Chúng tôi đến Ninh Bình - điểm hẹn nơi cực Nam đồng bằng sông Hồng, nơi có những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp Tam Cốc - Bích Động, Tràng An... cùng rất nhiều di tích lịch sử văn hóa và cố đô Hoa Lư nổi tiếng.
Khám phá hang động, thung nước
Khu du lịch sinh thái Tràng An có tổng diện tích 3.177,2ha, nằm trên địa bàn 8 xã, phường thuộc huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn và thành phố Ninh Bình. Toàn khu được chia làm bốn khu chức năng chính, đó là Khu Bảo tồn đặc biệt cố đô Hoa Lư, Khu trung tâm, Khu văn hoá tâm linh núi chùa Bái Đính và Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An.
Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An rộng 966,4 ha. Hiện nay, tại đây chỉ tính riêng số hang xuyên thuỷ đã được khảo sát là 48, xen lẫn 31 thung đẹp cùng các di tích lịch sử, di chỉ khảo cổ, cổ vật từ thời Đinh, Tiền Lê mới được phát hiện, khai quật.
Điều kỳ diệu ở đây là các hang động này lại được thông với nhau bởi các thung nước, một nơi hết sức hiểm trở tạo nên cho kinh đô Hoa Lư với thế phòng thủ vững chắc, những ngọn núi cao chót vót chính là những đài quan sát, những tường thành bảo vệ kinh đô Hoa Lư.
Thời gian có thể làm huỷ hoại những công trình kiến trúc cung điện, đền đài nhân tạo nhưng những tường thành núi đá này mãi mãi tồn tại, chính vì thế kinh đô Hoa Lư còn được gọi là kinh đô Đá. Ngày nay, người ta gọi vùng núi đá vôi Hoa Lư – Ninh Bình là “Hạ Long trên cạn”.
Ngôi chùa của những kỷ lục
Một điểm đến “mới nổi” gần đây ở Ninh Bình và có lẽ ai cũng muốn một lần được ghé đến là quần thể chùa Bái Đính khổng lồ. Tọa lạc trên một khuôn viên rộng tới 700ha tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, ngôi chùa không chỉ lớn nhất Việt Nam về quy mô xây dựng, mà còn cả sự bề thế, đồ sộ của các tượng Phật. Dự kiến đến năm 2015, ngôi chùa có nhiều kỷ lục này mới hoàn thành.
Tuy công trường vẫn còn ngổn ngang, dang dở, song hàng vạn du khách đã nườm nượp viếng thăm. Điều hấp dẫn chúng tôi ở Khu Tân tự chính là Hành lang La Hán. Đây là một công trình lớn có chiều dài 1.052m ở cả hai phía đông tây, gồm 234 gian đặt 500 vị La Hán bằng đá nguyên khối (mỗi bức cao gần 2,5m, nặng chừng 3 tấn).
Men theo hơn 300 bậc thềm đá dẫn lên núi, du khách sẽ trải nghiệm hành trình độc đáo như đang kinh qua một cuộc nhân sinh để kiếm tìm Chân – Thiện – Mỹ. Bái Đính là một quần thể chùa được biết đến với nhiều kỷ lục Việt Nam được xác lập như chùa có diện tích lớn nhất, tượng Phật bằng đồng lớn nhất, chùa có nhiều La Hán nhất và nhiều cây bồ đề nhất...
Nhiều người không biết rằng quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa mới có kiến trúc hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống, chính vì vậy mà nơi đây sớm trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Các điện chính là nơi thờ Phật. Điện Quan Âm gồm 7 gian với gian giữa của điện đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt để thể hiện sự bao quát cứu vớt và phổ độ chúng sinh của Phật bà trên thế gian. Tượng Phật bà được đúc bằng đồng nặng 80 tấn, cao 9,57m, được công nhận là pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất ở Việt Nam.
Điện Pháp Chủ có 5 gian, gian giữa đặt pho tượng Phật Pháp Chủ bằng đồng cao 10m, nặng 100 tấn (được xác nhận kỷ lục “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng lớn nhất Việt Nam). Trong điện còn treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng lớn nhất Việt Nam.
Điện Tam Thế tọa lạc ở trên đồi cao so với mặt nước biển là 76m, dài 59,1m, rộng hơn 40m. Trong điện Tam Thế đặt 3 pho tượng Tam Thế Phật (quá khứ, hiện tại và tương lai) bằng đồng cao 7,2m, nặng 50 tấn, được xác nhận kỷ lục: “Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”.