GN - Có một người thầy đã 5 năm qua lặn lội khắp các làng quê sông nước huyện Kế Sách, Sóc Trăng để thiết kế, xây dựng cầu bê-tông miễn phí cho nông dân đi lại thuận tiện, tránh những tai nạn đáng tiếc. Đó là TT.Thích Minh Hạnh, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Thiên Thới (xã Thới An Hội, huyện Kế Sách)…
Cầu An Lạc
An Lạc là tên chiếc cầu đầu tiên (2008) tọa lạc gần chùa Thiên Thới do TT.Thích Minh Hạnh thiết kế và xây dựng; cái tên rất đẹp, như những điều thuận lợi, bình an, tốt lành nhất được gởi gắm cho dân nghèo xã Thới An Hội. Đó cũng là năm TT.Thích Minh Hạnh vừa thiết kế, vừa vận động tài vật và vừa chỉ đạo thợ thi công chùa Thiên Thới. Công việc vất vả này buộc thầy phải chú tâm nhiều, khi công trình chùa Thiên Thới hoàn thành thì nhóm thợ xây công quả ở chùa cũng trở thành nhóm chuyên thi công cầu và thầy trở thành “kỹ sư”thiết kế. Và, tên chương trình xây cầu cho nông dân “Nhịp cầu yêu thương chùa Thiên Thới” được bà con biết đến.
TT.Thích Minh Hạnh khảo sát để xây dựng cầu mới - Ảnh: Thích Định Hương
TT.Thích Minh Hạnh cho biết, khi đường Nam sông Hậu được nối kết qua các địa phương Sóc Trăng thì đời sống của người dân ở đó cũng phát triển, đem lại rất nhiều thuận lợi trong buôn bán, giao thông, học hành… ai ai cũng phấn khởi. Điều đó củng cố thêm niềm tin rằng, những cây cầu bê-tông thay thế những chiếc cầu khỉ lắt lẻo sẽ làm thay đổi hoàn cảnh sống của dân nghèo các địa phương theo hướng tích cực.
Là người kết nối với những nhà tài trợ vừa là người trực tiếp thi công nên TT.Thích Minh Hạnh hiểu một chiếc cầu hình thành là lương tâm trách nhiệm, là sự vun vén yêu thương, niềm vui của nhiều người. Và, “Nhịp cầu yêu thương chùa Thiên Thới” đã có mặt ở khắp miền quê sông rạch của huyện Kế Sách, Sóc Trăng. Từ những công trình trên, người dân ở những nơi này đã gần gũi, tin tưởng, xem thầy Minh Hạnh như người thân. Những chiếc cầu ngày càng có quy mô lớn, kiên cố hơn, phục vụ an toàn cho người đi xe máy, ô tô, xe công nông qua lại (tùy vào mỗi chiếc cầu mà có kích thước khác nhau, thường thì chiều ngang từ 1,7m đến hơn 2,5m; chiều dài có khi hơn 40m).Tiền xây cầu có từ nhiều nguồn được thầy Minh Hạnh vận động, nhưngtiền phúng điếu, tiền mừng thọ của mẹ… lại càng đặc biệt có ý nghĩa. Do đó, để ghi nhớ công ơn của các nhà tài trợ, nhiều tên chùa, pháp danh, tên công ty, tên cá nhân… được đặt mới cho cầu.
5 năm với 90 chiếc cầu
Từ năm 2008 đến nay, TT.Thích Minh Hạnh đã thiết kế và xây dựng được 80 cây cầu có kết cấu bê-tông kiên cố cho khắp các vùng quê sông rạch huyện Kế Sách (gồm 12 xã và 1 thị trấn) và khoảng 10 chiếc cầu được thầy xây dựng cho nông dân các tỉnh lân cận như: Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau… Những chiếc cầu này được xây dựng trên tinh thần “bằng lòng”, bởi lẽ mỗi chiếc cầu được hoàn thành là niềm vui chung, xuất phát từ sự yêu thương và sự bằng lòng giữa nhà tài trợ, nhóm thi công, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp công, góp sức.
...và chiếc cầu mới được thầy thiết kế, do nhóm thợ công quả thi công - Ảnh: Thích Định Hương
Điểm khác biệt ở “Nhịp cầu yêu thương chùa Thiên Thới” là trị giá toàn bộ của chiếc cầu = 50 % tiền mua vật liệu + 50 % công sức của nhóm thi công chùa Thiên Thới và nhân dân đóng góp ngày công. Do đó, trị giá chiếc cầu giảm đi một nửa, tiết kiệm kinh phí cho nhà tài trợ (chỉ bỏ ra kinh phí 50% giá trị cầu).
TT.Thích Minh Hạnh cho biết:“Điều đó càng làm tăng thêm ý nghĩa xã hội hóa của mỗi công trình, ở đó là sự chia sẻ trách nhiệm, yêu thương, gắn kết giữa các bên với nhau, làm sao để người dân được thụ hưởng một chiếc cầu chắc chắn, bền vững, phục vụ cho nhu cầu thiết thực ở địa phương. Mỗi chiếc cầu là tâm nguyện của nhiều người, tôi tâm nguyện tiếp tục theo đuổi chương trình này, tiếp tục kết nối với những nhà tài trợ để những chiếc cầu ở nông thôn Sóc Trăng được xây dựng là thực hiện được ước mơ thay đổi hoàn cảnh sống cho người dân còn khó nghèo”.