Vạn tấm lòng với Giác Ngộ

LTS: Nhân kỷ niệm 35 năm ngày Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên, chư tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội, Thành hội PG TP.HCM, quý vị lãnh đạo UBND TP.HCM, UBMT TQVN TP, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tôn giáo-Dân tộc TP.HCM, Hội Nhà báo, lãnh đạo các báo đồng nghiệp… đã bày tỏ nhiều tình cảm thắm thiết, niềm tin tưởng vào sự phát triển của Giác Ngộ.

BBT chân thành gởi đến tất cả quý vị lòng tri ân sâu sắc và sẽ lưu giữ những gởi gắm này, cũng như những mong ước của hàng vạn tấm lòng độc giả trên chặng đường mà Giác Ngộ sẽ đi tiếp, góp thêm cách nhìn của Phật giáo trước các hiện tượng của đời sống tâm linh, văn hóa và xã hội vô cùng sinh động đã, đang và sẽ diễn ra.

* HT.Thích Thiện Pháp - Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II TƯGH: "Tôi thành tâm chúc Báo Giác Ngộ nội dung ngày càng đặc sắc, hình thức ngày càng thân thiện"

35 năm hình thành và gắn bó với chư Tăng Ni và Phật tử, độc giả cả nước là một thành quả rất lớn của Báo Giác Ngộ. Qua mỗi trang báo, tôi nhìn thấy từ trong đó những nỗ lực của Ban Biên tập, các biên tập viên, phóng viên cũng như toàn thể công nhân viên làm việc trong tòa soạn để đem đến cho độc giả món ăn tinh thần mang hương vị giải thoát.

baogngo-1.gif

Dịp này, tôi thành tâm chúc Báo Giác Ngộ ngày càng cải tiến về mọi mặt để nội dung ngày càng đặc sắc, hình thức ngày càng thân thiện, phát triển rộng rãi trong tinh thần phổ biến giáo pháp của Đức Phật đến với tất cả mọi người.

* HT. Thích Thiện Tánh - Phó ban Thường trực Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM: "Chúc Báo Giác Ngộ vững tiến, có vị trí trong lĩnh vực báo chí của cả nước"

baogiacngo-2.gif

Dõi theo những bước đi của Giác Ngộ trong thời gian qua, tôi nhận thấy báo có sự thay đổi về nội dung, hình thức theo hướng tích cực, đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn nhu cầu thông tin Phật sự của chư Tăng Ni và Phật tử. Tuy vậy, trước đây thỉnh thoảng trên báo có vài thông tin liên quan đến chùa chiền, đất đai và tu sĩ Phật giáo tỏ ra chưa đi sát với thực tế. Tôi hy vọng những vấn đề này sẽ được khắc phục trong thời gian tới. Song song đó cũng cần xem lại các nội dung quảng cáo trên báo. Chúng ta chấp nhận kinh doanh và thu lợi nhuận thông qua hình thức này nhưng phải cẩn trọng để tạo nên sự hài hòa và cân đối, tránh những nội dung quảng cáo không phù hợp với Phật giáo.

Nhân Báo Giác Ngộ bước vào tuổi 35, thay mặt Thường trực Ban Trị sự Thành hội - Cơ quan chủ quản của Báo, tôi thành tâm kính chúc Ban Biên tập, cán bộ công nhân viên của tòa soạn sức khỏe, đủ nghị lực để để đưa Giác Ngộ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trong lĩnh vực thông tin, có vị trí cao trong lĩnh vực báo chí của cả nước.

* Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân TP.HCM: "Với cả tấm lòng và tình cảm, tôi kính chúc Báo Giác Ngộ "Mắt sáng, lòng trong, bút sắc luôn đầu tư, phát triển để đáp ứng được mong đợi của Tăng Ni, Phật tử và quần chúng nhân dân"

Có thể nói báo Giác Ngộ là một trong những tờ báo ra đời sớm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng báo Giác Ngộ đã khẳng định được vai trò là một tờ báo Phật giáo có chỗ đứng vững chắc trong lòng Tăng Ni, Phật tử cũng như bạn đọc nói chung. Sở dĩ như thế vì đây là kênh rất quan trọng để chuyển tải các chủ trương, đường lối chính sách chung của Nhà nước về tôn giáo đồng thời cũng phản ánh tâm tư, tình cảm của đồng bào Phật tử đối với các cấp chính quyền.

baogiacngo-3.gif

Gần đây, việc bùng nổ thông tin đại chúng đã tạo ra sức ép lớn cho nhu cầu phát triển thì báo Giác Ngộ đã đầu tư nâng cao chất lượng nội dung, chăm chút về hình thức, xử lý các gam màu cũng như ảnh bìa để trở nên gần gũi với Tăng Ni, Phật tử. Đặc biệt, ngoài tin tức Phật sự, báo đã đăng tải những bài viết khá súc tích, dễ hiểu đối với các tầng lớp nhân dân.

Tôi nghĩ, trong xã hội ngày nay dù thể hiện sự phát triển về mọi mặt nhưng đâu đó vẫn còn đan xen giữa cái tốt và cái xấu, giữa thiện và ác, giữa chân lý và giả tạo, báo Giác Ngộ cần đầu tư để phản ánh cái đẹp, cái hay để nhân rộng; cần phát hiện và chuyển tải đến bạn đọc những tấm gương của các bậc cao tăng trong sáng, phụng sự, sống tốt đời đẹp đạo và cũng cần phản ánh các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội thông qua lăng kính Phật giáo.

Với cả tấm lòng và tình cảm, tôi kính chúc Báo Giác Ngộ làm sao trọn vẹn được đủ phẩm chất quan trọng của người làm báo: "Mắt sáng, lòng trong, bút sắt", luôn đầu tư, phát triển để đáp ứng được mong đợi của Tăng Ni, Phật tử và quần chúng nhân dân.

* Ông Trần Trung Tính - Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP: "Mong Báo Giác Ngộ luôn là kênh thông tin Phật giáo của cả nước, sẽ có bước đột phá làm thay đổi diện mạo tờ báo với tính chuyên nghiệp cao"

baogiacngo-7.gif

Báo Giác Ngộ có mặt, đồng hành, tạo niềm tin tưởng trong lòng Tăng Ni, Phật tử, độc giả trong và ngoài nước đã 34 năm qua. Tôi cũng là độc giả thường xuyên theo dõi báo Giác Ngộ, với chức năng là cơ quan ngôn luận của THPG TP, nhưng Báo Giác Ngộ đã là kênh thông tin Phật giáo của Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc trong cả nước. Tuy Báo Giác Ngộ cũng có những lúc thăng trầm, nhưng qua thời gian không ngừng củng cố và trưởng thành về mặt chuyên môn, Báo Giác Ngộ đã là kênh thông tin Phật giáo trải khắp cả nước và được lòng tin, sự ưu ái trong lòng độc giả. Trong những năm gần đây, Báo Giác Ngộ đã phát huy năng lực của mình trên phương diện là cơ quan truyền thông duy nhất truyền tải thông tin Phật giáo góp phần phát huy truyền thống văn hóa Phật giáo, cùng với các cơ quan ban ngành, đặc biệt cùng với UBMTTQ TP có tiếng nói tích cực xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ và nhân ái.

Phát huy truyền thống, thế mạnh và tiềm năng sẵn có, Báo Giác Ngộ sẽ cùng hòa mình vào sự lớn mạnh của các cơ quan thông tấn báo chí hiện nay. Tôi tin tưởng Giác Ngộ sẽ làm tốt chức năng, vai trò của một tờ báo Phật giáo trong sự hội nhập phát triển của TP và cả nước. 34 năm là quãng thời gian dài có thể khẳng định Báo Giác Ngộ đủ sức lan tỏa, đủ sức đi lên cùng với sự phát triển thông tin của thời đại, tạo thế đứng vững mạnh trong làng báo chí Việt Nam.

Trong xã hội hiện đại và sự bùng nổ thông tin như hiện nay, tôi mong Báo Giác Ngộ với vai trò là kênh thông Phật giáo của cả nước sẽ có bước đột phá làm thay đổi diện mạo tờ báo với tính chuyên nghiệp cao. Có nhiều bài viết hay về đời sống tu học, văn hóa truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, đặc biệt phát hiện kịp thời những tấm gương tu học, hành đạo điển hình của Phật giáo và phản ảnh đến với độc giả. Tôi cũng mong báo sẽ phát hiện nhiều đề tài gắn với những vấn đề mà xã hội quan tâm về đất nước - con người, về môi trường, nhân sinh xã hội… tạo sức bật cho sự tiến bộ và văn minh của con người trong đời sống đô thị cũng như nông thôn.

Kỷ niệm 35 năm Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên, chúc Giác Ngộ luôn thăng tiến trong sự nghiệp báo chí và xứng đáng là nơi để độc giả gởi gắm niềm tin tưởng trong tất cả các vấn đề mà báo truyền tải.

* Ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM: "Nên phát triển Giác Ngộ online thành một tờ báo điện tử"

Báo Giác Ngộ có nội dung phong phú được thể hiện trên cả báo giấy và Giác Ngộ online. Báo có các mục thời sự, xã hội phản ánh kịp thời hoạt động hàng ngày của đời sống Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Các bài về triết học, văn học, nghệ thuật, lịch sử Phật giáo không chỉ bổ ích cho Phật tử mà còn cho bất cứ bạn đọc nào có dịp lật từng trang báo in hay truy cập Giác Ngộ online. Các mục du lịch, ẩm thực, sức khỏe cung cấp cho bạn đọc thông tin gần gũi, rất đời thường và cũng rất hữu ích.

baogiacngo-4.gif

Hình thức của báo Giác Ngộ đã được cải tiến đẹp hơn, sáng hơn. Giác Ngộ online cũng có hình thức đẹp, thân thiện với người đọc. Tuy nhiên để có thông tin phong phú hơn, kịp thời hơn nên phát triển Giác Ngộ online thành một tờ báo điện tử. Đây là cách phục vụ độc giả rất tốt, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, của xã hội với chi phí và nhân sự hợp lý.

Giác Ngộ đã đi qua một chặng đường dài và trước mắt sẽ là con đường rất dài và rất xa nữa. Tôi xin chúc Ban Biên tập, những người làm báo Giác Ngộ sức khỏe, minh mẫn để đi tiếp trên con đường dài phát triển của mình. Chúc Giác Ngộ trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống tinh thần của Phật tử nói riêng và của bạn đọc nói chung.

* Ông Huỳnh Ngọc Thành - Trưởng ban Tôn giáo-Dân tộc TP.HCM: "Báo Giác Ngộ đã không còn giới hạn ở một địa phương mà ảnh hưởng rộng khắp trên cả nước"

Giác Ngộ là tờ báo ra đời khá sớm, cùng những tờ báo khác (Báo Tuổi Trẻ tháng 9-1975; Báo Giác Ngộ tháng 1-1976). Điểm đặc thù của Báo Giác Ngộ chính là tiếng nói đại diện của giới Phật giáo thành phố. Qua theo dõi, tôi nhận thấy báo Giác Ngộ đã không còn giới hạn ở một địa phương mà ảnh hưởng rộng khắp trên cả nước. Điều đó khẳng định một điều rằng Báo đã làm tốt vai trò cầu nối thông tin giữa Giáo hội và giới Phật giáo, giữa Giáo hội và xã hội. Tuy danh nghĩa là tờ báo địa phương nhưng tầm cỡ đã vươn lên toàn quốc. Thước đo, đánh giá về sự phát triển của báo thông qua số lượng phát hành, số lượng độc giả hàng năm.

baogiacngo-5.gif

Đối với Ban Tôn giáo - Dân tộc thành phố, mặc dù qua nhiều thế hệ lãnh đạo, thời gian và bối cảnh tình hình khác nhau nhưng vẫn luôn sát cánh, hỗ trợ và giúp đỡ hoạt động của Báo với tinh thần trách nhiệm cao để Giác Ngộ ngày càng phát triển vững vàng hơn.

Chuẩn bị bước sang năm mới 2011 và kỷ niệm 35 năm thành lập Báo, nhân danh cá nhân tôi và các vị lãnh đạo tiền nhiệm của Ban Tôn giáo - Dân tộc thành phố, kính chúc Ban Biên tập Báo sức khỏe, hạnh phúc và an lạc. Kính chúc Báo Giác Ngộ tiếp tục là bạn đồng hành, là món ăn tinh thần góp phần tô đẹp thêm niềm tin, niềm hạnh phúc cho giới Phật giáo.

* Nhà báo Nguyễn Văn Phùng -  Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh: "Báo Giác Ngộ đã thay da đổi thịt, từ nội dung lẫn hình thức"

Báo Giác Ngộ là một tờ báo ra đời khá sớm, tôi có cơ duyên sống và làm việc trong sự phát triển của làng báo Thành phố từ nhiều năm nay, nên với Báo Giác Ngộ tôi cũng được may mắn theo dõi từ khi tờ báo mới ra đời. Sau gần 35 năm trưởng thành, Báo Giác Ngộ đã làm tốt nhiệm vụ của mình, đồng thời góp phần chung vào lực lượng báo chí hiện nay để quảng bá tình hình phát triển của thành phố.

baogiacngo-6.gif

Từ một tờ báo thuộc tiếng nói Phật giáo yêu nước trở thành tờ báo thuộc cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh cho đến ngày nay, Báo Giác Ngộ đã thực sự vững mạnh, trở thành một tờ báo duy nhất của Phật giáo trên cả nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển như vậy, Báo Giác Ngộ đã thay da đổi thịt, từ nội dung lẫn hình thức. Ngày nay, nhìn tờ báo Giác Ngộ, tôi thật sự vui mừng vì trong làng báo thành phố có một tờ báo Phật giáo có cách trình bày trang nhã, đẹp, chữ dễ đọc, các trang mục rõ ràng. Có rất nhiều bài viết đi vào lòng bạn đọc, không những là Tăng Ni, Phật tử mà còn nhiều tầng lớp bạn đọc khác. Đặc biệt là các bài viết về giáo lý Phật học và chuyên mục tư vấn bạn đọc mang tính giáo dục cao, hay các chuyên mục văn hóa, giới thiệu người tốt việc tốt…

Có thể nói, Báo Giác Ngộ ngoài việc làm tròn trách nhiệm thông tin đến bạn đọc về các công tác Phật sự trên cả nước, tờ báo còn làm tốt công tác tuyên truyền chánh kiến Phật giáo, giải quyết các vấn đề tự do tín ngưỡng, bài trừ mê tín dị đoan, xóa bỏ những ngộ nhận của cộng đồng về tín ngưỡng Phật giáo… Đây cũng chính là chủ trương Nhà nước và GHPGVN.

Báo Giác Ngộ có đội ngũ cán bộ phóng viên có tay nghề đã hoạt động một cách nghiêm túc, đem lại hiệu quả rất lớn cho người đọc. Tôi hy vọng trong tương lai, Báo Giác Ngộ sẽ mạnh hơn nữa, nâng cao chất lượng thông tin, cơ sở vật chất và kỹ thuật để làm tốt hơn cho tờ báo kể cả trang Giác Ngộ online, để tờ báo mãi là một nhân tố tiên tiến trong làng báo thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Nhân kỷ niệm 35 năm ngày Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên, xin kính chúc BBT, PV và CB-CNV của báo Giác Ngộ sức khỏe, tiếp tục phục vụ độc giả ngày càng tốt hơn và đóng góp nhiều hơn trong công tác từ thiện xã hội, xứng đáng là một tờ báo thân thiện của mọi người mọi nhà.

* Nhà báo Trần Tử Văn - Phó Tổng Biên tập Báo Công An TP. Hồ Chí Minh: "Hoạt động từ thiện xã hội của Báo Giác Ngộ được xem là thế mạnh của tờ báo gắn kết giữa độc giả với các hoạt động ích đạo đẹp đời"

Tôi biết báo Giác Ngộ qua các đồng nghiệp làm trong tòa soạn báo từ nhiều năm trước đây. Đối với tôi, nhận xét đầu tiên là tính truyền thống của báo và nổi bật nhất của Báo Giác Ngộ trong nhiều năm qua đó là hoạt động từ thiện xã hội. Có thể nói, hoạt động từ thiện xã hội của Báo Giác Ngộ được xem là thế mạnh của tờ báo gắn kết giữa độc giả với các hoạt động ích đạo đẹp đời. Việc làm này không chỉ giới hạn ở phạm vi thành phố mà còn lan tỏa rộng rãi trên cả nước, nhất là hoạt động hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Trong những chuyến cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lũ ở miền Trung… của báo Công An Thành phố, tôi đều nhận thấy có sự đồng hành của Báo Giác Ngộ.

baogiacngo-8.gif

Về mặt chuyên môn, theo tôi, Báo Giác Ngộ là kênh thông tin đặc thù mà ngay từ đầu báo đã xác định đúng "độc giả mục tiêu" nên đã thành công trong việc xử lý thông tin và "độc quyền" khai thác thông tin trong phạm vi của tờ báo. Tuy nhiên, hiện nay với sự ra đời của nhiều ấn phẩm liên quan đến Phật giáo thì phần nào đã "chia lửa" cho tính "độc tôn" của Báo Giác Ngộ. Đây cũng là một thách thức lớn và cũng là cơ hội để Báo Giác Ngộ phát triển, trở thành một trong số các tờ báo phát hành rộng rãi trên cả nước.

Nhân dịp báo Giác Ngộ Kỷ niệm 35 năm ngày báo ra số đầu tiên, thay mặt Ban Biên tập Báo Công an TP. Hồ Chí Minh và cá nhân, xin gởi đến quý Báo lời chúc sức khỏe và thành công.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày