Viết - cơ hội thực tập từ bi

Tác giả tác nghiệp tại sự kiện Vesak 2014, Bái Đính (Ninh Bình).  Ảnh: Bảo Toàn
Tác giả tác nghiệp tại sự kiện Vesak 2014, Bái Đính (Ninh Bình). Ảnh: Bảo Toàn

GN - 1. Điều hạnh phúc nhứt của người làm báo chính là được dấn thân vào sự kiện, hòa mình vào dòng chảy thông tin, tiếp xúc với những con người mới, vùng đất mới, hiện tượng mới... để cảm nhận, ghi chép và viết.

Do vậy, hễ ai làm báo hẳn đều có đôi chân thích đi, thích trải nghiệm và khám phá. Tất nhiên, người làm báo cũng cần có đôi tai để nghe và lắng nghe được những thanh âm trong trẻo của cuộc sống cùng những tiếng chát chúa từ nhiều cung bậc, tầng lớp để rồi gạn đục khơi trong.

Truyền đi cái gì và nói thế nào trong ngồn ngộn sự thật mà mình biết để giúp cho sự việc sáng tỏ, mang lại giá trị tốt đẹp, thay vì truyền đi sự thật khiến cuộc sống trở nên tăm tối hơn? Người làm báo không ru ngủ con người trong ủy mị ngôn từ cũng không lấy cái giả dối làm chất liệu truyền thông; nhưng sự thật nào cần được cho đi và bao nhiêu sự thật cần gác lại để tránh làm thương tổn thêm cho cuộc sống?

Trả lời câu hỏi đó là lương tâm và nghệ thuật, nó bao hàm cả chân-thiện-mỹ nên khi một người làm báo chân chính cũng giống như một thầy thuốc mát tay biết cắt thuốc từng phân vừa vặn, trị cho người khỏi bệnh.

Nếu không khéo, hay không có lương tâm thì có khi người truyền tin sẽ trở thành kẻ đầu độc khiến xã hội thêm nhố nhăng, nhớp nháp bởi những “sự thật đau lòng”, đôi khi không phải là hiện tượng của số đông lại thổi lên thành thứ tò mò, khiến số đông bắt đầu học đòi, làm theo hoặc nghe theo rồi mất đi ít nhiều niềm tin.

Lựa chọn và cân nhắc liều lượng thông tin để truyền đi trong thời buổi cạnh tranh thông tin từng chút này khiến nhiều người làm báo đau đầu hơn và cũng là mảnh đất sinh ra nhiều người làm báo không chuyên lắm khi giỏi nghề hơn người có học hành trường lớp.

2.  Hồi tôi mới theo nghiệp báo, có người nói “nhà báo nói láo ăn tiền” để ám chỉ hay nhắc tôi về một nghề nhạy cảm, bởi ít nhiều người làm báo sẽ không thật nhất với những gì mình biết, vì những lý do như trên.

Còn những nhà báo nói láo đến thô thiển, khi tung những tin hoàn toàn không có thì chắc chắn khó chấp nhận và sẽ phải bị tẩy chay từ chính cơ quan chủ quản của mình tới bạn đọc.

Sau này, khi tiếp xúc năm nguyên tắc đạo đức của người học Phật có việc không nói dối - được diễn dịch với lời nguyện “con nguyện sẽ không truyền những thông tin mà con không chắc đó là sự thật, những thông tin mà con không biết rõ...” làm cho tôi càng củng cố thêm niềm tin nghề nghiệp. Lời nguyện này vi tế và phù hợp với yêu cầu của người làm báo, để giữ chữ tín trong cái tên (bút danh) của mình.

Tuy nhiên, thi thoảng tôi cũng nghĩ về một sự nói dối khác, chính là mình im lặng trước nhiều sự thật. Tất nhiên là khi nghĩ tới điều này thì những phân vân về sự thật nào cần được truyền đi lại trở về trên bàn cân lương tâm, trách nhiệm của người làm báo giúp mình vượt qua những áy náy vốn dĩ.

3. Không phải bao giờ mình cũng sáng suốt trong khi nói, khi viết và truyền đi một điều gì đó, nhưng có một điều mình ráng nhớ là khi viết và truyền đi một điều gì hãy nghĩ đến người sẽ tiếp nhận nó, giá trị của nó mang lại cho cuộc sống. Tôi đã học được điều đó từ nhiều vị thầy và cũng truyền điều đó cho nhiều bạn trẻ, trẻ hơn mình như một sẻ chia kinh nghiệm.

Điều đó có nghĩa là ta cần có một chuẩn để truyền tin, hầu tránh đi cảm tính khiến nhiều thông tin ngỡ tốt lại phản tác dụng.

4. Trở lại việc dấn thân với nghề báo, tôi từng nghĩ, nếu có lúc nào đó, công việc làm báo cần mình đi vào những nơi nguy hiểm như chiến trường thì tôi cũng không từ nan. Phát nguyện ấy trở nên sống động hơn khi những ngày qua, đọc báo và tôi biết có nhiều anh em đồng nghiệp ở các báo đã tới nơi đầu sóng ngọn gió để chuyển tải hình ảnh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng trong vai trò người làm báo và trong trách nhiệm công dân cao đẹp của mình. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày