Về quê mùa an cư, thật tuyệt!

GNO - Quê em vào mùa an cư là con đường làng trở nên lãng mạn vô cùng. Gió cứ thổi mơn man, dìu dịu hòa quyện với tiếng niệm Phật nhạc làm cho không gian yên tĩnh vô ngần.

Cả làng dường như cùng hưởng ứng mùa an cư. Tiếng cười nói rộn ràng hằng ngày, những tiếng rao hàng của những cô bác buôn bán đã trầm hẳn. Nhất là buổi sáng, buổi trưa tụng kinh, cúng Ngọ, người người nói chuyện với nhau rất khẽ. Những chiếc xe máy hư pô chạy nổ ạch ạch; những chiếc xe đạp thiếu nhớt hằng ngày chạy kêu cót két, nhưng vào mùa an cư, lại chạy êm một cách khác thường!

IMG_7923.JPG

Chú Tiểu ở chùa quê tôi trong mùa an cư - Ảnh: Khánh Vy

Quê em mùa an cư, phiên chợ làng quê ít bán thịt, cá hơn những mùa khác trong năm. Rau, nấm, đậu hủ, mắm thái chay thì được bày bán rất nhiều. Những ngày thứ Bảy, Chủ nhật người ta đi chùa đông hơn ngày thường gấp bội. Có người đến làm công quả, có người đến tụng kinh, cũng có người đến thắp nhang sưởi ấm cõi lòng.

Quê em mùa an cư, con nít ít khi xách cái xô, cái thùng chạy ra đồng bắt cua, bắt cá mỗi khi trời mưa. Mà rất nhiều đứa trẻ, con trai tóc hớt đầu đinh, con gái tóc hớt ngang, cột cao hoặc thắt bím; quần ống thấp, ống cao theo chân bà đến chùa. Có những đứa, bố mẹ đi làm thuê, vắng nhà, gần đến giờ cúng Ngọ, chúng gọi nhau đi chùa chứ chẳng cần người lớn rủ.

Hành trang những ngày đầu đi chùa của chúng gói gọn chỉ có chiếc áo tràng của ai đó xin được. Có đứa thì lấy chiếc áo dài cưới ngày xưa của mẹ, bỏ vào trong cái bịch nilông đến chùa để mặc cho hợp với các cụ; vì chúng thấy, ai cũng mặc áo dài. Các em có nhỏ nhất chỉ 3 tuổi thôi, mặc chiếc áo bà ba của mẹ là đủ dài phết đất. Cái áo “dài” theo quan niệm của chúng chỉ cần áo dài qua mắt cá chân là được. Thấy thương, quý sư tặng cho chúng chiếc “áo dài” đúng nghĩa. Chúng mừng, có đứa không dám ngồi lâu trên ghế, sợ sẽ nhăn cái áo như ngày xưa - các cụ thường sợ!

Chúng - có đứa chưa biết chữ, vì chưa đến tuổi đến trường nhưng không hiểu sao, chúng thuộc làu những câu khai kinh, phục nguyện và một vài biến chú tụng trong lúc cúng Ngọ. Chúng rụt rè, chẳng dám đứng phía trên cô bác. Chúng nghĩ, đứng thế là hỗn, đứng thế Phật không thương nên cứ rụt rịt đứng sau các “bóng cả”. Lúc cúng đại bàng, chúng giành nhau đứng sau lưng quý sư. Chúng cất cao, nhịp nhàng câu nguyện “Đại bàng kim súy điểu; Khoáng dã quỷ thần chúng; La-sát quỷ tử mẫu; Cam lồ tất sung mãn” mà chúng kể là “không ai chỉ, học lóm, nghe mấy cô đọc rồi thuộc”!

Còn nhỏ tuổi nhưng ăn cơm, chúng đã biết “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Nhắm chừng, thố cơm đó, đủ chia thành mấy chén là chúng chia đều cho nhau. Một lần, nếu nhiều cơm, chúng múc cho nhau mỗi đứa đầy vun cả chén để đỡ phải múc nhiều lần. Ngồi chung mâm, ăn cơm chung bọn trẻ mà đôi khi phải bật cười vì những câu nói ngây ngô của chúng, nhất là câu: “Ăn hết đi tụi bây, ăn hết cơm với đồ ăn đi, đừng có chừa lại. Tụi mình chừa lại, sư buồn”. Thật ra là, thấy đồ ăn ngon, chúng gọi nhau ăn cho hết. Chúng lém lỉnh là thế, nhưng thấy chúng, ai cũng thương. Ngày nào chúng không đi chùa, mọi người lại nhớ, lại nhắc!

Miền quê vào mùa an cư, ba và mẹ sống chan hòa, hoan hỷ đến lạ. Có những lúc, ba chưa hài lòng khi mẹ làm việc gì đó, ba vẫn cười rồi tự đi làm lại cho giống ý mình chứ không la mẹ. Mẹ cũng thế, khi bạn ba đến chơi nhà, mẹ hay nhắc khéo ba: nay là mùa an cư nha anh - nói thế ba đủ hiểu là không nên đi nhậu nhẹt; không nên ngồi ở bàn bi-da và quan trọng hơn là, đừng để em phải nổi sân, si khi anh đi chơi về muộn.

“Anh làm thế thì phước của hai ta đều mất” hay “mùa an cư, em cũng muốn an cư, em không muốn cãi nhau; anh đừng khảo em”, những câu nói thế này, mẹ vẫn thường nói với ba. Mỗi khi mẹ nói thế, để ý mười lần đủ chục, ba đều “lép vế”. Ấy thế mà, ba lại vui, chứ không tỏ ta khó chịu.

Mùa an cư, ở quê vui, an lạc và cuộc sống trôi qua rất nhẹ nhàng. Thế mới nói, mùa an cư mà được ở quê thì còn gì bằng. Nhất là đối với những ai tuổi thơ gắn trọn với cây đa, mái chùa; khi đã trưởng thành, đi làm xa quê, hằng ngày phải tất bật với mớ bòng bong của công việc thì luôn nhận ra giá trị, niềm vui mùa an cư ở quê nhà là vô đối!

Khánh Vy

---------------------

Tin, bài cộng tác cho trang Phật giáo - Tuổi trẻ vui lòng gửi về địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày