Là một trong số ít những tu sĩ trẻ “góp mặt” trong lĩnh vực hội họa, Đại đức Thích Trung Sơn, còn được biết tới với tên gọi là họa sĩ Lê Sơn, nhiều năm qua vẫn cần mẫn sáng tác và đưa các tác phẩm mang cảm hứng Phật giáo của mình đến gần hơn với công chúng. Nói về nhân duyên đến với hội họa, thầy chia sẻ:
- Tôi phát sinh niềm yêu thích hội họa tương đối sớm. Lúc chỉ mới khoảng 3 tuổi, tôi đã tự cầm phấn vẽ hình Đức Phật Thích Ca dưới nền xi-măng. Những năm tháng sau đó, tuy không trải qua các lớp học bài bản nhưng tôi vẫn vẽ đều đặn bằng bút chì, bút bi và màu nước trên giấy. Mặc dù những “tác phẩm” thời gian đó mang đường nét đơn giản, ảnh hưởng từ lối vẽ truyện tranh và chỉ nhằm thỏa mãn sở thích rồi về sau lại có khoảng thời gian gián đoạn do công việc và học tập, nhưng hội họa chưa bao giờ tách rời khỏi tôi. Mãi cho đến năm 2018, tôi mới thực sự chuyên sâu hơn vào hội họa thông qua việc tiếp xúc với các chất liệu như than chì, lụa… và đặc biệt là sơn dầu.
Đại đức Thích Trung Sơn, tức họa sĩ Lê Sơn bên tác phẩm của mình |
* Từ lúc nào thì thầy bắt đầu vẽ tranh với chủ đề và cảm hứng Phật giáo?
- Tôi bắt đầu quan tâm đến hội họa Phật giáo từ sau khi xuất gia tu học ở đạo tràng Định Thành tại TP.HCM. Thầy của tôi là Hòa thượng thượng Lệ hạ Trang, cũng là trụ trì của ngôi già-lam này. Quá trình tu học tại chùa đã giúp tôi chuyển hóa nhiều điều, đặc biệt là chủ đề trong tranh vẽ. Tôi dần nghiêng hẳn về mảng đề tài Phật giáo và đi sâu vào các sáng tác về những chủ đề mang phong cách thiền gia kể từ năm 2019 cho đến nay.
* Từ góc độ của một người đã có khoảng thời gian thâm nhập vào hội họa với chủ đề Phật giáo, theo thầy, việc sáng tác các tác phẩm hội họa Phật giáo của chúng ta hiện nay như thế nào?
- Nếu chỉ nói riêng ở phạm vi TP.HCM, hội họa Phật giáo không có sự phát triển nổi bật. Hội họa Phật giáo mà tôi muốn nói ở đây, trước tiên là về chất liệu, đó là những tác phẩm được vẽ thủ công trên vải hoặc trên giấy, không phải những sản phẩm được tạo ra bởi công nghệ; thứ nữa là về thể loại, đây là dòng tranh mang tính thờ phụng, khắc họa vẻ tôn nghiêm của chư Phật, Bồ-tát, Thánh chúng, như ở Tây Tạng có dòng tranh Thangka, ở Trung Quốc thì có tranh phong cách Đôn Hoàng v.v…, chứ không phải thể loại tranh dùng để decor, trang trí. Vì vậy, khi xét về thể loại như tôi đã đề cập như trên, có một thực trạng hiện nay tại các tự viện tại TP.HCM là phần lớn các chùa đều sử dụng hình ảnh được in ấn nhiều hơn hẳn so với tranh vẽ thủ công.
Tại các tự viện của Phật giáo tại các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… tranh vẽ cũng xuất hiện khá nhiều trong các điện thờ, có một vai trò quan trọng trong việc thu hút tín đồ và khách du lịch. Trong đó, một số ngôi cổ tự còn lưu giữ những bức tranh cổ có giá trị nghệ thuật rất cao.
Hiện tại, quan sát riêng ở TP.HCM, khi vào các chùa, nếu có trang trí thì phần lớn là thấy sử dụng tranh in, vậy nên đến chùa nào cũng thấy những bức hình giống nhau. Nếu muốn ngắm tranh vẽ chủ đề Phật giáo thì thường phải đến các gallery, hoặc các quán trà đạo... Các tác phẩm hội họa gần như “vắng bóng” trong không gian chùa chiền.
Tác phẩm "Ông cụ", màu nước trên lụa |
* Theo thầy, lý do của điều này là gì?
- Điều này hoàn toàn không khó để lý giải, dưới tầm nhìn thiển cận của tôi thì có mấy nguyên nhân cơ bản như sau:
Thứ nhất là về chất lượng, năm 1924, Trường Mỹ thuật Đông Dương mới được thành lập (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay), có thể tạm coi là mốc đánh dấu sự ra đời của hội họa hiện đại Việt Nam, tính từ đó đến nay mới tròn 100 năm. Khi khu biệt lại ở mảng hội họa Phật giáo, chúng ta cũng không khó hình dung về thứ bậc của mình khi so tay nghề với các quốc gia lân cận như Trung Quốc hoặc Nhật Bản.
Thứ hai là về chi phí, việc vẽ một bức tranh đòi hỏi nhiều chất xám, kỹ năng, và công phu. Trung Quốc là một nước có nền nghệ thuật phát triển, họ có nhiều họa sĩ giỏi và chuyên nghiệp. Thậm chí hiện nay, Trung Quốc có nhiều làng vẽ tranh như ở Thâm Quyến chẳng hạn, họ ứng dụng quy trình công nghiệp vào việc sáng tác nghệ thuật. Ví dụ như một bức vẽ sẽ được chia ra nhiều công đoạn và mỗi công đoạn sẽ do một hoặc vài họa sĩ chuyên biệt phụ trách, do đó tranh của họ khi được đặt hàng thì bức vẽ sẽ được hoàn thiện trong thời gian ngắn và có giá thành rẻ. Còn ở Việt Nam chúng ta thường mỗi một tác phẩm chỉ do một họa sĩ vẽ mọi công đoạn từ đầu cho đến cuối, nên thời gian thường lâu, tốn nhiều công phu, kéo theo giá thành sẽ cao.
Thứ ba là về xu hướng của thời đại, ngày nay, công nghệ in ấn phát triển đã giúp cho việc sở hữu một bức tranh in trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Có rất nhiều tranh ảnh in sẵn được bày bán tại các cửa hàng văn hóa phẩm Phật giáo. Khuyết điểm của thể loại này là có tuổi đời rất ngắn, không có giá trị sưu tập và cũng không phải là độc bản do được in hàng loạt. Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất của thể loại này đó là ở chi phí và dễ dàng in ấn ở mọi nhu cầu.
Các họa sĩ của chúng ta cần phải được tiếp xúc nhiều hơn với chủ đề Phật giáo để nâng cao trình độ. Nhưng một khi cả cầu và cung đều ở mức thấp, cùng với sự phổ biến của tranh in cùng chất lượng vượt trội của tranh ngoại nhập, hội họa Phật giáo trong nước ít được chọn lựa, dẫn đến các họa sĩ không mặn mà với chủ đề này. Họ chuyển sang sáng tác ở các mảng đề tài khác, thậm chí bỏ nghề. Và cứ như vậy, hội họa Phật giáo vốn không phát triển thì nay lại càng khó khăn hơn khi rất ít người theo đuổi.
* Thầy có thể chia sẻ thêm về công việc sáng tác của mình, về cả khó khăn lẫn thuận lợi?
- Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm việc nhưng rất may là cho đến nay, tôi vẫn có thể tiếp tục cho ra đời các tác phẩm mang hơi hướng thiền gia. Tôi có được sự đồng hành nhất định ở một vài họa sĩ cộng sự, cùng với sự hỗ trợ của quý thầy tại ngôi chùa mà tôi đang sinh hoạt. Nếu không có được sự hỗ trợ từ Hòa thượng Thích Lệ Trang cùng Tăng chúng trong tự viện, cũng như là từ một vài vị Phật tử thân cận, thì có lẽ tôi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn hiện tại.
* Thầy có những dự định nào cho công việc của mình trong thời gian sắp tới không, thưa thầy?
- Khi có cơ hội, tôi lên kế hoạch tổ chức những buổi triển lãm tranh để chia sẻ những tác phẩm của bản thân và anh em đến với công chúng, tôi đặt tên cho chủ đề của những buổi triển lãm này là Thiền Phong. Tôi đã mở một đợt triển lãm tranh cá nhân tại Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, P.Võ Thị Sáu, Q.3). Triển lãm kéo dài 7 ngày, từ 8-1 đến 14-1-2025, đây là triển lãm cá nhân của tôi và là sự tổng hợp hơn 30 bức tranh được sáng tác bằng nhiều chất liệu từ nhiều năm trước cho đến nay.
* Chúc thầy tiếp tục gặt hái nhiều thành công với dự định sắp tới.