Văn hóa đi chùa của người trẻ: Cùng giữ vẻ đẹp chung

ĐĐ.Thích Minh Thành
ĐĐ.Thích Minh Thành

GN - Nói về việc một số báo, trang mạng phản ánh chùa Linh Quy Pháp Ấn (thôn 4, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) bị “tàn phá” bởi người trẻ khi đến viếng cảnh tại đây dịp đầu năm, ĐĐ.Thích Minh Thành, trụ trì chùa chia sẻ thêm với PV Giác Ngộ trong vai trò “người trong cuộc”. Đại đức bày tỏ:

- Chùa ở một nơi xa xôi, rất cao, rất khó đi nhưng các bạn trẻ với cái tâm mến thích thiên nhiên, yêu thích cảnh thanh tịnh, yêu vẻ đẹp của đất nước mình, của những ngôi tự viện trên núi mà chịu khó lên viếng cảnh, bản thân tôi rất tán thán tinh thần của bạn trẻ về chùa. Quý thầy tại Linh Quy Pháp Ấn cũng rất hoan hỷ chào đón các bạn về với không gian thanh tịnh và mang theo ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Những ngày qua, một số báo phản ánh những cách hành xử chưa đẹp của bạn trẻ tại chùa, chúng tôi thấy họ nói hơi quá với những gì đã diễn ra. Thực sự thì số lượng người viếng cảnh chùa tăng đột biến - thường ngày có 100 người thì đầu năm rồi lên đến 1.000 người - do đó, không đủ chỗ để dép, nên có một số mang đi lên trên sân, cũng có một số nhỏ các bạn xả rác...

Tại tiểu cảnh ở chùa, có một số các bạn trẻ trèo lên để chụp hình, về điều này, chúng tôi nghĩ các bạn nên tôn trọng và cùng gìn giữ nét đẹp để những người sau lên thăm chùa có cơ hội cùng hưởng vẻ đẹp đó.

* Sau việc vừa qua, quý thầy tại Linh Quy Pháp Ấn có rút ra những kinh nghiệm nào về tổ chức, quản lý việc đón các đoàn Phật tử tới thăm chùa không, thưa Đại đức?

- Thật ra, quản lý không phải khó lắm, nhưng do lượng khách viếng cảnh chùa tăng đột biến, việc sắp đặt ban đầu chưa được khéo nên cũng gây khó khăn đôi chút cho khách hành hương.

Nếu có trường hợp đông khách như vừa rồi, tại mỗi khu vực nhà chùa sẽ có thêm người quản lý để nhắc nhở các bạn trẻ, bố trí thêm các thùng rác tại những nơi dễ dàng nhìn thấy để Phật tử viếng cảnh chùa có nơi bỏ rác.

8_125293_jpg.jpg


Hình ảnh được báo chí và các trang mạng phản ánh bị xem là xấu xí tại chùa Linh Quy Pháp Ấn

* Về mặt ứng xử khi tới thăm chùa, thầy có lưu ý nào đối với các bạn trẻ, khách hành hương?

- Khi tới chùa thì trang phục phải tươm tất, chỉnh tề - “lên núi Phật phải giữ trang nghiêm” - để tỏ lòng tôn kính Tam bảo. Một địa chỉ tâm linh đồng thời là cảnh đẹp của đất nước mình, được kiến tạo từ tâm trí, vật lực của nhiều người - là tài sản chung chứ không phải của cá nhân nào - nên rất mong các bạn trẻ ý thức chung tay gìn giữ vẻ đẹp cho đất nước mình, cho đạo pháp để những người sau đến cùng cộng hưởng niềm an vui hiện tại của thiên nhiên và cho tương lai mai sau.

Ngoài ra, đi chùa thì mình cần tập thói quen bớt nói chuyện ồn ào để tâm thanh tịnh thưởng thức trọn vẹn những khoảnh khắc màu nhiệm và thảnh thơi trên Linh Quy Pháp Ấn cũng như những nơi linh thiêng khác.

Bản thân tôi và quý thầy rất mong các bạn trẻ về chùa sẽ sống với tinh thần tỉnh thức, yêu thương, thắp sáng chánh niệm. Và với phong cảnh thanh tịnh, mát mẻ bao la nơi núi rừng hy vọng sẽ giúp cho bạn trẻ mở rộng trái tim, mở rộng cái nhìn để biết quan tâm, biết suy nghĩ đến người khác và cùng chung tay làm đẹp cho đất nước, cho Phật giáo Việt Nam.

Đến chùa là để cùng nhau trở về với giây phút hiện tại, nhận biết trong mọi cử chỉ hành động, thân đâu tâm đó, có sự bình an, biết được sống là gì, cảm nhận cuộc sống, sống tốt, sống đẹp, sống có ý nghĩa, có giá trị, lợi ích, thấy được sự mầu nhiệm của mọi vật chung quanh mình. Biết ơn, nhớ ơn, đền ơn, trong đó có ơn người đã dựng xây, gìn giữ mái chùa cho mình đến thăm, từ đó không hành xử tùy tiện, gây phương hại chốn tôn nghiêm của chùa...

* Xin cảm ơn Đại đức!

Như Danh thực hiện

3pa.jpg
2pa.jpg

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày