“Về quê ăn Tết”

GNO - Là tên phim điện ảnh của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, công chiếu vào đầu năm 2018, xoay quanh chủ đề thân thuộc vào dịp Tết Nguyên đán: đoàn tụ gia đình, đánh trúng tâm lý của khán giả Việt.

Trong nhạc phẩm xuân “ngày Tết quê em” (Từ Huy) cũng có câu hát réo rắt mỗi dịp đón giao thừa: “Mùa Tết đến ta chúc cho nhau. Một năm mới sung túc an vui. Dù đi đâu ai cũng nhớ. Về chung vui bên gia đình”.

Như một tập tục “bất thành văn” của một dân tộc có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, cứ dịp Tết đến xuân về, từ ngày 23 tiễn ông Táo về trời, là người người dầu mưu sinh ở phương nào cũng về nhà, về quê hương, xứ sở hoặc ít nhất cũng dọn lòng để được nhớ về nguồn cội.

IMG_2016.jpg


Bữa cơm cúng kiếng mời ông bà tổ tiên về ăn vào trưa 30 Tết - Ảnh: Hiếu Hạnh

Trong cuốn “An Nam phong tục sách” (còn có tên là “tiểu học Bản quốc phong tục sách” vì được viết theo phương pháp sách giáo khoa để dạy cho học sinh bậc tiểu học về những phong tục tập quán truyền thống cơ bản nhất của người Việt Nam) của Mai Viên Đoàn Triển (1854 - 1919) viết bằng chữ Hán, sau này được Nguyễn Tô Lan dịch chú, có đoạn: “Trung tuần tháng Chạp (một tuần xưa có 10 ngày. Trung tuần tháng Chạp tức là từ ngày mồng 10 đến ngày 20 tháng Chạp), tứ dân (sĩ, nông, công, thương) đi xa, lục tục trở về quê quán, may sắm quần áo, quét dọn vườn tược, nhà cửa, lau chùi đồ đạc, mọi việc đều phải gọn gàng sạch sẽ”.

Dân dã gọi thành quen là về quê ăn Tết nhưng thật ra về quê đâu chỉ ăn, chỉ chơi mà còn “hợp lực” với đại gia đình “tổng vệ sinh” nhà cửa, nấu ăn cúng kiếng, chưng bông chưng hoa, đi chợ Tết,... Tuỳ “chuyên môn”, tay nghề, sức khoẻ mà mỗi người mỗi việc. Vậy thôi mà rôm rôm rả rả mấy ngày xuân.

Một bức ảnh chụp bàn ăn đơn giản hình dĩa trái cây ngũ quả “rất Việt Nam” tượng trưng cho ước vọng năm mới “cầu sung túc vừa đủ xài” (mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài) với chậu hoa lan nhỏ xinh, bao lì xì đỏ và thức ăn truyền thống Việt… của một bạn trẻ đang sinh sống ở Úc đăng lên Facebook với dòng status: “Buổi tối cuối năm. Dù ở đâu cũng nhớ về nhà…” như nói hộ nỗi lòng của những người xa quê.

Có một Facebooker 8x có sở thích đi du lịch, đã chiêm nghiệm được: “Du lịch thật ra là cách viết ngắn gọn của việc đổi địa điểm ăn nhậu ở một nơi xa”. Và cũng từ nơi xa ấy, những món ăn dân dã mang hương vị quê nhà kết nối con người xa quê được trở về.

Vào đúng ngày đẹp cuối năm chuẩn bị đêm trừ tịch (30 âm lịch), trên Facebook và các trang báo mạng chia sẻ một thông tin thật “đẹp” và “duyên dáng” về một cô giáo ở trường làng vào top 50 giáo viên toàn cầu có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục, do tổ chức giáo dục Varkey Foundation bình chọn, từ hơn 10.000 ứng viên, và có cơ hội nhận được một triệu đôla cho người người xuất sắc vào tháng 3 tới. Đó là cô giáo Trần Thị Thuý dạy tiếng anh ở Trường THPT Đức Hợp, xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên.

Điều đáng quý là năm 2017, sau khi đại diện Việt Nam tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada, cô Thuý được lãnh đạo Microsoft Canada mời tới quốc gia này làm việc nhưng cô đã từ chối với lý do “ra đi là để trở về”.

Theo tâm nguyện, cô trở về với lớp học làng quê, không chỉ dạy ngoại ngữ cho học sinh theo giáo án mà cô còn sáng tạo nhiều phương pháp mới, hiện đại, thu hút để kết nối các học trò với thế giới ngày càng hiện đại bên ngoài. Như vậy, ngày nào của cô cũng là ngày xuân, vì cô đã thật sự đã trở về. Trở về quê hương, về bên chồng và các con và về với ước mơ “gõ đầu trẻ” trong thời đại 4.0.

Trong những ngày tất tả dọn dẹp trang trí nhà cửa cuối năm, tôi tự hỏi lòng: “Ủa, Tết là gì mà ai cũng chào đón vậy?”.

Sau ba mươi năm đón Tết cũng giúp tôi trả lời phần nào câu hỏi đó: “Tết là quê hương, là ông bà, là tổ tiên, là cha là mẹ, là con là cháu và hơn hết là chính mình”. Là chính mình bởi vì có dọn lòng thơm thảo chào đón thì Tết mới tràn về, như trong một buổi livestream Facebook “chat chit” của MC Lê Đỗ Quỳnh Hương chiều ba mươi có chia sẻ, trong đêm giao thừa thiêng liêng đừng quên dành cho chính mình những phút giây tĩnh lặng, trong thâm tâm sâu thẳm bày tỏ lời cảm ơn, xin lỗi và bao dung với tha nhân, một cách kết nối với vũ trụ, nguyện ước bắt đầu một năm mới an lành. Đó cũng là một cách về quê vậy!

Trần Lê Hiếu Hạnh (Bình Dương)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày