căn nhà do UBND thành phố tặng cho Giáo sư, phù hợp hoàn toàn với nguyện vọng của nhân dân thành phố. Đó cũng là đạo lý. Đó cũng là y phục xứng kỳ đức...

Vậy mà niềm vui riêng vẫn chưa trọn, có nhìn rõ cuộc đời quay cuồng mới thấy ra nốt nhạc buồn của dân tộc: “Người nào cũng bận rộn, đăm chiêu và trên khuôn mặt mất dần đi nét thư thả”. Vì sao? Câu trả lời ắt rằng không phải dễ, chẳng phải vì “nhạc truyền thống đối với các bạn trẻ trở nên xa xôi, lạ lùng, cổ lỗ, bởi nếp sống quay cuồng thì nhịp sống nó cũng phải tăng lên, và thanh niên đang lạc vào giấc mơ của nhạc Rock, Pop, Jazz...”, mà bởi “bệnh vọng ngoại”, “bệnh mặc cảm tự ti” với văn hóa dân tộc đã trở thành mãn tính.

Chuyện đa phần người ta chẳng hiểu “bản sắc văn hóa dân tộc”, “trở về nguồn” là cái gì, rồi chuyện nghệ nhân rèn luyện năm này năm kia mà không sống được với nghề, không bằng mấy cô gái trẻ có sắc diện, biết ăn mặc đẹp, hát chẳng phải suy tư tới bề trong, chẳng bằng mấy cầu thủ bóng đá..., nói ra không bao giờ hết.

Có ai đủ bình tĩnh, ngồi trầm ngâm suy tư như Giáo sư mới biết: “Có thiết tha với tiếng dân tộc mới thương, mà thương tiếng nói dân tộc cũng là thương cái thân của mình, thương cái tâm hồn của mình. Tôi biết, với âm nhạc truyền thống, nếu quả thật nó đã quá lỗi thời, không còn phù hợp với cuộc sống này nữa, không còn vai trò chức năng gì nữa, thì muốn cứu nó cũng không cứu được. Nhưng tôi muốn cứu nó bởi tôi thấy nó vẫn còn giá trị. Giống như người đang mạnh, không phải tự nhiên ngã xuống đau mà vì con vi trùng nó xâm nhập, nên mình cần phải cứu. Còn nếu do tự bản thân nó tuổi già lực kiệt rồi, muốn chết thì mình phải để cho nó tự nhiên…”.

Rồi khi trải lòng về tâm trạng của một con người bình thường, biết thương, biết khổ, biết buồn, biết lo, Giáo sư nói: “Tôi không phải người sinh ra đã có niềm tin mãnh liệt. Tôi tôn trọng tất cả các đạo, nhưng nếp sống của tôi là nếp sống đạo Phật, và từ cái sửa đổi của con người tôi cũng theo cái nếp sống ấy”.

Và khi những bài viết của Giáo sư về âm nhạc Phật giáo Việt Nam được đưa vào Bách khoa từ điển, Giáo sư rất muốn định cho âm nhạc Phật giáo một nền tảng:

“Tôi thấy âm nhạc Phật giáo có giá trị và gắn liền với âm nhạc dân tộc Việt Nam nên tôi không thể bỏ qua. Bởi nó không phải từ phương xa đưa lại nên nó là một mảng của âm nhạc dân tộc. Tôi qua mấy nước Triều Tiên, Nhật Bổn, Trung Quốc…, tôi trách những người bên đó là bỏ quên âm nhạc Việt Nam. Thành ra có một vị giáo sư người Hàn Quốc viết một bài về âm nhạc Phật giáo ở Đông Á, bài đó tôi khen, nhưng tôi cũng chê vì nó có một thiếu sót lớn là không đề cập đến âm nhạc Phật giáo Việt Nam. Dù không phải là người Phật tử nhưng tôi thương yêu cái văn hóa đó, bởi nó phù hợp với nếp sống của người Việt Nam từ bao nhiêu đời. Bản thân tôi sống bằng tinh thần đạo Phật, đã biết tránh tham sân si, biết làm lành lánh dữ, cũng để tạo cho mình một nếp sống thanh đạm, nếp sống đạo Phật. Trong khi nghiên cứu, tôi đề nghị gấp với UNESCO là ưu tiên bảo tồn đối với nhã nhạc cung đình và kế đó là âm nhạc Phật giáo. Nhã nhạc cung đình đã làm rồi, tương lai là âm nhạc Phật giáo. Tôi muốn nói rằng, lúc nào tôi cũng sống như một người Việt Nam bình thường, nhưng nặng tình với Phật giáo”.

Nhưng cũng như những mối ưu tư về âm nhạc dân tộc, không chỉ về phía Phật giáo phải chủ động nhận thức về việc bảo tồn và giữ gìn di sản đó của mình, mà quan trọng hơn cả như Giáo sư nói: “Tôi đã suy nghĩ cách làm và tôi đã lo như thế, nhưng tôi không phải người nắm quyền thi hành. Nhưng điều tôi đưa ra, giới thiệu, thỉnh nguyện, nếu được chính quyền lắng tai nghe, thực hiện, và được quần chúng ủng hộ, thì đó là điều tuyệt vời trong cuộc sống của tôi”; “Thật tình, nếu quyết lòng thì vẫn giữ được bản sắc dân tộc, nhưng lời nói ra nghe thì rất đẹp, tư tưởng đưa ra thì cũng đúng, mà thực hành tư tưởng đó thì chưa đúng. Cho nên khoảng cách giữa lý tưởng mình đưa ra và việc chỉ đạo thực hiện còn khá lớn”.

Một người “cứ cầm đờn, lên dây đờn là thấy đất nước Việt Nam”, sao không thể không lo lắng với những điều tốt đẹp đang mai một từng ngày. Nhưng lúc nào Giáo sư cũng khẳng định mình là một người Việt Nam bình thường: “Tôi sống một mình, quen sống thế rồi, bây giờ có bạn, nhưng nhiều lúc tôi vẫn muốn ở một mình, không phải là tôi cô đơn, mà là tôi đang gắn bó với tất cả mọi người, chứ không phải riêng ai. Có những lúc tôi rút khỏi gia đình, bạn bè để hòa nhập với thiên nhiên, với cái gì đó rộng rãi bao la hơn…”.

Góp nhặt những lời tâm sự của Giáo sư trên vài trang tạp chí, tôi lại nhớ đến Thiền sư Tuệ Tĩnh, người từng phải sống xa quê hương, sang chữa bệnh cho hoàng đế Trung Hoa, nhưng khi bỏ thân nơi đất khách, vẫn không quên dặn người khắc ghi trên bia mộ dòng chữ “Có ai về phương Nam cho tôi theo về với”.

Giáo sư Trần Văn Khê sau bao năm bôn ba nơi quê người đất khách, tự nguyện làm đại sứ không biết mệt mỏi cho nền âm nhạc dân tộc, đã có những tháng ngày trở về quê hương bằng cả tâm hồn và thể xác như thế. Và hôm nay, Giáo sư thanh thản ra đi, trở về với đất mẹ, nhưng vẫn còn đó một “nốt nhạc dân tộc” lấp lánh tình người!

Thích Thanh Thắng

_________________

* Những lời dẫn trong bài được trích từ “Bản sắc dân tộc: Nếu quyết lòng giữ thì giữ được!”, tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số - 12, Xuân - 2006.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày