Vì sao Phật tử quyết nói không với bia rượu?

GN - 77% đàn ông VN uống rượu bia, đứng đầu thế giới, trong khi đó, tỷ lệ nam giới có sử dụng rượu bia ở châu Phi là 44%, châu Âu trên 73% còn tính chung toàn thế giới thì tỷ lệ này xấp xỉ 48%.

Con số trên là kết quả điều tra diện rộng về thực trạng sử dụng rượu bia ở nước ta do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới đồng thực hiện - được công bố sáng 26-9 vừa qua khiến ai nghe cũng giật mình. Qua đó còn cho thấy lượng người sử dụng rượu bia, lượng rượu bia được dùng, bệnh tật và tai nạn liên quan đến rượu bia… đều gia tăng chóng mặt tại VN.

Với người Phật tử thì không uống rượu bia là nguyên tắc đạo đức thứ 5 trong năm nguyên tắc cơ bản của người học Phật. Trở lại với câu chuyện bia rượu, Giác Ngộ mời bạn đọc lắng nghe chia sẻ của chư tôn đức và Phật tử về vấn đề không mới nhưng đang nóng diễn đàn này...

  • TT.THÍCH GIÁC TRÍ, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Tăng Ni GHPGVN TP.HCM: Người giữ được giới là mảnh đất lành
1g.jpg

Năm giới của người Phật tử được Đức Thế Tôn chế định là muốn cho mọi người có được sự sáng suốt, minh mẫn, thông tuệ với cuộc sống nói chung và nhất là đối với bản thân không bị mê mờ trong bất cứ việc gì.

Có thể thấy tác hại của rượu bia là rất rõ: khi uống nhiều rượu sẽ đưa tới mê mờ, tăm tối, nghĩ-nói-hành động sai lầm do say. Khi say con người sẽ không biết được bổn phận của mình, không biết được vị trí của mình, không biết được khả năng của mình và không làm chủ mọi việc.

Đối với người có trí nói chung, khi làm việc gì, sử dụng phương tiện nào là phải biết kết quả của nó. Còn người học Phật thì khi làm công việc nào đó ngoài kết quả thì điều quan trọng nữa là phải lợi mình lợi người - được đặt trên nền tảng an lạc và hạnh phúc cho cá nhân và số đông.

Cho dù là quan hệ ngoại giao về buôn bán, về giao tế, về tình cảm thì tất cả đều phải có an lạc, nếu không có quy tắc như vậy thì coi như đang mê mờ.

Nếu người Phật tử giữ được giới thứ 5 thì bản thân người đó là mảnh đất lành, là cây tốt, là người hiền - làm lợi cho mọi người. Người tỉnh táo, biết tu tập thì tâm họ luôn sáng suốt, minh mẫn và có đủ tính chất Từ-Bi-Hỷ-Xả, hay nói cụ thể hơn - người đó luôn luôn biết mình là ai, làm gì trong thời điểm nào, với ai, biết rõ mình trong từng khoảnh khắc. Khi giữ được giới không uống rượu bia thì tự nhiên sẽ giữ được những giới còn lại.

  • SC.THÍCH NỮ HƯƠNG NHŨ, Tiến sĩ Phật học, giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM:  Phạm giới thứ 5 sẽ dẫn đến phạm các giới khác
2g.jpg

Trong Năm giới của người Phật tử tại gia thì giới thứ năm Đức Phật dạy không được uống rượu. Nói là rượu nhưng cần hiểu và tự giác nói không với các chất gây say, nghiện nói chung.

Rượu bia là những loại thức uống gây nghiện “trá hình”, vì trong rượu bia đều có chứa chất cồn, tác động trực tiếp đến tâm thần của người sử dụng. Nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống gia tăng liều dùng, lâu ngày sẽ bị suy giảm trí tuệ cảm xúc khiến không thể làm chủ được ý nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành động, phát sinh các thói hư tật xấu.

Về y học, rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 chứng bệnh nan y.

Về mặt xã hội, đời sống ngày nay thiên về xu hướng ham muốn hưởng thụ thú vui vật dục hơn là an lạc tinh thần. Một trong những điều tạo nên tội ác trong cõi dục này chính là rượu bia. Loại thức uống này tràn ngập khắp nơi, gây không ít hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội. Thiết nghĩ đây cũng là thử thách cho người Phật tử trong việc thọ trì trọn vẹn năm giới cấm. Đôi khi, vì một hoàn cảnh nào đó mà phải uống một chút bia, rượu. Dẫu không say nhưng người Phật tử cần tự biết rõ mình đang bị khuyết giới, sinh tâm hổ thẹn rồi chí thành sám hối.

Các giới doanh nhân, người làm việc giao tế cần biết làm chủ chính mình, việc ăn uống trong giao tế cần thanh lịch nhẹ nhàng để không bị rượu bia chi phối đưa đến mất nhân cách hoặc trở thành kẻ bị lệ thuộc vào rượu và bia.

Sư cô nhớ thời gian học ở Ấn Độ, các nhà hàng chỉ có nước uống, nước trái cây và các loại nước ngọt, không hề phổ biến rộng việc bán rượu bia. Các cửa hàng rượu bia chỉ được phép mở cửa một hoặc hai ngày trong một tuần lễ. Trường Đại học Delhi sinh viên rất đông nhưng không có tình trạng rủ nhau cà kê bia rượu vì dẫu có muốn uống rượu bia thì các nhà hàng cũng không cung ứng được. Nhờ đó, Ấn Độ cũng giảm rất nhiều những hệ lụy xã hội do bia rượu.

Trong khi đó thì các cơ quan chức năng của nhà nước Việt Nam chưa đưa ra một quy định thật nghiêm khắc về việc sản xuất và nhập khẩu rượu bia. Mọi người dân có thể nấu rượu, làm bia vô tội vạ mà không cần giấy phép hoặc đăng ký nghiêm túc! Chưa nói đến các loại rượu giả làm bằng cồn công nghiệp, men nấu rượu có chất độc hại chỉ vì mục đích lợi mình mà hại người. Thật đáng lo ngại cho người dân của chúng ta, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam.

Trên phương diện đạo đức và xã hội, người Phật tử không giữ giới thứ 5, lâu ngày sẽ chìm đắm vào đời sống vô minh và u tối. Lời nói, ý nghĩ, việc làm đều do “ma men” dẫn đường nên đánh mất yếu tố chánh niệm. Nghiêm trọng hơn, phạm giới thứ 5 rồi sẽ dẫn đến khả năng phạm thêm các giới cấm khác như sát sinh,  hại vật, gian tham, trộm cắp, dối trá và tà dâm... nên không còn đủ tư cách là một người Phật tử. Đời sống gia đình không an vui hạnh phúc, đối với xã hội thì không còn uy tín vì say sưa với bia rượu nên bệnh tật hoành hành, buông lung, phóng dật dẫn đến phạm pháp và phải chịu nhiều tai ương trong kiếp sống hiện tại và dẫn đến luân hồi trong các cảnh giới khổ đau.

N.Danh ghi

Gia đình tan nát vì rượu bia

Tôi có một người hàng xóm, vì nghiện rượu, suốt ngày say xỉn nên có một lần ông đã làm bậy với người cháu ruột gần nhà. Chuyện vỡ lở, ông phải đi tù vì tội hiếp dâm, còn con cái ông thì quá đau xót với việc ông làm nên đã đưa mẹ đi khỏi quê hương mà mình gắn bó.

Còn gia đình một người bạn tôi thì có người anh thường nhậu nhẹt. Anh này có công ăn việc làm và luôn lấy cớ tiếp khách để nhậu bí tỉ. Trong một lần nhậu say, trên đường về đã tông xe vào cột điện và chết tại chỗ. Bạn tôi kể, vợ con anh đã rất đau khổ sau cái chết của anh vì gia đình mất đi trụ cột, nhất là khi vợ anh còn trẻ, con thì còn nhỏ dại.

Tôi luôn mong rằng, không ai phải vì rượu chè mà đánh mất lương tri, không làm chủ được bản thân để tù tội hoặc chết oan uổng trên đường, gây tai nạn cho người khác. Hy vọng, việc nói không với bia rượu sẽ được tuyên truyền rộng rãi, đưa vào trong nhà trường, giáo dục học trò bằng những bài học sống có chuẩn mực, nề nếp!

Nhuận Hòa (Quảng Nam)

Đừng quảng cáo bia rượu

Nghề buôn bán rượu bia là một nghề hái ra tiền vì như điều tra vừa được công bố, đây là món hàng mà 77% nam giới nước ta sử dụng. Đã vậy, trên tivi, báo đài cứ quảng cáo hoài rượu bia, với nội dung uống rượu bia là đẳng cấp, là điều khiến người khác ngưỡng mộ, ngước nhìn này nọ.

Tôi không thấy tự hào vì việc nước ta dẫn đầu về tiêu thụ bia rượu bởi đây là nguyên nhân của một xã hội èo uột, thiếu minh mẫn cũng như sa sút sức khỏe. Cứ đà này, rồi đây, gánh nặng bệnh tật sẽ tiếp tục là vấn nạn xã hội, bên cạnh những hệ lụy trực tiếp, tức thời mà bia rượu gây ra.

Nguyễn Phi Hùng (Hà Nội)

Tôi không chọn người đàn ông say xỉn

Tôi chứng kiến nhiều gia đình xào xáo vì có người đàn ông thích rượu chè. Do vậy, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận lấy người đàn ông say xỉn làm chồng. Khi người chồng rượu chè, dù vì công việc thì tương lai anh ấy sẽ bệnh tật, làm khổ vợ con. Đó là chưa nói, đi rượu chè bù khú bên ngoài rất dễ dẫn tới ngoại tình, có khi mang bệnh xã hội về nữa. Và chắc chắn, một người cha rượu chè be bét thì lời nói không có trọng lượng, khó dạy con cái trở thành người lương thiện được.

Thùy Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM)


Rượu bia nguy hại cho sức khỏe

Thông thường, thuốc và bia rượu kết hợp với nhau có thể gây nguy hiểm vì một số thuốc chứa các thành phần có tương tác với cồn làm giảm tác dụng của thuốc.

Do đó, uống bia rượu khi đang điều trị bằng thuốc có thể gây tác động tiêu cực lên các triệu chứng và bệnh lý đó. Ví dụ, nếu uống bia rượu sẽ làm giảm mức đường huyết dẫn đến kiểm soát tiểu đường kém.

Theo dược sĩ Danya Qato, Đại học Brown (Providence) thì sự nguy hiểm do dùng rượu bia khi đang dùng thuốc là có thật và có thể gây tử vong vì “cồn trong bia rượu có thể có tác động khôn lường đối với tính hiệu quả của điều trị bằng thuốc”.

Trần Trọng Hiếu (theo Live Science)

* Bạn đọc có ý kiến gì về vấn nạn này? Xin mời tiếp tục gửi ý kiến chia sẻ với Giác Ngộ, bài vở gửi về: bandocgiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày