GN - Một tượng Phật có niên đại 2.000 năm vừa được trao trả lại cho Chính phủ Pakistan từ một gia đinh người Úc. Gia đình này đã gìn giữ pho tượng tại tư gia qua hơn nửa thế kỷ.
Cô Romy Dingle bên bức tượng Đức Phật được trao trả lại cho chính phủ Pakistan
Cha của Romy Dingle từng là một nhà ngoại giao người Úc, đến công tác tại Islamabad. Vì lẽ đó, gia đình cô nhiều lần di chuyển bằng đường bộ qua các vùng nông thôn của quốc gia Nam Á này. Trong những lần như thế, mẹ cô đôi khi ghé lại mua những mặt hàng thủ công tại các cửa hiệu ven đường.
Khi nhiệm kỳ kết thúc, gia đình Romy Dingle đã mang tất cả vật dụng, trong đó có bức tượng Phật cổ quý giá, trở về thủ đô Canberra, Úc. Và bức tượng quý hiện hữu trong ngôi nhà của họ kể từ đấy. Nhiều năm sau, bức tượng lại đồng hành cùng gia đình Romy đến ngôi nhà mới được họ mua tại Sydney.
Hiện tại, sau thời gian dài đắn đo suy nghĩ, người con gái trong gia đình quyết định trao trả bức tượng Phật cùng hai vật khác về lại cố hương. Tượng Phật đã chính thức tọa vị tại cơ quan ngoại giao của Pakistan ở thủ đô Canberra - trong một nghĩa nào đó cũng được xem là tượng đã trở lại quê nhà.
Trong buổi lễ tiếp nhận tượng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Pakistan tại Úc, ông Babar Amin, đã gởi lời cảm ơn chân thành và nồng ấm trước nghĩa cử ngoại giao cao đẹp của cô Romy Dingle.
Dịp này, Romy Dingle đã có lời phát biểu ngắn, khẳng định cô luôn mong muốn bức tượng được chuyển về cố hương. Cô cũng kể về những kỷ niệm với pho tượng và bao thăng trầm mà pho tượng chứng kiến suốt nửa thế kỷ hiện diện trong ngôi nhà cô.
Theo các nhà nghiên cứu đầu ngành khảo cổ học, bức tượng Phật này được kiến tạo vào khoảng 1.900 năm trước, ở phía Bắc Pakistan, nơi mà nền văn minh Gandhara phát triển vượt bậc, ấn tượng. Thời kỳ đó, nghệ thuật tạo hình đã đạt đến mức trên tiêu chuẩn và bức tượng là một minh chứng sống động xác tín điều này.
Theo vị Đại sứ Pakistan, tượng được tạc trong tư thế hoan hỷ với nụ cười đẹp, nhẹ nhàng và tỏa sáng, mặc dù một số chi tiết trên cơ thể đã bị hư hoại. Tay Ngài đang trong tư thế cầm bình bát hoặc bình nước.
Nhà nước cổ xưa của nền văn minh Gandhara là điểm đến của nhiều tôn giáo khác nhau vì nó tọa lạc nơi trung tâm Con đường tơ lụa, giao thương từ Trung Quốc đến các quốc gia châu Âu. Trong đó, Phật giáo là tôn giáo được cổ xúy nên phát triển rất mạnh vào thời kỳ đó.
“Bức tượng đã hiện diện và đi qua quãng thời gian gần như bằng cuộc đời của chính tôi. Mẹ tôi thời gian gần đây đã giao cho tôi nhiệm vụ giữ gìn và bảo dưỡng báu vật này. Thường ngày, bức tượng được đặt tại một góc tĩnh lặng trong ngôi nhà tôi đang sống”, Romy Dingle kể.
Khi gia đình Romy Dingle trở về Úc từ Pakistan vào những năm 70 của thế kỷ trước, các thủ tục giấy tờ để vận chuyển một vật có giá trị ra khỏi quốc gia Nam Á này khá đơn giản. Nhờ vậy mà bức tượng mới được vận chuyển dễ dàng đến Úc. Tuy vậy, nếu như sau đó hủy bỏ một vật thể quan trọng, quý hiếm được xem là di sản quốc gia có thể tạo ra sự chú ý và ở một phương diện nào đó là vi phạm pháp luật.
Điều có thể làm là cứ lưu giữ bức tượng Phật tại tư gia, nhưng Romy Dingle không muốn thế. Cô có tâm nguyện duy nhất là chuyển trả báu vật này về đúng nơi vốn dĩ của bức tượng.
“Đây thật sự là món quà vô giá từ gia đình tôi, từ mẹ tôi, em tôi và chính tôi”, Romy Dingle phát biểu. Cả mẹ và cha cô đã qua đời vào năm trước đó.
Cô Romy Dingle cũng kể rằng, cô không nhiều lần hành lễ trước bức tượng tại tư gia nhưng cô có cảm giác bản thân tiếp nhận “năng lượng bình an” từ bức tượng.
“Tôi nghĩ Đức Phật là hiện thân của yêu thương và mang đến cho thế giới đầy những biến động sự an lành. Và đó cũng là những gì mà Ngài có thể tỏa ra khi hiện hữu trong nhà tôi”.
Trao đổi với giới truyền thông, Romy Dingle cho biết, quyết định trao trả bức tượng diễn ra chóng vánh. Chính cô đã mang bức tượng đến Bảo tàng quốc gia Úc nhưng nhân viên nơi này từ chối vì không thể kiểm chứng được lai lịch, niên đại của bức tượng. Ngay sau đó, cô đã đến thẳng Đại sứ quán Pakistan. Tại đây, nhân viên sứ quán đã liên lạc với các nhà khảo cổ học ở quê nhà và được thông tin rằng bức tượng chính là bảo vật của đất nước.
“Tôi có niềm tin rất sâu sắc rằng đây chính là nơi đến đúng đắn và phù hợp của bức tượng”, Romy Dingle khẳng định.
“Vì đó là tượng Phật quý nên tôi nghĩ cần được trở về đúng nơi đã tạo tác chứ không chỉ hiện diện trong thế giới của riêng tôi”.
Gia Trúc (theo SMH)