Vị thầy khuyến học

Vị thầy khuyến học
Giác Ngộ - Đến nay, sau hơn 10 năm làm công tác khuyến học, khuyến tài như: trao học bổng, yểm trợ học phí, nhận hàng chục em học sinh về chùa nuôi, cho ăn học tử tế… thì kết quả đạt được làm vị thầy trẻ ấy vui nhất là "các em đều ngoan, nhiều em thành đạt!".

Không được học nhiều từ trường lớp nhưng thầy hiểu rõ một điều rằng: chỉ có học hành mới làm con người mở mang kiến thức, có hiểu biết và cũng là điều kiện để sống tốt. Tâm niệm như thế nên dù có khó mấy thầy cũng quyết theo đuổi công tác này…

Chung tay cho sự nghiệp giáo dục

Vừa đến vùng biên, giáp ranh giữa tỉnh Đồng Tháp và An Giang, chúng tôi hỏi đường đến chùa Vĩnh Quang xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang thì ai cũng biết đấy là chùa của "ông thầy khuyến học", tên người dân thường gọi ĐĐ. Thích Thiện Đức, trụ trì chùa.

Ngỡ "ông thầy" mà người dân nói là một Thượng tọa đã lớn tuổi, ai dè đó lại là một vị thầy trẻ 37 tuổi, có tâm thế từ tốn, khiêm cung. Tiếp chuyện với chúng tôi, ĐĐ.Thích Thiện Đức cứ bảo: "Thầy chưa làm gì nhiều cả, đừng viết về thầy…". Thế nhưng, qua những câu hỏi gợi mở của phóng viên thì những việc "không có chi" ấy của thầy là việc tiếp sức cho hàng trăm em được đến trường, hỗ trợ học bổng cho hàng ngàn em trong suốt nhiều năm với số tiền trên 2 tỉ đồng…

Khi còn đang tham gia công việc ở BTS PG tỉnh, bận nhiều, đến khi về làm ở BĐD PG huyện, cũng bận, nhưng thầy vẫn cứ đau đáu về chuyện học hành của con em nghèo vùng sông nước: "Mấy đứa nhỏ nhà nghèo, nghỉ học sớm nên ra đời rất khổ. Nhiều đứa vì miếng cơm manh áo mà không giữ được thiên lương đã hành xử phạm pháp". Chính vì vậy, thầy đã phát tâm phải làm gì đó để giúp học trò nghèo, trước hết là ở địa phương để các em tự tin hơn, đến trường bớt gian nan. Bắt đầu hỏi những Phật tử ở chùa: "Tôi có thể giúp gì cho mấy đứa nhỏ?", và những gợi ý được đưa ra, người bảo đóng học phí giúp, người bảo kêu về chùa ở để thầy lo cho đi học…

Tiếp cận học trò nghèo bằng phương thức giúp học phí, rồi nâng lên một bước nữa là đưa về chùa - đối với những em quá nghèo, mồ côi, có khao khát học tập… Đấy chính là con đường dấn thân của thầy trong suốt nhiều năm qua, thầy đã cùng nhiều Phật tử đi vận động và gửi chia sẻ ngay đến học trò nghèo. Từng suất học bổng hoặc mỗi lần khen thưởng tập sách đều là một lần thầy phải ra sức đi quyên góp, xin yểm trợ từ nhiều nguồn. Mệt thì có mệt đấy nhưng nhìn những nụ cười rạng rỡ của các em trong ngày nhận học bổng thầy lại quên hết.

Không chỉ thế, hễ trường nào cần xây dựng lại alô cho thầy: Trường tụi con còn thiếu xi măng, cát, gạch… thầy đều chung tay đóng góp. "Xây trường hay thư viện để học trò có cơ sở vật chất học tốt lên là thầy ưng bụng. Tùy lúc chùa có nhiều hay ít mà đóng góp, nhưng chưa từ chối bất kỳ sự kêu gọi nào dành cho giáo dục", thầy tâm đắc.

Hành trình không ngơi nghỉ…

Năm học 2009-2010 thầy đã treo thưởng cho học sinh Trường THPT Châu Phong và Trường THPT Nguyễn Quang Diệu (Tân Châu): "Sẽ tặng ngay cho em nào đậu đại học năm đầu mỗi em một triệu đồng, 500.000 đồng cho mỗi em đậu cao đẳng". Cả trường nhận được tin ấy đã phấn khởi, nhiều em mừng vì có động lực để phấn đấu. Thầy Thiện Đức chia sẻ: "Phát động chương trình ấy là thầy muốn các em học sinh nghèo, học giỏi yên tâm thi tốt nghiệp và tuyển sinh cho tốt vì nghĩ đã có "nguồn" học phí cho việc đi học xa".

Bên cạnh đó, đến chùa thầy chúng tôi dễ dàng nhận ra ở đây giống như một ngôi nhà cho gần 30 chục em, từ tiểu học đến THPT, thậm chí có em đang theo học đại học ở TP.HCM. Buổi trưa các em tề tựu về đông đủ để ăn cơm, chuẩn bị đi học, thầy nhắc từng em một về chuyện học hành. Dãy nhà kế bên trai đường thầy dành riêng cho mấy chục em có hoàn cảnh khó khăn ở để học hành. "Nhiều lớp như thế rồi, có chừng chục em đã đỗ đạt, ra trường, đứa nào cũng quay lại chùa hỗ trợ thầy nuôi các em. Đó cũng là tấm gương để cho mấy đứa tiếp tục phấn đấu", ĐĐ.Thích Thiện Đức cho biết. Trong số những học trò từng lớn lên từ mái ấm Vĩnh Quang, thành đạt thầy nhớ có Thiếu úy công an thị xã Tân Châu Nguyễn Hùng Sơn; Trần Phi Hùng đang học ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (Huflit); Tống Thanh Sang, SV năm 3, ĐH Công nghệ thực phẩm Cần Thơ… Những bạn trẻ này đều nói về thầy một cách đầy kính trọng rằng: "Thầy Đức đã là cha mẹ thứ hai của chúng tôi, là người mở lối để chúng tôi vào đời vững vàng hơn". Còn các em đang theo học ở các bậc học dưới thì em nào cũng kính quý thầy "vì thầy vừa thương, vừa nghiêm. Sự quan tâm của thầy buộc tụi em phải học để không phụ lòng thầy", các em chia sẻ.

Chương trình "Thắp sáng ước mơ" dành cho thiếu nhi của thầy được tổ chức thường xuyên vào dịp tháng 7 âm lịch hàng năm cũng là một hoạt động nhằm khuyến học, khuyến tài, tạo niềm vui học hành cho học trò, Phật tử trẻ thông qua những phần quà, tập vở, học bổng. Còn nhiều, nhiều lắm những "chân" mà thầy tham gia vào công tác giáo dục, một lúc không nhớ hết và quan trọng là vì "tôi chỉ biết làm chứ không tính việc mình làm". Bằng khen và bằng tuyên dương từ huyện, tỉnh đến trung ương có nhiều nhưng thầy… cất hết. "Trưng ra làm gì, tôi thích làm âm thầm hơn". Trong nụ cười thật hiền của thầy chúng tôi nhận ra những chia sẻ tâm huyết của thầy về công tác khuyến học là xuất phát từ cái tâm của một người có hạnh nguyện "trồng người". Cạn chén trà muộn của một ngày nắng nóng, chúng tôi chào thầy sau khi tham quan phòng học của các chú tiểu và các bạn học trò nương nhờ nơi cửa Phật, bỗng có một niềm tin rất chân thật về tương lai không xa những bạn trẻ ấy cũng sẽ thành đạt dưới bàn tay dìu dắt của thầy…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày