Về quê ăn Tết

GNO - Trong mỗi chúng ta, ai sinh ra cũng đều có một quê hương để mà vấn vương, để mà thương mà nhớ, mà bồi hồi cảm xúc mỗi khi phải xa quê. Chẳng vậy mà quê hương luôn “là chùm khế ngọt…” trong tâm thức và những kỷ niệm tuổi thơ đầy ăm ắp của mỗi con người - để mỗi khi lưu luyến con người ta thường tìm về với tổ tiên, cội nguồn.
tren dung ve.JPG
Trên đường về quê... (Ảnh minh họa)

Thường là rất ít người từ lúc sinh ra chỉ sống và lập nghiệp ở nơi mảnh đất quê hương, mà đại đa số đều rời quê đi học tập, đi làm ăn ở một nơi nào đó trong phạm vi đất nước mình, thậm chí là ở những miền đất hải ngoại xa xôi, bởi ở đâu “đất lành” là ở đó có “chim đậu”, miễn là ở nơi đó thuận lợi cho việc kiếm tiền và công cuộc mưu sinh.

Dù có đi đâu, ở đâu thì năm hết Tết đến người ta thường nhớ về mảnh đất đã sinh ra và nuôi ta lớn khôn để mà trở về. Có người dẫu đã gần mất gốc gác quê và đã sống nhiều đời ở thành phố, nhưng thường là những ngày đầu năm mới họ vẫn tìm về với cội nguồn ở một miền quê nào đó để thắp nén tâm nhang cho ông bà, tiên tổ. Đó là triết lý, đạo lý của người Việt ta - sống theo kiểu “chim có tổ, người có tông”, nghĩa là không bao giờ quên nguồn cội.

Còn với những người đang còn ông bà, cha mẹ, anh chị em và họ hàng thân thích nơi quê nhà thì không có một lý do gì là họ lại không về quê trong những ngày Tết. Trong mâm cỗ Tết quê, gia đình nào thiếu một thành viên, dù với một lý do nào đó mà không thể về đoàn tụ được thì coi như Tết đó cả nhà mất vui.

Dù nghèo khó về kinh tế và các món cỗ Tết dẫu không thể đủ đầy những món ngon vật lạ nhưng mọi người về quê đều vẫn rất vui, vẫn rất tự hào vì còn có một nơi, đó là quê hương để trở về mỗi khi mùa xuân tới.

Gia đình tôi cũng không phải là một ngoại lệ, khi nhà có 5 anh chị em thì mỗi người lập nghiệp và sinh sống ở một vùng miền khác nhau. Người thì đã lập gia đình, người chưa, nhưng có một điều bất di bất dịch là Tết năm nào cả 5 anh chị em chúng tôi cũng phải trở về đoàn tụ cùng bố mẹ để ông bà vui.

Cả năm trời bố mẹ tôi lủi thủi đơn độc với bao nỗi buồn nhớ con, ngóng cháu, chỉ mong mấy ngày Tết để mà vui, mà được nghe tiếng cười nói râm ran, nên vì vậy anh chị em chúng tôi đều không muốn làm bố mẹ buồn. Người ở xa thì chỉ sau ngày ông Táo vài ngày là đã phải có mặt ở nhà, còn những người ở gần bận bịu nhiều công việc thì cũng phải có mặt ở nhà trước ngày cuối cùng của năm cũ để kịp họp mặt trong bữa cơm chiều tất niên.

Cũng có một vài lần do công việc phải trực Tết ở cơ quan nên không thể về quê vào 3 ngày Tết chính được, và những năm đó không chỉ tôi buồn, mà bố mẹ tôi mới là những người buồn hơn cả. Trước mỗi bữa ăn, anh chị tôi gọi điện thông báo cả nhà kém vui vì thiếu tôi và những thời khắc như thế chẳng phải riêng tôi, mà ai rơi vào hoàn cảnh đó đều buồn đến rớt nước mắt…

***

Năm cũ sắp qua đi và một cái Tết vui tươi đầm ấm đang cận kề ở phía trước. Ngoài phố xá tấp nập, tôi đã thấy lác đác những cô cậu sinh viên, những người lao động… đang chuẩn bị hành lý để trở về quê.

Đâu đó, ngoài ga tàu, bến xe người ta cũng đã, đang chen chúc nhau cố kiếm cho được một tấm vé để định ngày về quê và chắc chắn những ngày càng cận Tết thì từ sự quá tải vì tàu xe, đường xá cho lộ trình về quê của mỗi người càng gian nan. Lại một mùa xuân đang sắp tới và dẫu biết rằng khi trở về rồi cũng lại có thời khắc chia li - để ra đi trong guồng quay của cuộc mưu sinh, nhưng sự ra đi cũng là lúc để chuẩn bị cho sự trở về với những điều mong ước tốt đẹp hơn…

Trịnh Viết Hiệp
(Học viện BC&TT)

Giác Ngộ online xuân Bính Thân 2016 chào đón tin, bài bạn đọc, cộng tác viên. Bài vở, tin tức cộng tác xin hoan hỷ gửi về: giacngoxuan@gmail.com.

Liên hệ quảng cáo trên trang Giác Ngộ online xuân Bính Thân với nhiều ưu đãi - tại phòng quảng cáo Báo Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) - ĐT: (08) 393.04.388.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày