GN - “Một ngày tình cờ nghe bài chú Đại bi do một sư cô hát bằng tiếng Phạn, thấy hay nên hai anh em đã tập hát theo rồi thích và muốn hát thử cho mọi người nghe. Những ngày đầu đứng trên sân khấu hát những bài như: Mẹ từ bi, Lạy Phật Quan Âm, Niềm an vui..., hai anh em được nhiều cô bác Phật tử ủng hộ nên cả hai quyết định gắn bó luôn với nhạc Phật giáo”. Đó là nhân duyên đến với dòng nhạc Phật giáo của hai anh em ca sĩ Nhật Quốc, Tấn Quốc. Hai ca sĩ chia sẻ thêm với PV Giác Ngộ:
Từ ngày hát nhạc Phật giáo, Nhật Quốc và Tấn Quốc luôn cố gắng hết mình để đem nguồn vui tinh thần đến với bà con đã quý mến, thương yêu. Hai anh em mỗi khi hát đều hát bằng cái tâm của người Phật tử và cái tâm của người ca sĩ như chính tấm lòng của bà con dành cho hai anh em vậy.
Ca sĩ Nhật Quốc, Tấn Quốc trong một chương trình ở chùa - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hát nhạc Phật giáo cát-sê sẽ ít hơn nhạc trẻ rất nhiều, hai anh có thấy tiếc khi chọn dòng nhạc này?
“Tình cờ Nhật Quốc tặng cho Quỳnh Giang DVD bài nhạc Chú Đại bi do Nhật Quốc, Tấn Quốc hát, khi mở lên các cháu thích điệu nhạc nên hát theo suốt. Giờ bốn đứa con và đứa cháu của Quỳnh Giang đều thuộc lòng chú Đại bi. Cả nhà ai cũng mừng, còn tụi nhỏ đêm nào cũng rủ nhau tụng xong chú Đại bi rồi mới ngủ” - chị Quỳnh Giang, biên tập viên Đài Truyền hình TP.HCM - HTV.
Tiền cát-sê ít hơn thôi chứ không phải là không có! (cười). Thực ra, nếu mình biết gói ghém thì cuộc sống không có gì là thiếu cả. Điều quan trọng là hạnh phúc, an lạc; khi hát nhạc Phật giáo, Nhật Quốc, Tấn Quốc tìm thấy điều đó.
Cụ thể, ca từ của nhạc Phật giáo chuyển tải rất nhiều thông điệp yêu thương đến với mọi người. Người hát là cầu nối để đưa những thông điệp đến với nhiều người. Bạn thử nghĩ coi, cái nghề mà có thể nuôi được bản thân mình và đem lợi lạc cho người khác thì đó là cát-sê lớn nhất với mình rồi, phải không?
Nghĩ như vậy nên chưa bao giờ hai anh em từ chối mỗi khi quý sư gọi đến chùa phục vụ văn nghệ. Dù đi tỉnh, vùng sâu vùng xa vất vả nhưng chỉ cần đem lại niềm vui cho mọi người là hai anh em không từ nan.
Hát nhạc Phật giáo chắc hai bạn cũng “thấm tương chao” và có sự chuyển hóa từ bản thân mình?
Đúng như vậy, nhất là hai anh em học được cách buông bỏ, không còn bon chen danh lợi nữa. Từ ngày hát nhạc Phật hai anh em đi chùa nhiều hơn, dành thời gian nghe quý thầy nói pháp thoại nhiều hơn và nhắc nhở nhau tu sửa bản thân mình theo lời Phật dạy.
Theo đó, những tội như sát sanh, trộm cướp, vọng ngữ... hai anh em tránh không dám cố ý phạm. Đến giờ thì Tấn Quốc đã phát tâm ăn chay trường còn Nhật Quốc chỉ mới được 10 ngày/tháng và đang cố gắng trường chay. Cuộc sống cả nhà nói chung vui vẻ hơn, an lạc hơn. Có show thì đi diễn, còn không thì ba mẹ con rủ nhau đi chùa, làm từ thiện, thăm người có ơn với gia đình…
Được biết chú Đại bi và Thập chú đã được Nhật Quốc, Tấn Quốc phổ nhạc?
Đó là lúc đi chùa, nhiều cô bác chia sẻ sự nhiệm mầu của chú Đại bi và Thập chú nhưng khó học quá, không thể học thuộc. Nghe vậy, hai anh em đã nguyện cầu và phát tâm phổ chú Đại bi, Thập chú ra tiếng Việt kết hợp với giai điệu âm nhạc để tặng mọi người. Mục đích là giúp các bác, các em dễ học thuộc thôi chứ hai anh em không hề nghĩ đến việc sẽ lấn sân sang vai trò “nhạc sĩ” gì đâu.
May mắn là khi phổ xong, bài chú Đại bi và Thập chú được mọi người đón nhận, ủng hộ.
Điều gì với Nhật Quốc, Tấn Quốc là quan trọng, quý nhất hiện nay?
Với hai anh em thì sức khỏe của mẹ là quan trọng và quý giá nhất. Vì ba mất sớm, một mình mẹ tần tảo gánh vác gia đình, làm lụng vất vả nuôi nấng dạy dỗ hai anh em ăn học. Giờ hai anh em trưởng thành và có điều kiện, chỉ cần làm việc gì cho mẹ vui, không phạm giới luật là hai anh em đều cố gắng thực hiện.
Cả hai anh em thường cùng mẹ đi hành hương, từ thiện, lần nào đi mẹ cũng vui và hiểu hơn về giáo lý Đức Phật. Chỉ cần như vậy, hai anh em đã thấy hạnh phúc ngập tràn rồi.
Hai anh đã có kế hoạch gì cho tương lai của mình…?
Phật dạy sống tùy duyên, nhưng có điều hai anh em chắc chắn là sẽ cùng mẹ đi chùa nhiều hơn nữa và tụng kinh, niệm Phật, làm từ thiện nhiều hơn nữa để từ bi - trí tuệ ngày một tăng trưởng, giải trừ nghiệp chướng... (mỉm cười).
Hạnh Ý thực hiện