“Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp”

Giao lưu, ra mắt sách "Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp”
Giao lưu, ra mắt sách "Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp”
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng 15-1, tại Bảo tàng TP.HCM (quận 1) đã diễn ra buổi giao lưu và ra mắt sách “Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp” do nhóm thân hữu của ông phối hợp với Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. HCM tổ chức.
Người tham dự lắng nghe cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Trần Văn Khê

Người tham dự lắng nghe cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Trần Văn Khê

Không gian ấm cúng nhờ sự có mặt của rất nhiều tác giả có bài viết trong sách như NSND Kim Cương, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Hồ Văn Tường, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên...

Mở đầu chương trình, bà Nguyễn Thế Thanh thay mặt nhóm Thân hữu Trần Văn Khê cảm ơn những đóng góp vô cùng quý báu của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, môn nhân, nhà văn, nhà báo đã hỗ trợ hoàn thành tác phẩm này. Theo bà, mỗi bài viết là một mảnh ghép tạo nên chân dung Trần Văn Khê, một trí thức, một nghệ sĩ uyên bác, tài năng, khiêm nhường, rất yêu nước và văn hoá dân tộc mình.

NSND Kim Cương nhớ về người anh, người thầy của mình

NSND Kim Cương nhớ về người anh, người thầy của mình

Sau đó, thính giả được lắng nghe rất nhiều lời chia sẻ thân tình, tâm tư trăn trở của những người thân, những người có tâm muốn bảo tồn các giá trị của giáo sư Trần Văn Khê.

Trong mắt NSND Kim Cương, ông vừa là người anh, người thầy và chỗ dựa tinh thần trong suốt cuộc đời nghệ thuật của bà. Một tấm gương bình dị, tình cảm với mọi người nhưng rất nghiêm túc và có lòng tự tôn đối với văn hóa dân tộc. Cả cuộc đời ông luôn sống cho mọi người, tận tâm cống hiến đến những ngày cuối đời.

Với nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thì gặp gỡ giáo sư Trần Văn Khê là một nhân duyên lớn. Nhờ những dịp cùng xướng họa thơ mới thấy được tinh thần trẻ trung yêu đời của ông. Thậm chí đến khi nằm trên giường bệnh vẫn lạc quan, không sợ hãi cái chết và luôn vì nghệ thuật cho đến tận hơi thở cuối cùng. Nói như ông Sơn, dù giáo sư không phải là một người Phật tử nhưng lại có được cái tâm bình thản và đầy an lạc thì thật quý báu biết bao.

Ông Trần Đình Sơn mong muốn nhà lưu niệm của giáo sư Trần Văn Khê sớm được hoàn thành

Ông Trần Đình Sơn mong muốn nhà lưu niệm của giáo sư Trần Văn Khê sớm được hoàn thành

Còn với đạo diễn Xuân Phượng, giáo sư Trần Văn Khê là một người yêu nước trong tận xương tủy của mình. Dù sinh sống ở Pháp gần cả đời người nhưng ông vẫn không nhập quốc tịch Pháp và luôn ấp ủ tâm nguyện “lá rụng về cội”. Kỷ niệm mà bà nhớ mãi đó chính là những lời tâm sự tận đáy lòng của ông, mong muốn một ngày nào đó được đi thăm lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị… đánh một bản đàn để "thưa với các bậc tiền nhân rằng Trần Văn Khê mãi mãi là người Việt".

Buổi giao lưu gặp gỡ cũng thể hiện mong muốn di sản của giáo sư Trần Văn Khê đến được với nhiều công chúng hơn. Không gian văn hóa Trần Văn Khê sẽ được tiếp nối sau những không gian văn hóa Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng, Chế Lan Viên…, giúp thế hệ trẻ yêu hơn nền âm nhạc truyền thống dân tộc của mình và hiểu rõ những cống hiến của con người tài ba, lỗi lạc này với nền âm nhạc, văn hóa của đất nước.

Bìa sách "Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp"

Bìa sách "Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp"

Đó cũng là di nguyện trước khi mất của giáo sư Trần Văn Khê, như chính lời tâm tình ông đã để lại: “Khi tôi vĩnh viễn ra đi, ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Tất cả hiện vật gắn với đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về: sách vở, báo chí, phim ảnh, sổ ghi chép, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh đều giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm giữ để phục vụ cộng đồng”.

“Hy vọng nhà lưu niệm Trần Văn Khê sẽ được hoàn thành, tinh thần của ông sẽ tiếp tục tồn tại với lịch sử. Người Việt có thể hiểu và yêu quý hơn nền âm nhạc dân tộc cổ truyền của mình”, bà Nguyễn Thế Thanh nói.

GS.TS Trần Văn Khê sing ngày 24-7-1921, quê quán làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông là người đã góp sức trực tiếp hoặc gián tiếp giúp nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc như: nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới.

Trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc dài hơn 60 năm của mình, giáo sư Trần Văn Khê đã được nhận nhiều sự vinh danh cao quý: Huy chương Bội tinh hạng nhất của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Giải thưởng Âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Nghệ thuật, Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991), Viện sĩ Thông tấn của Viện hàn lâm Khoa học, Văn hóa, Nghệ thuật châu Âu (1993), Huân chương Lao động hạng Nhất (1999), Giải thưởng Đào Tấn (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu (2011)…

"Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp" là tác phẩm kỷ niệm 100 năm sinh của GS-TS Trần Văn Khê. Cuốn sách bao gồm 58 bài viết của 48 tác giả. Bên cạnh phần lớn các bài viết lấy từ sách đã in năm 2016 là các bài viết, hình ảnh, tư liệu mới được bổ sung vào cuối năm 2021. Số tiền bán được từ cuốn sách này sẽ được gây quỹ học bổng mang tên ông.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày