Tượng thờ trong chùa chiền và dấu ấn văn hóa Việt

Tượng Phật Bà Quan âm Thị Kính, một đức Phật theo tín ngưỡng văn hóa Việt Nam. Ảnh: Google
Tượng Phật Bà Quan âm Thị Kính, một đức Phật theo tín ngưỡng văn hóa Việt Nam. Ảnh: Google

Trước hết cần khẳng định rằng: đạo Phật là tôn giáo phổ quát thế giới, một tôn giáo được du nhập vào Việt Nam từ lâu (khoảng 1-2 thế kỷ đầu Công nguyên) bằng con đường giao lưu văn hóa tự nguyện. Tấm lòng từ bi hỉ xả của Phật Tổ Thích Ca đã được những cư dân nông nghiệp lúa nước đón nhận và trao truyền qua nhiều thế hệ. Trên mảnh đất mới, Phật giáo đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo đối với lề lối ứng xử và hành vi của văn hóa Việt Nam, từ đạo đức làm người, âm nhạc, ca vũ, nghệ thuật kiến trúc, ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục... không sao kể xiết. Song, như một quy luật tất yếu của quá trình giao lưu văn hóa, văn hóa Việt Nam đã có rất nhiều ảnh hưởng tới Phật giáo thế giới, làm cho Phật giáo thế giới biến đổi, nhuốm màu văn hóa Việt Nam.

Đóng góp của văn hóa Việt Nam vào Phật giáo có nhiều, xin đi vào vấn đề tượng thờ trong chùa. Ngôi chùa ra đời là do nhu cầu thờ Phật và kết hợp trong đó là nơi hoạt động hoằng pháp Phật giáo. Trong không gian nội thất ngôi chùa, nơi thiêng liêng nhất, trân trọng nhất dành để Đức Phật ngự, tạo nên một Phật điện gồm những pho tượng Phật được tạc rất công phu, bằng những chất liệu quý. Theo Phật giáo uyên nguyên, thuở mới du nhập vào Việt Nam, từ thời Bắc thuộc cho đến thời Lý, Phật giáo Việt Nam đã tiếp thu gần như nguyên mẫu, từ cách xây dựng chùa thờ Phật tới các tượng và bài trí Phật điện trong chùa giống như ở Ấn Độ. Trong quá trình phát triển trên mảnh đất mới bên bờ biển Đông, với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, ngôi chùa Việt không còn xây theo kiểu chùa tháp nữa mà đã mang kiểu cách kiến trúc riêng. Không gian chùa mở rộng và Phật điện cũng bắt đầu có sự thay đổi với sự xuất hiện trên ban thờ và trong khuôn viên chùa nhiều tượng thờ mới là những nhân vật hóa thành Phật hoặc được các phật tử người Việt suy tôn là Phật hoàn toàn là người Việt, của người Việt. Buổi khởi nguyên, Phật giáo vốn không có Phật Bà, Quan Âm là một Bồ Tát nam giới. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam cư dân nông nghiệp lúa nước đề cao bà Mẹ Đất, Mẹ Nước... vị Bồ Tát này đã được “Việt Nam hóa” để trở thành Phật Bà Quan Âm. Người phụ nữ hóa thành Phật Bà đó được huyền thoại hóa, là công chúa Ba của vua Diệu Trang Vương nước Hưng Lâm, bỏ mọi vinh hoa phú quý, vượt qua mọi hiểm trở, quyết tâm tu Phật ở động Hương Tích (tỉnh Hà Tây cũ). Nàng đã hiến dâng cả đôi mắt và đôi tay của mình để làm thuốc chữa cho cha mẹ khỏi bệnh, nêu một tấm gương về đạo hiếu với cha mẹ đang rất cần ở cõi nhân gian. Ở chùa Hương Sơn (Hà Tây cũ), Bà có cái tên dân dã là Bà Chúa Ba. Phật Bà Quan Âm thiên biến vạn hóa, phép thuật vô biên, thần thông quảng đại, một thân hóa mấy nghìn thân, cứu rỗi mọi kiếp người. Tượng Phật Bà Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn (nghìn mắt, nghìn tay) ra đời tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) vào năm 1656 và trở thành kiệt tác tượng Phật giáo Việt Nam.

Tượng Phật Bà nghìn tay nghìn mắt tại chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh) được thờ từ thế kỷ 17 đến nay. Ảnh: Google

Tượng Phật Bà nghìn tay nghìn mắt tại chùa Bút Tháp (tỉnh Bắc Ninh) được thờ từ thế kỷ 17 đến nay. Ảnh: Google

Hoặc như tượng Quan âm Thị Kính, còn có tên là Quan Âm Tống Tử (Quan âm bị gán con cho) hay Quan âm tòng tử (Quan âm theo con), chính là nàng Thị Kính, vợ của chàng nho sinh Thiện Sĩ được hóa thành Phật. Thị Kính là một điển hình của những cô gái Việt nết na, chịu khó và hết mực yêu chồng. Song, nàng đã phải chịu nhiều nỗi hàm oan lớn. Cuộc sống vất vả, thiếu thốn và nỗi đau tinh thần đã khiến nàng phải chia lìa cuộc sống. Phật Tổ chứng giám nỗi oan dồn dập, cho Thị Kính thành Phật Quan âm.

Từ khoảng thế kỷ XVI, XVII, trong các ngôi chùa Việt bắt đầu xuất hiện một tín ngưỡng dân dã của người Việt là tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhỏ thì một ban, lớn thì cả một điện (nhà) thờ Mẫu riêng trong khuôn viên ngôi chùa. Về cơ bản, các vị chủ soái của tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đều được thờ trong chùa. Đó là: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Tam Tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thủy). Điện thờ Mẫu thường được đặt ở gian bên cạnh hoặc ở phía sau Phật điện, nhưng bao giờ cũng được trang hoàng lộng lẫy.

Phật giáo dưới thời Trần khoáng đạt, nhập thế, đã xuất hiện những tu sĩ, mà điển hình là Tuệ Trung thượng sĩ, thời bình mặc áo tu sĩ, tụng kinh gõ mõ, thời chiến khoác chiến bào đi chinh chiến bảo vệ đất nước. Nhưng khi hòa bình được tái lập, lại thanh thản cởi chiến bào để khoác lại tấm áo nâu sồng của người tu sĩ. Chính vì vậy, thời Trần, nhiều vị vua, điển hình là hai đức vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông cùng Đức Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã noi theo gương từ bi bình đẳng của Phật và các vua tiền nhiệm thời Lý, rất dũng cảm và kiên quyết chống quân xâm lược Nguyên-Mông theo tinh thần đại dũng, đại hùng, đại lực của Phật giáo. Nhưng khi bên địch đã thua hoặc đã phải hàng, thì lại mở lòng nhân từ, tha chết cho họ. Vua Trần Nhân Tông, khi đánh đuổi hết quân xâm lược, hòa bình đã được tái lập, lại thanh thản cởi hoàng bào để khoác tấm áo người tu sĩ, trở thành vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Với việc đề cao tinh thần đại dũng, đại hùng, đại lực, sau khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông thắng lợi, trong nhiều ngôi chùa Việt đã xuất hiện một ban thờ Trần Triều với pho tượng Đức Thánh Trần (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn).

Có thể nói ngôi chùa thờ Phật ở Việt Nam, từ cây cỏ, khuôn viên đến bài trí các ban thờ, điện thờ, nhân vật được thờ, đến sinh hoạt trong chùa (lễ bái, hội hè...) hoàn toàn khác với ngôi chùa Phật giáo các nước. Với tinh thần cởi mở và có những điều tương hợp với tín ngưỡng dân gian, nên người Việt đã đưa nhiều thần linh khác vào thờ cùng với các Đức Phật trong chùa. Điều đó cho thấy người Việt không chỉ tôn thờ triết lý và sự tích nhà Phật mà còn tôn thờ những biểu tượng, nhằm xây dựng những giá trị chân, thiện, mỹ cho con người theo quan niệm của tâm thức người Việt. Triết lý Phật giáo Việt Nam không quan niệm chỉ có đại từ, đại bi, “vô ngã vị tha”, mà còn thấm đậm cả chất đại hùng, đại lực, cả tinh thần bình đẳng, khoan hòa, cả đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Chính vì vậy, Phật giáo đã trở thành một thành tố của văn hóa Việt Nam và là một trong những tôn giáo có ảnh hưởng mạnh nhất đối với đời sống văn hóa tâm linh Việt Nam .

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Mặt tiền chùa Cả Cát nhìn từ bến sông

Chùa Cả Cát - Dấu cũ tòng lâm trên đất sen hồng

GNO - Chuyện đi lại ở miền Tây bây giờ đã dễ dàng hơn trước nhiều phần, đường sá mở mang rộng rãi, phẳng phiu, vậy nhưng đi đến đâu trên mảnh đất này, dấu tích của những thủy trình thuở xưa trên sông nước vẫn còn hằn in.

Thông tin hàng ngày