Tâm huyết trước hết phải được hiểu là mạng sống của mỗi cá nhân, của mỗi con người. Bởi tâm là tấm lòng, là phần tâm linh, tình cảm của mỗi người như Trịnh Công Sơn “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”; huyết là huyết mạch, là máu huyết để nuôi sống cơ thể con người cũng là huyết thống “da vàng máu đỏ...”. Nói người có tâm huyết trước hết là nói người biết tôn trọng bảo vệ đời sống, mạng sống của cá nhân mình sau đó là tôn trọng bảo vệ đời sống, mạng sống của gia đình huyết thống của mình, tôn trọng và bảo vệ tổ chức mà mình đang theo đuổi...
Và trong tổ chức xã hội cũng vậy, bởi con người luôn sống trong mối tương quan cộng đồng, nhờ có tổ chức cá nhân mới phát triển được. Giáo hội Phật giáo Việt
Thế nhưng trong thời gian gần đây, nhiều người cho rằng vấn đề tâm huyết trong Tăng Ni và Phật tử đối với Đạo pháp, đối với ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và các Tỉnh, Thành hội Phật giáo tại các tỉnh thành nói riêng đang bị “bào mòn” rất nghiêm trọng bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.
Trước hết do quan niệm sống, quan niệm tu hành một cách tiêu cực, rằng cứ lo cho chu toàn những liên quan đến ngôi chùa mình ở, như xây dựng, sửa chữa chùa cho ngày một khang trang, đáp ứng việc cúng bái cho đạo hữu bổn đạo là việc làm chính đáng, đó mới là việc chùa, đó mới là Phật sự thiết thực nhất, có kết quả nhãn tiền. Còn những Phật sự chung của Giáo hội thì không tham gia, thậm chí ngồi họp Ban Trị sự chưa được nửa buổi đã bỏ về. Những Phật sự lớn như Vesak-Phật đản, Vu lan, “Tuần văn hóa Phật giáo” thì né tránh, cho là việc “bao đồng”!
Ảnh hưởng quan niệm tu hành tiêu cực như thế cùng với lối sống chạy theo vật chất của xã hội nên tâm huyết đối với Đạo pháp, Giáo hội trong Tăng Ni trẻ đã bị bào mòn. Nhiều Tăng Ni trẻ nhìn vào đó, hoặc trực tiếp chịu sự giáo dục tiêu cực đó mà có cách nhìn, cách nghĩ tiêu cực theo. Chạy theo chủ nghĩa cá nhân, đua đòi vật chất mà không có những ưu tư gì cho Đạo pháp cho Giáo hội. Một lối sống hời hợt bạ chăng hay chớ đang tồn tại trong nhiều Tăng Ni trẻ là rất đáng báo động. Có nhiều Tăng Ni đã tốt nghiệp trung cấp, học viện hẳn hoi nhưng mời tham gia các Phật sự chung của Ban Trị sự, của các ban ngành thì “tính hơn tính thua” mà không chịu tham gia, hoặc nếu có tham gia thì đối phó, đến cho có mặt rồi thì viện cớ này cớ nọ rút lui.
Suy ngẫm đến vấn đề “tâm huyết” đối với Đạo pháp, đối với Giáo hội trong Tăng Ni và Phật tử ngày nay, chúng tôi thiết nghĩ chư tôn đức là các vị bổn sư, các vị trụ trì các chùa phải có quan niệm tu hành tích cực hơn, vì sự trường tồn của Đạo pháp, vì sự phát triển bền vững của Giáo hội mà truyền “ngọn lửa tâm huyết” cho đệ tử, cho Tăng chúng trong chùa không những biết lo tu hành, Phật sự nội tự mà phải biết hy sinh, biết tôn trọng và bảo vệ cái chung Giáo hội. Và chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội phải là lãnh đạo tinh thần thực sự, cảm mến, cảm hóa Tăng Ni, Phật tử bằng “đạo tình”, gần gũi với Tăng Ni, Phật tử sau đó là truyền nhiệt huyết vào trong tư tưởng sống của Tăng Ni, Phật tử. Phải làm sao để cho Tăng Ni, Phật tử biết ưu tư về tương lai tiền đồ của Đạo pháp để họ tự thấy được chính họ chứ không ai khác phải có trách nhiệm và trọng trách gánh vác.