GN - Tôi hiểu cái cảm giác mất mát người thân đó, cái cảm giác mà tôi đối mặt cách nay chục năm, lúc ngoại mình “đi xa”. Khi đó, tôi viết hai câu thơ: “Từ nay hoa trắng mẹ cài/ Cho con biết mẹ đã mồ côi” mà òa khóc nức nở.
Mẹ ơi hoa trắng mẹ cài, cho con biết mẹ đã mồ côi - Ảnh: Internet
Tôi hiểu khi nghe ai đó nói rằng ông mình mất, bà mình mất... thì bên trong thông báo đó có sự chơi vơi, nghèn nghẹn ở từng câu chữ, chạm vào phần sâu kín nhất của con người, mà theo Đức Phật dạy, đó là một trong những nỗi khổ của con người, mang tên ái biệt ly.
Trong cuộc sanh-tử này không ai tránh khỏi những biệt ly nên sự ra đi và tiễn biệt mãi là quy luật mà người đi, người ở chắc cũng lưu luyến nhiều, nhất là “sanh ly tử biệt”. Rồi, khoảng trống sẽ xuất hiện giữa mênh mông thương-nhớ, và có thể lúc nào đó ta sẽ ngân ngấn lau nước mắt khi hoài niệm về những tháng-ngày còn người đó, với những kỷ niệm mà ta và người ra đi đã từng trải qua. Nhưng, sự nhớ thương dai dẳng ấy cũng cần được đi kèm bởi sự quán niệm về những “cuộc đi” tất yếu đó để chấp nhận; đồng thời, nghĩ tới tình thương và sự tiếp nối của người nơi mình để không phải đớn đau trong những chuỗi ngày dài dằng dặc, bởi người đi chắc cũng không muốn mình phải sầu thương vì họ.
Tinh thần của đạo Phật cũng nói về sự vững chãi, bình tâm trước những sự ra đi của người thân để yểm trợ bằng câu niệm Phật, bằng việc làm thiện lành và hồi hướng công đức chứ đừng khóc thương, nắm níu. Làm được vậy mới đích thị là thương, là quan tâm, là giúp đỡ đúng nghĩa.
Ở đây, tôi muốn sẻ chia với người vừa mất người thân rằng, hãy thương theo tinh thần Phật giáo để ý niệm thương yêu người nằm xuống mang lại giá trị chuyển hóa nơi mình và nơi thần thức người ấy, để cuộc ra đi của họ được an nhiên và để ta an nhiên sống tiếp những tháng ngày phía trước, không chỉ cho ta mà còn cho họ trong sợi dây nối thương yêu, giao cảm tâm linh vốn dĩ dễ truyền thông giữa những người chung cùng huyết thống...
Phong Châu