Về việc xử lý khủng hoảng truyền thông Phật giáo...

GN - Xuyên qua những chủ đề được trình bày trong Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ toàn quốc 2016 do Ban Thông tin-Truyền thông T.Ư GHPGVN tổ chức, vấn đề khủng hoảng truyền thông Phật giáo và cách xử lý một lần nữa được nhắc đến, để lại nhiều ưu tư cho người quan tâm.

a tttt 8.jpg
Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông - thông tin
do Ban TT-TT T.Ư tổ chức khép lại ngày 24-4 vừa qua - Ảnh: Hoàng Tuấn

Những con chữ vô cảm

Là một trong những diễn giả chính được mời đến trình bày và trao đổi với học viên khóa bồi dưỡng, trên cơ sở đề nghị của Ban Tổ chức và với kinh nghiệm bản thân đã nhiều năm làm công tác truyền thông, Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo VN đã chọn chủ đề khá nóng, được dư luận giới Phật giáo quan tâm hiện nay: “Xử lý khủng hoảng truyền thông và truyền thông Phật giáo”.

Trong nội dung trình bày, vị đại diện tổ chức nghề nghiệp mang tính toàn quốc của các nhà báo Việt Nam đã đi vào phân tích, đánh giá và đưa ra kết luận ở 3 phương diện của chủ đề: Thông tin về Phật giáo trên báo chí và trang mạng xã hội; người tu hành tham gia mạng xã hội, góc nhìn của dư luận; xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan đến hình ảnh Phật giáo. Qua đó ông cho rằng, khủng hoảng về mặt thông tin là điều không thể tránh được đối với tất cả các thực thể đang hiện diện giữa cuộc sống này.

Riêng những tổ chức lớn, có sự tham gia của nhiều thành phần thì khủng hoảng truyền thông diễn ra trên nhiều phương diện liên quan đến con người trực thuộc, phương thức hoạt động, định hướng phát triển và những giá trị nội tại mà Phật giáo không là ngoại lệ. Nhất là trong điều kiện liên tục có sự ra đời nhanh chóng và ồ ạt của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, mỗi người trong xã hội đều có thể trở thành “nhà báo” cho chính mình thì vòng xoáy của thông tin trở nên khốc liệt và có sự cạnh tranh gay gắt giữa những nhà báo chuyên - không chuyên. Để rồi đến cuối cùng, một khi đối diện với khủng hoảng thì người trong cuộc vẫn là đối tượng chịu nhiều điều tiếng nhất và tổn thất nhất.

Trên thực tế, sinh hoạt của Phật giáo tại nước ta đã nhiều phen đảo lộn làm và ảnh hưởng đến niềm tin của tín đồ trước những thông tin liên quan xuất hiện trên các mặt báo chính thống. Trong đó, có những vụ việc được giới truyền thông tiếp cận một cách nghiêm túc và đưa tin chuẩn xác đến người đọc, giúp vấn đề được sáng tỏ nhưng không hiếm các trường hợp là nạn nhân của những con chữ vô cảm, phiến diện, có yếu tố giật gân câu khách và ác ý của người cầm bút vì một lý do nào đó. Đó là chưa kể đến tính tự phát, không thể kiểm soát của các thông tin trên các trang mạng xã hội mà bất kỳ ai cũng có thể là “tội đồ” một khi được đề cập đến.

Còn nhớ, cách đây không lâu, một trang báo điện tử chính thống chuyên về giải trí sau khi tiếp nhận nguồn tin đã cho đăng bài viết với tiêu đề gây sốc “Sư hổ mang cưỡng hiếp thai phụ”, nói về việc một “nhà sư” lợi dụng chuyện kiểm tra sức khỏe của một thai phụ viếng chùa đã có những hành vi bất chánh gây phẫn nộ đối với người đọc, nhất là chư Tăng Ni, Phật tử.

Đáng nói hơn, nội dung không nhiều nhưng bản tin đã đi vào miêu tả khá chi tiết diễn biến vụ việc, trích dẫn những phát ngôn của người liên quan với lời lẽ châm biếm và khẳng định để tạo niềm tin cho độc giả. Sau khi bản tin được đăng tải, nhiều tờ báo và trang mạng khác đã copy, thêm thắt, kể lại câu chuyện ở những hướng khác nhau. Sau khi vụ việc được lan truyền một cách nhanh chóng trên diện rộng, đại diện nhà chùa và cả bộ phận chuyên môn của Giáo hội đã có những thông tin chính thức, được kiểm chứng rằng đương sự được cho là nhà sư chẳng qua chỉ là một người công quả bình thường, mặc áo nhà chùa thì các bản tin trên vẫn không được cải chính theo hướng có thiện chí mà chỉ là “nói lại cho rõ” hơn vấn đề.

Hay như câu chuyện mà các trang mạng xã hội một dạo chia sẻ đến chóng mặt các hình ảnh liên quan đến thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên tại Bình Dương. Nội dung chủ yếu cho rằng chư Tăng Ni trong chùa mất thanh tịnh, có những hành vi thân mật giữa những người khác giới không đúng với chuẩn mực của tu sĩ Phật giáo. Tuy nhiên, qua kiểm chứng hay nếu tinh ý một chút có thể biết rằng đây chỉ là những ảnh ghép, sai sự thật, được cắt từ một đoạn phim. Hơn nữa, các nhân vật chính trong hình mang trang phục của Ni giới, trong khi thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên là cơ sở tự viện Phật giáo chỉ dành cho Tăng mà không có Ni.

Được vạ thì má đã sưng

Dù không nói ra nhưng có lẽ ai cũng hiểu những vị tu sĩ và Phật tử chân chính sẽ bị xúc phạm niềm tin thế nào khi những thông tin không chính xác trên được đăng tải, lan truyền. Và cho dù nó có được “nói lại cho rõ” hay không vẫn tạo nên những cách hiểu, cách nhìn phiến diện và vơi đi ít nhiều thiện cảm đối với sinh hoạt của Phật giáo.

Trong các câu chuyện về khủng hoảng truyền thông hiện nay, có lẽ khó tránh được phương diện mà Phật giáo bị đề cập một cách tiêu cực ở cách này hay cách khác. Điều có thể hiện nay vẫn là cách tiếp nhận và xử lý của chúng ta ra sao trước những sự việc trên để kịp thời có những phản hồi thế nào cho phù hợp và xoay chiều ngoạn mục. Đây chính là nhiệm vụ của lực lượng làm truyền thông Phật giáo và cả hệ thống Giáo hội.

Thông thường, trước các nội dung tiêu cực về Phật giáo được phản ánh và phơi bày, cách làm theo kiểu dĩ hòa vi quý của nhà Phật vẫn là im lặng cho qua với suy nghĩ “thanh giả tự thanh”. Hoặc giả nếu có phản ứng thì cũng chậm chạp và thiếu đồng bộ, không chính thống và có phần lúng túng. Không những thế, có nhiều lúc, khi sự việc xảy ra, trước áp lực cạnh tranh độ nhanh nhạy của nguồn tin với trang mạng xã hội, các nhà báo muốn tìm cho mình một nơi phát ngôn chính thức, cụ thể, rõ ràng và chính danh từ giới Phật giáo thì lại không có hoặc nếu có thì đôi lúc phát biểu trái chiều, cảm tính cá nhân mà không dựa trên lợi ích chung. Đến khi vụ việc được sáng tỏ thì phần thông tin tiêu cực đã tràn lan, khó xóa bỏ được.

Những phản ứng kiểu này, theo các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và ngay cả ông Trần Bá Dung cũng cho rằng đó là không nên và tự giết mình, làm vấn đề tiếp tục được thổi phồng và bị lái đi những hướng khác khó tiên liệu. Đã có nhiều bài học đau lòng trong thời gian qua minh chứng cho điều đó và chúng ta trả giá quá đắt khi uy tín và hình ảnh của người xuất gia cũng như sinh hoạt Phật giáo giảm đi nhiều trong con mắt của xã hội.

Một trong những lời khuyên đầu tiên được đưa ra trong các trường hợp trên là Giáo hội dù đã có quy chế phát ngôn, đã có bộ phận tham mưu giúp việc về thông tin truyền thông thì vẫn phải hình thành một đội ngũ phát ngôn chuẩn mực, có tầm hiểu biết, có trình độ và được đào tạo bài bản để có thể ứng biến trong những trường hợp nhất định.

Song song đó, cũng cần có những buổi thông tin, gặp gỡ báo chí để chia sẻ thông tin cụ thể các vấn đề xảy ra một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác, đồng thời khẳng định những lộ trình điều chỉnh nếu có những biểu hiện thiếu chuẩn mực từ Tăng Ni, Phật tử. Ngoài ra, các cấp Giáo hội cần xây dựng hệ thống thông tin truyền thông dưới nhiều hình thức khác nhau để đưa ra những cái tốt, những cách làm hay điển hình của Phật giáo để xã hội thấy rằng các biểu hiện xấu, không hay chỉ là những cá thể ngoại lệ.

Rõ ràng xử lý khủng hoảng truyền thông là một việc làm cần sự đồng bộ của các cấp Giáo hội, tạo nên giá trị tác động một cách tổng thể theo hệ thống chứ không phải là nhiệm vụ của bất cứ một cá nhân nào.

Bảo Thiên

________________

* Tin, bài liên quan:

>> Bạn đọc có ý kiến gì về vấn đề này, hoan hỷ viết bài gửi cho Giác Ngộ, hộp thư: toasoan@giacngo.vn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày