Vạn Lý Trường Thành - Nơi gặp gỡ giữa quá khứ và hiện tại

Vạn Lý Trường Thành - Nơi gặp gỡ giữa quá khứ và hiện tại
Nếu bạn đi du lịch Bắc Kinh, Trung Quốc (TQ), một nơi mà bạn không thể bỏ qua là Vạn Lý Trường Thành - một kỳ quan nổi tiếng thế giới, một công trình quân sự có một không hai đối với mọi thời đại.

Kỳ quan này đã được Unesco đưa vào danh mục Di sản thế giới vào năm 1987. Đây là một bức tường lớn, dài khủng khiếp, cao trung bình 7m so với mặt đất, mặt trên của trường thành rộng trung bình 5-6m, đủ để 10 người xếp hàng ngang đi bộ cùng một lúc.

Về mặt lịch sử, trường thành bắt đầu được xây dựng dưới thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên-CN), thời đó TQ có nhiều nước, một số nước xây thành để chống lại sự xâm lược của các nước khác. Đến thời Chiến quốc, TQ còn 7 nước, 3 nước ở phía Bắc và Tây Bắc là Yên, Triệu và Tần, tiếp tục xây thành ở biên giới phía Bắc để phòng chống sự xâm lấn của người Hung Nô.

Cuối thời Chiến quốc, Tần Thủy Hoàng diệt 6 nước kia, thống nhất TQ vào năm 214 trước CN. Ông ra lệnh nối liền các bức thành riêng rẽ lại với nhau, từ đó bức thành dài vạn dặm mới có tên là Vạn Lý Trường Thành. Ba triều đại Tần, Hán và Minh xây dựng và tu sửa trường thành nhiều nhất. Bức thành đời Tần về phía Tây chỉ mới tới huyện Lâm Thao của tỉnh Cam Túc, về phía Đông tới chỗ sông Áp Lục đổ ra biển, biên giới Triều Tiên.

Trường thành đời Hán về phía Đông trùng với trường thành đời Tần, về phía Tây khi tới Hồi Hột (Hohhot) thì thành đời Tần rẽ xuống phía Nam, còn thành đời Hán vẫn tiếp tục kéo dài về phía Tây, qua các quận Vân Trung, Ngũ Nguyên, Cư Diên Trạch, Tửu Tuyền, Đôn Hoàng, Dương Quan, Ngọc Môn Quan, đến Bạc Xương Hải (ngày nay gọi là La Bố Bạc tức hồ Lop Nor) ở tỉnh Tân Cương, dài hơn 10.000km, là bức thành dài nhất trong lịch sử, nhưng nay đã đổ nát hoang tàn, còn thấy rõ tại Ngọc Môn Quan và Dương Quan, hiện rất đìu hiu hoang vắng.

Các triều đại Bắc Ngụy, Bắc Tề và Tùy vẫn tiếp tục xây trường thành, nhưng đáng kể nhất là triều Minh, họ củng cố một số đoạn tường cũ và xây mới trường thành bằng gạch và đá rất chắc chắn,với 20 lần tu sửa kéo dài suốt 200 năm, phía Đông tới Hổ Sơn ở Liêu Đông, có Sơn Hải Quan trấn giữ,

nơi bức thành nhô ra biển Bột Hải gọi là Lão Long Đầu (đầu con rồng), về phía Tây trường thành đi qua Hà Bắc, Bắc Kinh, Hà Nam, Sơn Tây, Thiểm Tây, Nội Mông, Ngân Xuyên (Ninh Hạ), dọc theo hành lang Hà Tây tỉnh Cam Túc, đến Gia Dục Quan, dài khoảng 7.300 km.

Trường thành đời Minh chính là Vạn Lý Trường Thành mà chúng ta thấy ngày nay, còn khá nguyên vẹn, chỉ hư hỏng một số đoạn khoảng 30%. Dọc theo trường thành có một số cửa ải để qua lại gọi là “quan” như Sơn Hải Quan, Cư Dụng Quan, Gia Dục Quan. Tại một số địa điểm, đời Minh có bố trí nhiều binh lính đồn trú để bảo vệ gọi là “trấn” như Kế Châu Trấn, Tuyên Phủ Trấn, Đại Đồng Trấn, Diên Tuy Trấn, Ninh Hạ Trấn, Cam Túc Trấn.

Trường thành ở TQ đã tồn tại 25 thế kỷ, trong quá khứ, nó là công trình quân sự, là cảnh tượng chiến tranh ly biệt, được Đặng Trần Côn diễn tả trong “Chinh phụ ngâm”, Đoàn Thị Điểm dịch:

Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh

Đó chính là cảnh tượng người ta đốt lửa trên phong hỏa đài để cấp tốc loan truyền tin giặc đến ngoài biên ải, tin đến triều đình rất nhanh, nhà vua tức khắc ra lệnh xuất chinh. Ngày nay trong hoàn cảnh đất nước thanh bình, trường thành trở thành một địa điểm du lịch hùng tráng và lãng mạn, là nơi gặp gỡ giữa quá khứ và hiện tại. Hàng triệu người đến đây tham quan, tổ chức đám cưới, trình diễn thời trang, hoạt động cũng rất nhộn nhịp, nó vừa gợi nhớ quá khứ lịch sử bi tráng và hào hùng, vừa đem lại lợi ích nhiều mặt cho con người đương đại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.
Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.

Thông tin hàng ngày