Vào chùa học làm người có ích

GNO - Tháng bảy hằng năm, chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn, TP.HCM) rộn ràng hơn khi hàng ngàn bạn trẻ khắp cả nước về tham dự Khóa tu mùa hè. Từ môi trường này, nhiều người trẻ vốn sốc nổi như được thức tỉnh, sống có ích với gia đình và xã hội.

Đây là năm thứ tám chùa Hoằng Pháp tổ chức Khóa tu mùa hè dành cho bạn trẻ (từ 15-22 tuổi), diễn ra từ ngày 9 đến 15-7 vừa rồi, với số lượng tham dự hơn 3.000 người.

Rèn kỹ năng sống

4g30 sáng. Khi giấc ngủ hãy còn say nồng, tiếng chuông chùa vang lên trong khoảng không tĩnh mịch, báo hiệu bắt đầu một ngày mới của Khóa tu mùa hè. Các khóa sinh choàng tỉnh giấc, khẩn trương xếp mền, chiếu, gối ngăn nắp, nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân để kịp tập trung cho giờ tập thể dục buổi sáng, lấy năng lượng cho một ngày mới.

Khoa tu mua he Hoang Phap 2.jpg

Thể dục buổi sáng trong chánh niệm - Ảnh: Ch.Hoằng Pháp

 “Những ngày đầu mình khổ sở kinh khủng với thời khóa biểu đi ngủ lúc 9g tối và thức dậy vào 4g30 sáng - điều mà mình chưa bao giờ thực hiện nổi khi ở nhà. Nhưng giờ mới thấy dậy sớm làm tinh thần phấn chấn, sảng khoái và khỏe khoắn hơn thường ngày vùi đầu ngủ nướng”, bạn Nguyễn Huy Hoàng (19 tuổi) tâm sự. Hoàng cũng chưa bao nghĩ rằng những kỹ năng “dễ ợt” thường ngày như: đi, đứng, nằm, ngồi, chào hỏi, ăn uống… giờ đây lại trở nên quá đỗi khó khăn với mình khi có dịp “đụng” đến. Hoàng nhận ra người trẻ thường bốc đồng, tùy hứng nên khi được giáo dục theo sự chuẩn mực đã giúp cậu hiểu được thế nào là khuôn phép.

Hơn 3.000 bạn trẻ được phân thành bên nam và bên nữ; với mỗi khóa sinh được cấp một số thẻ để quy định đúng “nơi ăn, chốn ở” một cách trật tự và ngăn nắp trong suốt bảy ngày tu học. Đó là bài học đầu tiên dạy các bạn về cách làm việc quy củ và hợp lý. Bảy ngày không điện thoại, không Internet, không tivi, gác lại những cuộc vui cùng bạn bè bên ngoài, tập cho mình cuộc sống tự lập khi không có cha mẹ bên cạnh…, bạn trẻ được sống với những gì chân thật và gẫn gũi nhất với mình, có thời gian nhìn lại và chiêm nghiệm những điều quý báu trong cuộc sống mà mình đã lãng quên.

Thượng tọa Thích Chân Tính, Trưởng ban Tổ chức Khóa tu mùa hè cho biết: “Nhiều bạn trẻ trở nên hiền thiện, sống ý nghĩa, có ích và góp sức xây dựng xã hội sau khi tham gia chương trình. Đó là động lực cho chùa duy trì mô hình tu học này để góp phần xây dựng nhân tài cho dân tộc, cho đất nước”. Thầy cũng gửi gắm đến bạn trẻ đừng nghĩ “tu” là gì cao xa lắm, bởi theo tiếng Hán - Việt, “tu” nghĩa là sửa chữa sai lầm để hoàn thiện bản thân.

Biết yêu thương cha mẹ

Đây là năm thứ hai, Lê Thị Thanh Loan quê ở Tây Ninh tham gia Khóa tu mùa hè. Ở tuổi 20 nhưng Loan trầm tính, lặng lẽ và đôi mắt buồn vì mang nhiều tâm sự…

Tuổi thơ Loan lớn lên trong tình yêu thương vô điều kiện của cha - một thượng tá công an và người mẹ làm công việc nội trợ luôn nuông chiều hết mực. Mới bảy tháng rưỡi Loan đã được sinh ra đời và bị sinh ngược, đến năm 12 tuổi thì bị căn bệnh “thập tử nhất sinh”, nên cha mẹ Loan lúc nào cũng muốn bù đắp cho đứa con gái không may mắn của mình.

Cũng từ đó, Loan bắt đầu trở chứng. Mới học cấp hai, Loan đã cầm đầu nguyên cả lớp đi quậy phá, đánh nhau. “Hễ bạn nào bị ăn hiếp là mình kéo cả nhóm đến “xử” ngay!”, Loan kể. Những lần Loan đánh bạn tét đầu, cha Loan trên người vẫn còn nguyên bộ sắc phục công an hối hả chạy vào trường nghe người ta mắng vốn. Nhưng có cha bên cạnh thì Loan càng hả hê, chẳng còn sợ gì nữa vì “cha là công an mà!”.

Khoa tu mua he Hoang Phap.jpg

Bạn trẻ tại Khóa tu mùa hè - Ảnh: Ch.Hoằng Pháp

Loan tập tành hút thuốc những năm cấp hai, lấy trộm tiền ống heo đứa em gái dành dụm để chiu đãi bạn bè ăn nhậu, những chuỗi ngày vùi đầu vào game online hay những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng ở các quán bar, vũ trường. Thời học sinh của Loan trượt dài trong những cuộc chơi triền miền. Trở về nhà sau những cuộc vui đã 2g sáng, Loan thấy mẹ vẫn ngồi trong đêm tối đợi con về, tay cầm chiếc điện thoại không ngớt bấm nút gọi nhưng Loan đã tắt nguồn từ lâu. Những lần thấy mẹ như vậy Loan cũng xót xa, cũng nhói lòng nhưng phút giây đó thoảng qua quá nhanh đến nỗi Loan không kịp nhớ. Đôi lúc Loan cũng tự đặt ra lời hứa với bản thân sẽ thay đổi nhưng mãi sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực cho đến một ngày…

Năm 2011, Loan tham gia Khóa tu mùa hè theo lời rủ rê của bạn “vào đó có nhiều trò vui lắm”. Mỗi lần đọc kinh Báo hiếu cha mẹ, đoạn nói về nỗi khó nhọc khi người mẹ sinh con ra đời: “Mười tháng là đúng kỳ sanh/ Nếu con hiếu thuận xuôi mình ra luôn/ Bằng ngỗ nghịch làm buồn thân mẫu/ Nó vẫy vùng đạp quấu lung tung…”, Loan nhớ “mình là đứa sinh ngược, từ lúc chào đời đã gây đau khổ cho cha mẹ”. Khi nghe những bài giảng về đạo làm con, lúc con cái vui chơi thì đâu biết cha mẹ đang đợi cửa trông con về. Loan thấy điều này sao giống với hoàn cảnh của mình và Loan khóc - những giọt nước mắt đầu tiên dành cho cha mẹ trong suốt gần 20 năm Loan có mặt trên đời…

Bốn năm trước, cô Hồng (quận 1, TP.HCM) gửi con gái Lê Thị Tú Anh đến Khóa tu mùa hè chỉ với suy nghĩ: “Thôi thì còn nước còn tát vậy!”. Tú Anh vốn chăm ngoan, là học sinh lớp chuyên của trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) nhưng kể từ khi chồng cô bước theo hạnh phúc mới, Tú Anh đâm ra chán nản, bỏ học, ăn chơi lêu lỏng. Cô Hồng đã khổ tâm khi cô giáo chủ nhiệm cho hay con mình muốn làm đàn chị trong trường, nhưng bản thân cô cũng không biết làm cách nào để con mình hồi tâm chuyển ý.

“Thấy trong chùa môi trường tốt nên cô đăng ký cho con tham gia vậy thôi chứ không mong gì sự chuyển biến chỉ trong bảy ngày ngắn ngủi”, cô Hồng nhớ lại. Nhưng rồi sự thay đổi của cô con gái đang ở tuổi “chưa là người lớn, không là trẻ con” khiến cả gia đình rất đỗi bất ngờ.

Cô gái từng một thời nông nổi này kể rằng từ nhỏ đến lớn mình dành nhiều tình cảm cho cha nên khi ông ra đi mọi thứ như sụp đổ. Tú Anh luôn tự hỏi tại sao lại như vậy, tại sao chuyện này lại xảy đến với mình nên thành ra oán hận mọi thứ. Và Khóa tu mùa hè năm 2008 đã giúp Tú Anh chuyển hóa nỗi oán hờn, mặc cảm trong lòng bấy lâu nay. “Mình nghĩ dù cha có thế nào thì mình cũng nợ cha thân thể này, nợ cha về sự có mặt của mình trên cuộc đời này”, Tú Anh xúc động nói. Từ suy nghĩ đó, Tú Anh bắt đầu thay đổi cuộc sống của mình…

Hữu Công

Chung tay trồng người

Nhiều chùa ở các tỉnh cũng mở những khóa tu dành cho bạn trẻ như: chùa Phật Quang (TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), chùa Vĩnh Hưng (huyện Châu Thành, tỉnh Long An), tu viện Bát Nhã (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) và nhiều chùa phía Bắc cũng tổ chức các khóa tu trong khoảng một tuần với số lượng từ vài trăm đến hàng ngàn bạn trẻ tham dự.

Khoa tu 2.jpg

Tới chùa học làm người, xu hướng hướng thượng của giới trẻ ngày nay, cũng là cách tự bảo vệ mình khỏi rơi vào đau khổ bởi nhiều sự cám dỗ, xô bồ trong một thế giới bùng nổ thông tin, khoa học kỹ thuật, sự lên ngôi của vật chất...

N.H.C

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày