Vị cư sĩ nỗ lực đưa chữ Phạn đến gần với người Việt

GN - GS.Lê Tự Hỷ được biết đến là một trong những người có nhiều nỗ lực đối với việc tìm tòi và tự học hỏi chữ Phạn hiện nay tại nước ta. Ông đã được mời nói chuyện, hướng dẫn cách học chữ Phạn tại nhiều nơi ở Huế, TP.HCM, biên soạn nhiều tác phẩm liên quan…

Đầu năm 2014, Viện Nghiên cứu Phật học VN đã phát hành một công trình nghiên cứu của GS.Lê Tự Hỷ “Thần chú trong Phật giáo”, gây sự chú ý của nhiều người. Một năm sau đó cuốn sách này được tái bản với những bổ sung và đính chính các lỗi in ấn và kỹ thuật trong ấn phẩm lần đầu tiên.

GS Hy1.jpg


GS Lê Tự Hỷ - Ảnh: Diệu Tạng

Theo đánh giá của HT.Thích Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN, công trình này đã có những đóng góp thiết thực, làm cho người Phật tử có thể hiểu được những gì mà mình đang hành trì; “thần chú” không phải là những bí mật không thể giải thích mà đều có ý nghĩa, theo đó đem lại nhiều lợi lạc, bồi đắp cho nhận thức, chánh tín thêm vững chãi.

Mới đây, nhân dịp ông ra mắt tập sách mới với nhan đề “Đại đế Asoka - Từ huyền thoại đến sự thật”, kể về những chuyển hóa của con người lịch sử, từ một bạo chúa với biệt danh Asoka - tàn ác, trở thành hoàng đế Asoka - hộ trì Phật pháp, lưu truyền cho đến nay; bên cạnh những chia sẻ xung quanh việc tìm hiểu, nghiên cứu để có được tập sách này, GS.Lê Tự Hỷ còn trải lòng về sự tìm tòi và tự học chữ Phạn của mình. Nói về nhân duyên đến với Phạn ngữ, ông chia sẻ:

- Khi đọc sách hay bài giảng của quý thầy, các nhà nghiên cứu, thỉnh thoảng tôi gặp một số từ để trong dấu ngoặc, được các tác giả cho là chữ Phạn. Tôi vốn là người yêu thích Toán và giảng dạy Toán nên cảm thấy “không thoải mái” khi phải chấp nhận những cái “mơ hồ”, cái mình chưa hiểu rõ ràng. Tôi muốn tìm ý nghĩa của các từ ấy. Vì vậy tôi phải tự học tiếng Phạn. Càng học càng thích vì không những hiểu rõ hơn các từ ghi chú trong sách, trong kinh, mà còn có thể chỉnh sửa các từ hoặc do in sai, hoặc do tác giả vốn không rành chữ Phạn mà chép ra.

* Việc học tiếng Phạn, theo kinh nghiệm của Giáo sư, có những khó khăn gì? Và Giáo sư đã vượt qua khó khăn đó như thế nào để tự mình học tốt tiếng Phạn như bây giờ?

- Chữ Phạn được viết theo hai dạng: Devanāgarī và IAST (International Alphabet of Sanskrit Transliteration). Với dạng IAST thì người Việt không có gì khó để nhận ra và đọc, nhất là với người đã từng biết đọc ngôn ngữ đa âm như tiếng Pháp, tiếng Anh… Nhưng, theo dạng Devanāgarī  thì hoàn toàn mới lạ với người bắt đầu học. Song, chỉ với 13 nguyên âm và hơn 30 phụ âm… nên thiết nghĩ cũng không gì là quá khó để tập đọc và viết những âm cơ bản này.

Cần phải dành thời gian cho việc học nghiêm túc (tùy theo khả năng của từng người), nhưng đây là cái “cửa đầu tiên” phải vượt qua. Tiếp đến là việc kết hợp các mẫu âm để tạo thành một từ trong Devanāgarī. Phải học cách viết ra một số kết hợp cơ bản: nguyên âm với phụ âm, phụ âm với phụ âm... mới có thể nhận ra và đọc được các từ theo dạng  này. Đây là cái “cửa ải” thứ hai mà một học viên phải vượt qua, mới có thể đọc được các từ Phạn (chưa cần biết ý nghĩa). Đa số học viên “bỏ cuộc chơi” vì không vượt qua cái “ải” này. Cần kiên nhẫn tập đọc và tập viết những từ Phạn từ đơn giản ít âm, đến các từ phức tạp nhiều âm thì sẽ quen dần. Cái khó tiếp theo là sự biến đuôi của các danh từ theo 8 chức năng trong một câu (chữ Việt không biến đuôi; chữ Pháp, Anh có biến chút ít khi qua số nhiều; chữ Nga biến đuôi theo 6 cách, chữ Phạn theo 8 cách). Cái khó tiếp nữa là sự hợp âm của hai từ đi kế tiếp nhau trong một câu. Những cái khó này, người học sẽ vượt qua dần dần qua các bài học cụ thể trong quá trình học tập.

Nói tóm lại, người học cần kiên nhẫn, xác định học lâu dài thì sẽ đạt kết quả. Tất nhiên mỗi người tùy theo hoàn cảnh, tùy theo căn cơ, tùy theo thì giờ mà học trong điều kiện của mình. Khi học chữ Phạn, tôi đã tự hứa với lòng mình: cần biết chút tiếng Phạn nên “không bỏ cuộc chơi” và học “tà tà” từ sách dạy tiếng Phạn qua tiếng Anh. Những từ Phạn trong Phật học, tôi tìm học qua các sách về Phật học, Từ điển Phật học cũng qua tiếng Anh.

* Thưa Giáo sư, khi mới bắt đầu học tiếng Phạn, theo kinh nghiệm của ông, người học nên bắt đầu từ sách nào?

- Ngày nay, Phật tử VN học chữ Phạn cốt để tra cứu, tìm hiểu kinh sách Đại thừa, cho nên ngay từ đầu, cần tập đọc, tập viết  những từ trong Phật học (như tên các vị Phật, các Đại đệ tử của Phật, tên các bộ kinh, các danh từ trong Phật học như: sáu căn, sáu trần, sáu thức, mười tám giới… được sử dụng trong Bát-nhã Tâm kinh v.v…). Tất nhiên, những từ trong Phật học này không thể có trong các sách học chữ Phạn chung chung do người phương Tây hay Ấn Độ viết ra, mà sẽ có trong các sách do chính người Việt soạn cho Phật tử VN (như trong bộ sách Tự học tiếng Phạn của tôi, hay đặc biệt trong các bài giảng của tôi hiện nay tại chùa Huệ Quang, Huệ Nghiêm và Xá Lợi).

* Trong quá trình Giáo sư nghiên cứu các tài liệu chữ Phạn để cho ra đời những bộ sách như hiện nay, liệu có điều gì khiến ông đáng lưu tâm không?

- Nếu có điều đáng lưu tâm, tôi nghĩ mình nhìn nhận được một điều, đó là mọi kết quả đều do sự tương tác của các nguyên nhân, không phải do ý muốn sắp đặt trước của một đấng siêu nhiên nào cả.

* Nếu có lời khuyên cho quý Tăng Ni, Phật tử, hoặc những người đang đi trên con đường nghiên cứu Phật giáo, Giáo sư sẽ gửi gắm điều gì?

- Tôi không có tư cách để khuyên các vị điều gì. Nếu được phép góp ý, tôi xin góp ý: Bất cứ ai học tập theo kinh sách Phật giáo Đại thừa thì nên học chữ Phạn. Vì chữ Phạn sẽ giúp chúng ta có đọc và hiểu chính xác hơn khá nhiều từ và khái niệm trong Phật học.

* Như Giáo sư đã chia sẻ, hiện Giáo sư đang dạy tiếng Phạn cho các chư Tăng Ni, Phật tử có nhu cầu muốn học. Đồng thời, ông cũng là người khởi xướng gây quỹ để tiếp tục giảng dạy tiếng Phạn?

- Tôi muốn tạo một cái “quỹ” để có thể in ra các tài liệu, sách học tập, tra cứu chữ Phạn cho giới Phật tử VN. Quỹ này bắt đầu từ tiền bán sách do tôi viết và cho in, và sự đóng góp chút chút hàng năm của gia đình tôi. Nếu vị nào có khả năng và có hảo tâm đóng góp thì xin hoan nghênh.  Tu viện Huệ Quang sẽ là nơi điều hành sử dụng quỹ này. Tôi thỉnh cầu HT.Thích Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN chủ trì điều hành quỹ. Hòa thượng sẽ chỉ định Ban Điều hành quỹ, tôi chỉ là một thành viên lo về chuyên môn tiếng Phạn của quỹ mà thôi. Tài liệu, sách được tu viện Huệ Quang cho in ra từ quỹ này sẽ dành tặng cho Tăng Ni thật sự cần để học và tra cứu chữ Phạn. Những cư sĩ, Phật tử, người nghiên cứu thật sự cần học hay tra cứu về chữ Phạn mà không có khả năng mua cũng sẽ được tặng. Nếu quỹ này lớn mạnh hơn, tôi mong quỹ sẽ trợ cấp hay cấp học bổng cho Tăng Ni đi du học chữ Phạn tại Ấn Độ.

* Xin cảm ơn Giáo sư vì những chia sẻ!

GS.Lê Tự Hỷ, sinh quán tại tỉnh Quảng Nam. Nguyên giảng dạy Toán tại Đại học Khoa học Huế, Đại học Sư phạm Huế trước 1975. Sau 1975, giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Huế, Đại học Sư phạm TP.HCM, một số đại học dân lập, Khoa Quản lý công nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM; Chương trình Quản lý Kinh tế Fulbright của Harvard tại VN. Đã nghỉ hưu, chỉ còn quan tâm tới các vấn đề về giáo dục và chữ Phạn.

GS Hy2.jpg
Một số tác phẩm liên quan tới chữ Phạn do GS.Lê Tự Hỷ biên soạn đã xuất bản

Tác phẩm liên quan tới Phạn ngữ đã xuất bản:  Thần chú trong Phật giáo (Viện Nghiên cứu Phật học VN chủ trương, Nxb Hồng Đức, 1994, tái bản 1995); Tự học tiếng Phạn, tập I, II (Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2012; tập I tái bản 2017); Tự học tiếng Phạn, tập III (Nxb Tổng Hợp TP.HCM, 2014). Sẽ xuất bản Tự học tiếng Phạn, tập IV.

GS.Lê Tự Hỷ hiện đang giảng dạy (miễn phí) chữ Phạn tại chùa Xá Lợi, tu viện Huệ Quang và Huệ Nghiêm (TP.HCM), Trung tâm VHPG Liễu Quán (Huế).

Giao Hảo thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày