Viết bẩn lên di tích

Giác Ngộ - Hiện nay, một số di tích tôn giáo bị xâm hại nặng nề không những bị lấn chiếm, buôn bán mất trang nghiêm mà nạn viết bẩn, viết bậy lên các di tích, thậm chí cả một số thánh tượng của một số người vô ý thức. Nhiều bạn trẻ cho đây là "việc nhỏ", chỉ là ghi một lời cầu nguyện gởi lên Thánh hiền, thế nhưng nhiều người với nhiều việc nhỏ như vậy đã làm nên một việc lớn đáng báo động là làm mất vẻ mỹ quan, tính thiêng liêng của các di tích văn hóa, tôn giáo.

Chằng chịt "lời yêu" trên tháp cổ

Chùa Tà Cú hay còn gọi là Linh Sơn Trường Thọ, di tích được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Chùa do Tổ sư Trần Hữu Đức khai sơn vào giữa thế kỷ XIX; để tôn vinh đức độ và y thuật của Tổ sư nên vua Tự Đức phong 4 chữ "Linh Sơn Trường Thọ" cho ngôi chùa. Trong lần trùng tu vào năm 1963, chùa tôn trí pho tượng Đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn trên lưng chừng núi Tà Cú (ở độ cao 475m), cao 13m, dài 49m (được công nhận là công trình dài nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ). Pho tượng cũng được nhiều khách du lịch đến chiêm bái bởi vẻ đẹp uy nghiêm và giá trị thẩm mỹ hài hòa giữa cảnh trí thiên nhiên được tôn trí qua mắt nhìn độc đáo của kiến trúc sư Trương Đình Ý.

WHP (3).jpg
Tượng Đức Phật nhập Niết bàn trên núi Tà Cú
xuống cấp trầm trọng bởi những dấu vết bị viết bẩn

Tuy nhiên, nhiều du khách, khách hành hương vô cùng thất vọng khi đến đây: tượng Đức Phật nhập Niết bàn trên núi Tà Cú xuống cấp trầm trọng bởi tràn ngập những dấu vết bị viết bẩn chằng chịt trên suốt từ đầu tượng cho đến chân tượng. Mặc dù ngay tại các bậc tam cấp dẫn lên pho tượng đã có nhiều bảng cấm leo trèo lên tượng, cấm viết bậy lên tượng nhưng thực tế lại quá đau lòng. Dấu vết chằng chịt trên mặt tượng, thân tượng với rất nhiều lời lẽ nguyện cầu được khắc, ghi nội dung chủ yếu: cầu xin tình yêu, nỗi nhớ nhung, tên, điện thoại… của rất nhiều người trẻ để lại. Có vết hằn sâu được đục bằng vật sắt nhọn, có vết viết mờ bằng đá, bằng các loại bút mực, sơn, phấn… Nhiều người trẻ cũng hồn nhiên leo lên tượng để chụp ảnh lưu niệm, mà quên rằng đây là nơi thờ phụng linh thiêng.

Ni sư Ba La, người quản lý Linh Sơn Trường Thọ cho biết, trước tình trạng tượng Phật bị xâm hại nặng nề nên đầu năm 2010 chùa đã trùng tu lại pho tượng. Tuy nhiên, tượng được làm mới trang nghiêm chưa được bao lâu thì lại tiếp tục bị viết bẩn khắp thân tượng, không có cách gì ngăn được.

WHP (4).jpg

Biển báo chỉ mở cửa vào ngày Rằm và mùng 1 của Việt Nam Quốc tự

Ngay bên bờ Hồ Gươm thơ mộng của thủ đô Hà Nội, đối diện với Bưu điện Trung tâm là ngôi tháp cổ Hòa Phong - di tích duy nhất của chùa Báo Ân xưa. Tháp có 3 tầng, được thiết kế theo kiến trúc phổ biến của các ngôi tháp ở Việt Nam thời bấy giờ. Tầng một có 4 mặt trổ 4 cửa vòm, trên mỗi ngạch cửa ghi: Báo Ân Môn - Báo Nghĩa Môn - Báo Đức Môn - Báo Phúc Môn; tầng hai, 4 góc xây trụ vuông đặt tượng 4 con nghê, nối liền nhau bằng đường viền hồi văn giao hóa; tầng ba ghi "Hòa Phong tháp", trên đỉnh nhô cao trang trí bầu hồ lô.

Là tháp cổ, minh chứng cho những giá trị lịch sử lâu đời Phật giáo và dân tộc nhưng giờ đây tháp Hòa Phong bị viết chi chít chữ. Tất cả nét chữ được viết bằng bút xóa, màu trắng, nổi bật trên nền tháp thâm nghiêm u tịch, nội dung thể hiện nhiều tâm trạng khác nhau. Ngay tầng một của tháp là những dòng chữ nguệch ngoạc thể hiện tình yêu sâu đậm của bạn trẻ, theo kiểu: "Đạt ơi! Em nhớ anh Saker!", "Mãi yêu anh", "Suốt đời em chỉ yêu mình anh!", "Châu chấu ơi! Em nhớ và yêu anh nhiều lắm" v.v... Nhiều bạn trẻ còn ghi cả ngày tháng năm sinh của mình và người yêu, thời gian yêu nhau và ngày cùng tao ngộ, viết "lời yêu", vẽ hình trái tim, hình mũi tên… lên tháp cổ.

Những "lời yêu" này xuất hiện từ khi nào không ai biết nhưng mới nhất là dịp nghỉ lễ dài ngày vừa qua khi hàng ngàn người đổ về thủ đô tham quan, ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm. Tháp Hòa Phong càng dày đặc thêm nhiều nét chữ vẫn còn nguyên mùi mực mới, chồng lên trên những nét chữ khác đã phai màu.

Việt Nam Quốc Tự, ngôi chùa trang nghiêm giữa lòng thành phố nhộn nhịp. Trong khuôn viên chùa là nơi tọa lạc ngôi tháp cao 7 tầng. Viếng tháp, người ta có thể phóng tầm nhìn ra phong cảnh xung quanh của chùa. Ngôi tháp này cũng là chốn linh thiêng để thờ Phật và cửu huyền được mở cửa cho Phật tử vào ngày rằm, mồng một. Thế nhưng, chúng tôi cũng hết sức bất ngờ trước "nỗi đau" còn hằn sâu với chằng chịt vết tích, bị bôi bẩn, viết bậy trên hầu hết các tầng của tháp. Những câu chữ nguệch ngoạc gởi gắm sự nhớ nhung, yêu đương, những hình vẽ trái tim trúng tên, tên người yêu, số điện thoại... được khắc, viết nhăng nhít trên khắp thân tháp.

WHP (1).JPG

Tháp Hòa Phong ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội

Được biết, chùa chỉ mở cổng tháp cho Phật tử viếng thăm, chiêm bái vào dịp rằm và mồng một nhằm hạn chế nạn mất cắp một số pháp khí, vật dụng tôn thờ trong tháp. Và tệ hơn, có kẻ đã lẻn vào phóng uế gây dơ bẩn tháp. Việc hạn chế mở cổng lên tháp tưởng rằng sẽ hạn chế bớt nạn khắc, vẽ, viết bẩn lên tháp nhưng thật đáng buồn là hầu như nơi nào của tháp cũng bị làm bẩn. Ngay cả bảng ghi của chùa "yêu cầu không viết lung tung lên cột tháp" cũng bị những người đến chùa cố tình tẩy xóa, cố ý làm sai lệch nội dung.

Thiếu ý thức nơi tôn nghiêm

Đến Linh Sơn Trường Thọ, khách hành hương thật sự bất bình trước sự thờ ơ, vô ý thức của một số bạn trẻ. Hành động bôi bẩn lên tượng đã thể hiện hành động thiếu ý thức và vô trách nhiệm không những đối với một địa chỉ lịch sử văn hóa cấp quốc gia mà còn là một thắng tích trang nghiêm của tôn giáo.

Một du khách nước ngoài đã từng chứng kiến cảnh một bạn trẻ Việt Nam ngang nhiên khắc "I love you" lên tượng Phật nhập Niết bàn tại núi Tà Cú, ông đã lắc đầu, thở dài, hỏi "sao bạn làm vậy?". Việc làm vấy bẩn lên tượng Phật chắc chắn là không đẹp trong mắt vị khách nước ngoài. Đến chùa viếng Phật là thói quen tốt của người Phật tử và nhiều bạn trẻ, thế nhưng có một số người trẻ đã vô ý thức không những phá tan sự tôn nghiêm, mỹ quan của tượng Phật, di tích mà còn tự làm xấu đi chính mình trước mặt mọi người.

WHP (2).JPG

Chi chít lời yêu trên tháp cổ Hòa Phong

Bác Trọng Thắng, người mỗi sáng tập thể dục chạy ngang qua tháp Hòa Phong tâm sự: "Bọn trẻ bây giờ sao mà vô tâm quá. Giữa lúc tất cả mọi người đang thành tâm hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội bằng tất cả tấm lòng với nhiều hành động khác nhau, thế mà lại làm bẩn đi một biểu tượng khá gần gũi với người Hà thành bằng những tâm sự chỉ nên thổ lộ ở một nơi kín đáo". Bác Thắng cũng cho biết thêm, ông từng chứng kiến bao lần du khách đến đây, nhìn ngôi tháp tỏ vẻ khó chịu, thôi không muốn chụp hình lưu niệm vì quá "bẩn", làm mất hẳn vẻ thâm u của ngôi tháp cổ . "Nhiều lúc thấy cảnh ấy tôi cũng chạnh lòng bởi mình mang tiếng là người dân thủ đô văn minh, thanh lịch, biết tự hào với quá khứ".

Hơn ai hết, các bạn trẻ cũng là những người hiểu biết, biết đến Phật tức là biết những điều thiện lành. Nếu nói các di tích, các chùa lơ là không đề cao cảnh giác với nhiều bảng cấm, nhiều người canh chừng thì không đúng. Bởi lẽ, bản thân người đến viếng chùa tức cũng là người biết tôn kính Phật, ai nỡ làm Phật đau lòng với vô vàn vết tích như vậy.

Các bạn trẻ đến chùa cần phải chấn chỉnh thái độ, hành động của mình. Hãy suy nghĩ đẹp và hành động đẹp. Tôn trọng di tích, tôn kính Đức Phật, tôn kính nơi thờ phụng linh thiêng và gởi lời cầu nguyện bằng tâm thiện lành. Sự ngưỡng vọng tốt đẹp đó mới tạo nên nét đẹp của người viếng chùa, góp phần giữ gìn nơi chốn tôn nghiêm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có nhóm ăn chay cũng dùng trứng (công nghiệp) được - Ảnh minh họa

Ăn chay trường dùng trứng, sữa được không?

GNO - Tôi là Phật tử ăn chay trường đã lâu. Vì công việc và sức khỏe nên tôi có dùng các thức uống như sữa, nước yến, mật ong. Có người nói rằng đã ăn chay trường thì không nên dùng các thức uống đó. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong được quý Báo hướng dẫn.
Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

GNO - Tôi thường viếng các chùa và nhận thấy rằng các chú tiểu nhỏ (khoảng độ tuổi mẫu giáo và cấp 1) thường để ba chỏm tóc, còn các chú tiểu lớn hơn (khoảng độ tuổi thiếu niên, cấp 2, 3) thì để một chỏm tóc dài rồi vén bên tai. Quý Báo cho tôi biết nhà chùa chừa các chỏm tóc này cho các chú tiểu có ý nghĩa gì?

Thông tin hàng ngày