Bà là sư cô Thích Nữ Nguyên Thanh, Trụ trì chùa Tiên Phước 2, tọa lạc tại số 17/66/26 tổ 126, KP9, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM. Ngôi chùa đặc biệt Nằm khuất sau những con phố ngoằn ngoèo với dòng xe cộ qua lại đông đúc, chùa Tiên Phước 2 có vẻ ngoài trầm mặc, tĩnh lặng như phần đông các ngôi chùa mà chúng tôi đã có dịp ghé thăm. Tuy nhiên, bất cứ ai từng một lần đặt chân đến chùa hẳn không khỏi ngỡ ngàng, xúc động. Ở đây, tiếng khóc the thé của trẻ sơ sinh, tiếng cười nói vô tư với ánh nhìn trong veo của những em mới 2,3 tuổi tạo thành thứ thanh âm đặc biệt như ở một nhà trẻ mà bảo mẫu là vị sư cô đã ngoài 40 tuổi. Sư cô Thích Nữ Nguyên Thanh và những em bé mồ côi Được thành lập từ năm 1997, chùa Tiên Phước 2 không chỉ là nơi tu học của người xuất gia mà còn là nơi náu mình của những em bé bị chính bậc sinh thành bỏ rơi. Thời gian sau, sư cô Nguyên Thanh còn vận động mở ra các lớp học tình thương Hoa Sen dành cho trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường tại địa phương với hơn 160 em tham gia. Đến năm 2007, chùa xuống cấp trầm trọng. Vào mùa mưa, sư cô Nguyên Thanh và các bé phải chống chọi với tình trạng dột nước khắp nơi trong chùa và mắc các bệnh ngoài da do điều kiện sống không đảm bảo. Không có kinh phí trùng tu, sư cô Nguyên Thanh phải gởi thư ngỏ kêu gọi lòng từ tâm của phật tử, Mạnh Thường Quân trong và ngoài nước giúp đỡ.
Giờ cơm trưa, lũ trẻ vây quanh sư cô trong một căn phòng nhỏ hẹp. Nhìn sư cẫn mẫn dỗ dành, đút cơm cho từng cháu, chúng tôi cảm nhận được tình thương của bà dành cho những đứa trẻ bất hạnh này. Khi các bé đã ngon giấc cũng là lúc hai tay sư mỏi nhừ, chân tê cứng vì ngồi lâu. Bà vội vã ăn phần cơm đạm bạc của mình rồi lại tất bật cho những công việc của buổi chiều. Sư cho biết, thời gian gần đây, cứ cách 1-2 tháng lại có một bé sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng chùa vào lúc nửa đêm. Để có được chén cơm, bình sữa cho các bé, bàn chân của sư đã hành khất qua nhiều địa phương. Dù còn khó khăn nhưng điều đặc biệt là trong chùa luôn rộn lên tiếng cười vô tư của trẻ nhỏ. Thương sư vất vả, sau giờ học, các bé lớn tuổi hơn còn biết phụ sư việc vặt trong chùa và chăm sóc các bé sơ sinh. Đối diện với chúng tôi là một người phụ nữ có gương mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng, êm dịu. Quanh bà, hàng chục đứa trẻ mới bi bô tập nói, tập đi thay nhau sà vào lòng bà như muốn tìm hơi ấm của người mẹ. Thi thoảng vài giọt nước mắt hiếm hoi rơi trên gò má của bà, một người xuất gia và là mẹ của những đứa trẻ vô thừa nhận. Chính những giông gió đã đi qua trong đời mình đã giúp bà có được sự đồng cảm sâu sắc với nỗi bất hạnh của trẻ mồ côi và dành trọn tình thương yêu của mình cho chúng.
Thích Nữ Nguyên Thanh tên thật là Nguyễn Thị Vân, SN 1968. Bà không còn nhớ rõ quê quán của mình bởi đã bị ba mẹ ruột bỏ rơi từ nhỏ và sống những năm tháng tuổi thơ lưu lạc ở xứ người. Bà lớn lên trong vòng tay của bà nội, một người mẹ bị các con chối bỏ, già yếu và sống cuộc đời đầy bi kịch. Thích Nữ chia sẻ: “Bà nội dẫn tôi lưu lạc khắp nơi và làm đủ nghề để kiếm sống. Hai bà cháu không có nổi một túp lều để ở nên tôi quen với những đêm ngủ đường, ngủ chợ trong tình trạng vừa đói vừa lạnh. Nội bị ung thư nhưng giấu tôi mãi đến ngày bà đi”. Bà nội mất, 14 tuổi, sư Nguyên Thanh bắt đầu đi ở đợ, chăm trẻ, làm việc đồng áng cho nhiều gia đình ở khu vực miền Trung. 16 tuổi, bà lưu lạc đến Phan Thiết, Bình Thuận và được một người phụ nữ tốt bụng đưa vào chùa Tiên Phước (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) gặp thầy trụ trì là Thượng tọa Thích Trùng Khiết nhờ giúp đỡ. Tại đây, bà chính thức xuất gia. Sau đó không lâu, thầy trụ trì gởi bà lên Đà Lạt tĩnh tâm và học giáo lý Phật giáo. Những ảnh hưởng của thành phố hoa Đà Lạt còn in dấu trong cuộc đời bà thông qua việc bà đặt tên cho các bé gái sơ sinh đều là tên các loài hoa như: Hoa Quỳnh, Hoa Sen, Hoa Huệ... |
||