Học sinh đều biết bài thơ của cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến viếng cụ Nghè Vân đình Dương Khuê (cụ Nghè Nguyễn Khuyến quê ở Yên Đổ, Hà Đông, ba lần đỗ đầu; cụ Nghè Dương Khuê người làng Vân Đình - Hà Đông, thuộc dòng dõi một họ khoa bảng).
Bài thơ có một bố cục rất khoa học: trong đoạn đầu, ôn lại những kỷ niệm của buổi hoa niên, khi hai người còn là bạn học đồng môn:
“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau,
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời.
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối khe róc rách lưng đèo,
Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.
Cũng có lúc rượu vui cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ôm ấp bầu xuân,
Có khi bàn soạn câu văn,
Xiết bao đông bích điển phần trước sau”.
Trong đoạn sau, ca tụng bạn đã thành đạt để rồi kết luận một cách rất triết học:
“Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa,
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương,
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy đôi hàng chứa chan”.
Một khía cạnh khôi hài của cái chết là “chết nhầm”. Năm 1933, “
“Đỉnh non Tản mây đen mù mịt,
Quấn băng tang lặng lẽ âu sầu”.
Tản Đà quê ở Sơn Tây (núi Tản Viên, sông Đà Giang). Ở Sài Gòn, nhà báo Mai Lâm tưởng lầm là chính Tản Đà đã chết và làm một bài thơ điếu tang, ca ngợi tài năng của thi sĩ và can đảm tài chánh (báo sống chật vật). Tản Đà cải chính bằng cách họa lại bài thơ của Mai Lâm, đây là bốn câu mở đầu:
“Nực cười cho bác Mai Lâm,
Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau,
Sự đời đã hết cho đâu,
Để cho ai khóc, ai sầu vì ai”.
Tản Đà chết thật năm 1939, thọ 50 tuổi. Đầu năm ông ứng khẩu trả lời nhà báo:
“Ngày xanh ai dễ xanh rồi lại xanh?
Mặc trời cho, ta chẳng hỏi làm chi,
Sẵn rượu đào, Xuân uống với ta đi!”.
Nhân một ngày giỗ em là nhà văn Thạch Lam (1910-1942), cũng là để tưởng nhớ người em khác nữa là nhà văn Hoàng Đạo (1902-1948), Nhất Linh ứng khẩu bài thơ sau đây (1963):
“Trông hoa lại nhớ đến người,
Hoa xưa xuân cũ biết đời nào quên.
Cảnh tiên còn gặp người tiên,
Đôi lòng muôn thuở còn nguyên vẹn lòng”.
Vần thơ chất phác nhưng thành thật, khiến người đọc cảm động.
Chúng ta liên tưởng tới cái chết bi thảm của con gái lớn Léopoldine của Victor Hugo năm 1843. Ngày 4 tháng Chín, vừa lấy chồng xong, cô chết đuối ở ngay Villequier, trên sông Seine (Paris), cùng với chồng là Charles Vacquerie.
Trong sáu tháng, Victor Hugo không thể làm được gì cả, chỉ ngồi khóc con.
Trong mười sáu năm (1840-1856), ông không xuất bản được một tác phẩm nào cả: giữa quyển “Các tia sáng và các bóng tối” (1840) và quyển “Chiêm ngưỡng” (1856).
Khi ông hoạt động trở lại, chương IV của tập Chiêm ngưỡng, với tựa đề “Pauca Meae” (người thân đau khổ) dành riêng để tưởng nhớ Léopoldine!
“Giờ đây tôi có được sự bình tĩnh đen tối
Để nhìn thấy nấm mồ dưới đó nàng nằm ngủ
Mãi mãi…”.
Bây giờ tới một trường hợp “mơ hồ”, không biết ai là tác giả bài thơ “Khóc Bằng Phi”: vua Tự Đức (1829-1883) hay hầu tước Nguyễn Gia Thiều (1741-1798)? Bạn đọc cũng có thể có ý kiến!
“Ôi Bằng Phi ơi, đã khuất rồi!
Ôi tình, ôi nghĩa, ối duyên ôi!
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói,
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi.
Mối tình muốn dứt, càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi”.
Người ta thắc mắc một vị vua mà lại hành văn một cách “bình dân” như thế!
Lời thơ “bình dân” cũng không phải là cách hành văn thường lệ của Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều, tác giả các câu thơ quý phái:
“Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ,
Gác thừa lương thức ngủ thu phong,
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng,
Gương loan bẻ nửa, dải đồng xé đôi!”.
Từ đó, người ta đi đến giả thuyết: tác giả là một thi sĩ vô danh, mượn tiếng những nhà thơ danh tiếng để quảng cáo!
Màu da có khác, nhưng các trái tim rung động như nhau, cùng một nhịp, từ xưa đến giờ vẫn thế, phương Đông cũng như phương Tây
Bình luận