“Vì cuộc sống có nhiều màu sắc...”

GN - Lý giải về tên gọi của nhóm thiện nguyện Sắc Màu, ThS.Nguyễn Thanh Huy (sinh năm 1992), giáo viên thuộc tổ Ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) đã nói với phóng viên như thế.

Thầy Huy còn chia sẻ: “Nếu không có những gam màu tối thì những gam màu sáng liệu có cơ hội khoe sắc, tỏa sáng?”, nên theo thầy giáo trẻ này, những người còn nghèo khó đã thôi thúc mỗi tình nguyện viên dấn thân, nên họ cũng là... ân nhân của chính mỗi người làm việc thiện.

sacmau1.jpg


Thầy giáo trẻ Nguyễn Thanh Huy và nhóm Sắc Màu đến với học sinh nghèo - Ảnh: NVCC

Từ một lần đến chùa

Điều đáng nói, nhóm thiện nguyện Sắc Màu ra đời khi Huy mới học lớp 11 (Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM). Thầy giáo Nguyễn Thanh Huy kể: “Lớp tôi thời đó thường có sinh hoạt ngoại khóa. Có lần, tôi đề nghị cả lớp, thay vì đi đến bảo tàng, các địa chỉ văn hóa, dã ngoại, mình sẽ đến một trung tâm từ thiện xã hội”. Cả lớp hoan hỷ đồng ý và góp tiền, điểm Huy chọn là chùa Long Hoa (Q.7), một địa chỉ từ thiện có nuôi dưỡng nhiều hoàn cảnh, trong đó có trẻ em.

Sau buổi đến chia sẻ những phần quà và vui chơi với các em nhỏ nơi đây, Huy không ngừng thao thức về những phận đời cần giúp đỡ, về những điều mình có thể đóng góp trong khả năng. Thế là Sắc Màu được hình thành trong ý niệm, mỗi người có thể chọn cho mình một màu sắc, riêng Huy sẽ chọn màu sáng bằng việc dấn thân cho việc chia sẻ mà mình có thể làm.

Ngay từ khi ngồi ghế nhà trường phổ thông, những chuyến đi từ thiện bằng cách vận động các bạn chung lớp hùn tiền lại mua quà, đến một cơ sở từ thiện nào đó trong thành phố để động viên, tặng quà đã được Huy cùng các thành viên duy trì. Dần dà, phụ huynh của các bạn cũng biết đến và đứng phía sau hỗ trợ, trong đó có những người thân của Huy.

Tuy nhiên, theo Huy, thời mà Sắc Màu làm có nhiều hoạt động nhất chính là lúc Huy vào Đại học Sài Gòn, theo học ngành Sư phạm Văn. Khi đó, chủ động được thời gian nên tích cực làm nhiều chương trình, Huy kể. Đến nay, sau 7 năm thành lập (từ 21-3-2009), nhóm từ thiện Sắc Màu do thầy Huy làm chủ nhiệm đã có trên 15 chuyến từ thiện lớn (đi xa, với kinh phí từ 50 triệu đồng/lần tổ chức) và khoảng 12 “ngày yêu thương” với những hoạt động chia sẻ nhỏ hơn (đi trong ngày, kinh phí khoảng 15 triệu đồng/lần).

Mỗi lần tổ chức như vậy, việc huy động kinh phí không chỉ có kêu gọi mạnh thường quân, tình nguyện viên đóng góp mà Nguyễn Thanh Huy cùng nhóm còn lên kế hoạch tổ chức các đêm nhạc gây quỹ, bán đấu giá các sản phẩm quà tặng hoặc bán hàng lưu niệm. Nhờ sự đồng lòng của các thành viên nòng cốt, trong đó có vai trò tổ chức tốt, sự năng động của thầy Huy nên mỗi chương trình đều thành tựu viên mãn, được lan tỏa với mỗi chuyến đi có đến mấy chục tình nguyện viên đồng hành.

Gieo hạt lành cho trò nghèo

Thầy Huy bộc bạch: “Có lẽ vì tôi làm nghề giáo nên nghĩ nhiều đến học trò, nhất là học trò nghèo ở vùng xa”. Rồi như vẫn còn đau đáu trong lòng khi nhắc về vùng quê nghèo là huyện Hòn Đất (tỉnh An Giang), nơi mà nhóm Sắc Màu đã nhiều lần đến trao quà cùng học bổng cho học sinh (luân phiên các xã mỗi năm, vào dịp hè), Nguyễn Thanh Huy bày tỏ: “Mấy đứa nhỏ ở quê dễ thương lắm, mấy thầy cô và chính quyền cũng vui vẻ đón đoàn như người nhà...”.

Bên cạnh việc trao quà, cứ mỗi lần làm chương trình còn có phần cho học sinh viết thư chia sẻ, ngoài những lời cảm ơn các anh chị tình nguyện viên, các bạn nhỏ còn hứa học giỏi để làm việc này, việc kia. Nhưng “mát lòng mát dạ” nhất, theo thầy giáo trẻ này chính là các em đã cảm nhận được việc thiện nguyện là một việc lành và mong muốn tiếp nối.

“Đọc nhiều lá thư học trò viết bằng nét chữ non nớt với nội dung sau này tụi em sẽ làm những việc như mấy anh chị đã làm, tôi rất cảm động, rất vui”, Nguyễn Thanh Huy bày tỏ. Đây thực ra cũng là một trong những mục đích Sắc Màu ra đời, duy trì hoạt động trong suốt những năm qua, là muốn mọi người, nhất là những người kém may mắn hơn, có niềm tin vào cuộc sống: vẫn có những gam màu sáng để họ hướng về, để họ không cảm thấy cô đơn trong cuộc mưu sinh hay chiến đấu với đói nghèo, bệnh tật.

Huy bộc bạch với người viết rằng, việc mình làm có ảnh hưởng từ bà, một Phật tử thuần thành vẫn thường làm việc thiện, thường đi chùa. Riêng Huy đã quy y từ nhỏ với pháp danh Trí Tâm và đã từng cộng tác tin bài cho vài trang web Phật giáo nên ảnh hưởng tinh thần Từ bi của quý thầy, sư cô, Phật tử thiện nguyện. Việc Huy làm như cánh tay nối dài những sẻ chia mà những người đang thực hiện hạnh giúp cho cuộc đời bớt khổ đã, đang làm nên theo thầy giáo - Phật tử trẻ này: “Những việc làm của Sắc Màu thực sự không đáng kể”.

sacmau2.jpg


Chia sẻ để cuộc sống tươi đẹp hơn - Ảnh: NVCC

Những ngày cuối năm này, thầy Huy đang bận với công việc truyền kiến thức trên bục giảng nhưng không quên nghĩ đến người nghèo thiếu Tết. “Sẽ dành thời gian đi mua ít quà chia sẻ với những người chưa ấm Tết mà mình có duyên gặp”, Huy nói.

ThS.Huy bảo: “Mong muốn làm một người thầy truyền được niềm tin cho học trò”, để làm được vậy, theo thầy, mình phải sống tốt trước đã. Trong việc học, hiện tại, Huy đang chuẩn bị làm nghiên cứu sinh, còn trong việc dạy - thầy Huy được học trò yêu thương vì những sự tận tâm và sáng tạo từ mỗi tiết học. Điều đó được thể hiện bằng khoảng cách thầy trò được Huy rút ngắn lại, các em vẫn gọi thầy xưng con nhưng luôn sẵn lòng sẻ chia những khúc mắc trong lòng để thầy trò có thể hiểu nhau hơn, từ đó thầy giúp trò tháo gỡ để sống tốt hơn...

Chúc Thiệu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày