Số ca nhiễm hôm nay chủ yếu tại: TP.HCM (3.841), Bình Dương (3.028), Đồng Nai (1.071), Long An (354), Tiền Giang (212)...
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 137.008, Bình Dương 36.776, Đồng Nai 11.239, Đồng Tháp 4.469, Khánh Hòa 3.673, Hà Nội 2.258, Cần Thơ 2.187, Phú Yên 1.951, Đà Nẵng 1.801, Bình Thuận 1.344, Bến Tre 1.234, Ninh Thuận 556, Đăk Lăk 477, Sóc Trăng 454, Quảng Ngãi 415, Hậu Giang 332, Bình Phước 286, Hà Tĩnh 260, Quảng Nam 208, Đăk Nông 164, Hải Dương 150, Thanh Hóa 110, Thái Bình 63, Lào Cai 57, Quảng Bình 56, Ninh Bình 53, Kon Tum 21, Nam Định 18.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27-4 đến nay lên 242.552, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. Tổng số ca được điều trị khỏi lên 89.145. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 499. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 21.
Chiều nay, Bộ Y tế cũng ghi nhận 326 ca tử vong (4488-4813) từ ngày 1 đến 12-8. Trong đó, TP.HCM tử vong 225 ca, Bình Dương (42), Tiền Giang (20 ca từ ngày 10 đến 11-8), Bà Rịa - Vũng Tàu (19 ca từ ngày 1 đến 12-8), Long An (6), Bến Tre (4), Vĩnh Long (4), Đà Nẵng (2), Hà Nội (2), Bình Thuận (2).
TP.HCM: Người dân ở “vùng xanh” chỉ được đi chợ 1 lần/tuần
Nhân dân tự nguyện tham gia trực chốt tự quản bảo vệ “vùng xanh” ở quận 3 - Ảnh: Văn Minh |
Ngày 12-8, UBND TP.HCM vừa ban hành Văn bản về việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, người dân ở “vùng xanh” (vùng không có dịch Covid-19) trên địa bàn TP.HCM chỉ được đi chợ 1 lần/tuần.
Cụ thể, hàng tuần, chính quyền địa phương tổ chức phát thẻ, phiếu đi mua thực phẩm 1 lần cho các hộ gia đình (1 tuần/hộ gia đình sẽ có 1 thẻ, phiếu đi chợ) ghi rõ địa điểm cung ứng thực phẩm gần nhất, ngày giờ cụ thể được đi mua thực phẩm.
Trong văn bản, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu yêu cầu, UBND phường, xã, thị trấn rà soát và đăng ký ít nhất 1 điểm cung ứng thực phẩm cho người dân tại các khu vực thuộc “vùng xanh”. Người dân ở khu vực có điểm cung ứng thực phẩm thì chỉ được đi đến điểm cung ứng đó để mua hàng.
Trường hợp khu vực thuộc “vùng xanh” không thể thiết lập điểm cung ứng thực phẩm hoặc điểm cung ứng nằm xa “vùng xanh”, không đảm bảo an toàn về y tế thì thực hiện mô hình đi chợ giúp, phát phiếu đi chợ cho nhóm hộ gia đình, hoặc tổ chức phân phối thực phẩm đến tận tay người dân.
Điểm cung ứng thực phẩm thuộc khu vực “vùng xanh” nào thì cung ứng cho cư dân, người dân ở khu vực đó; các điểm cung ứng được bố trí bên trong các khu vực “vùng xanh”, hạn chế tối đa việc bố trí ở các mặt tiền đường phố giáp ranh giữa các khu vực để người dân không phải ra đường và tránh việc người vãng lai ghé mua hàng, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
UBND TP.HCM yêu cầu lãnh đạo UBND phường, xã, thị trấn chỉ đạo, điều phối việc cung ứng hàng hóa thực phẩm cho người dân tại các khu vực "vùng xanh"; làm đầu mối liên hệ Sở Công Thương để điều phối, cung cấp đầy đủ hàng hóa cho các điểm cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm trong các khu vực thuộc “vùng xanh”.
Đối với những hàng hóa cần thiết liên quan đến gia dụng, vệ sinh, dược phẩm... người dân đăng ký để UBND phường, xã, thị trấn tổ chức mua, cung ứng theo nhu cầu.