GN - Hỏi: Tôi đọc một bài báo, có đoạn như sau: “Tăng nhân Huệ Năng thời Đường từng viết trong cuốn Bồ-đề yết như sau: Bồ-đề bản vô thụ, minh kính diệc phi đài. Phật tính thường thanh tịnh, hà xứ hữu trần ai! (Dịch nghĩa: Thân là gốc bồ-đề, tâm sáng tựa gương. Phật tính thanh tịnh, nào có bụi trần!) thể hiện rằng Phật tính thanh tịnh, trong sáng, người có Phật tính thì trong lòng sẽ không có tạp niệm”. Tôi thấy nguyên văn và dịch nghĩa khác lạ so với bài kệ của ngài Huệ Năng mà tôi đã từng đọc. Mong được quý Báo hoan hỷ sẻ chia.
(MINH TRẦN, tmaotri...@gmail.com)
Bạn Minh Trần thân mến!
Về bài kệ của Tăng nhân Huệ Năng (bấy giờ chưa được truyền y bát - là Lục tổ) thì trong thiền môn gần như ai cũng biết. Đó là: “Bồ-đề bổn vô thọ/ Minh cảnh diệc phi đài/ Bổn lai vô nhất vật/ Hà xứ nhạ trần ai?”. Nghĩa: “Bồ-đề vốn chẳng cây/ Gương sáng cũng chẳng đài/ Xưa nay không một vật/ Nơi nào dính bụi trần?” (Kinh Pháp bảo đàn, Thích Duy Lực dịch và lược giải). Thiền sư Thích Thanh Từ dịch: “Bồ-đề vốn không cây/ Gương sáng cũng chẳng đài/ Xưa nay không một vật/ Chỗ nào dính bụi bặm?” (Kinh Pháp bảo đàn giảng giải).
So sánh với Pháp bảo đàn thì trích đoạn trên cả âm lẫn nghĩa đều không chính xác. Do vậy, khi đọc các bài báo viết về các vấn đề liên quan đến Phật học có nội dung khác lạ thì cần đối chiếu với văn bản gốc tức kinh văn để thẩm định lại nội dung, mạnh dạn phê phán và loại trừ khi biết điều ấy không đúng.
Chúc các bạn tinh tấn!