Việt sử giai thoại: Thượng hoàng Trần Nhân Tông dạy vua

Trần Nhân Tông húy là Khâm, được vua cha là Trần Thánh Tông truyền ngôi cho từ năm 1278, làm vua đến năm 1293 thì nhường ngôi cho con là Thái tử Thuyên, tức vua Trần Anh Tông. Từ đó, Trần Nhân Tông là Thượng hoàng. Anh Tông thích rượu chè, bởi vậy mới có chuyện Thượng hoàng Trần Nhân Tông dạy vua Trần Anh Tông vào năm Kỷ Hợi (1299) được sử cũ ghi lại. Nay theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 8, tờ 27 và 28) mà thuật lại như sau:

“Lúc ấy, Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường về kinh, các quan trong triều không ai hay biết. Vua uống rượu xương bồ, say ngủ đánh thức mãi không được. Thượng hoàng thong thả đi xem hết các cung điện một hồi lâu, đến khi nội hầu dâng cơm, Thượng hoàng không thấy Vua, lấy làm lạ, bèn hỏi. Biết chuyện (Vua say rượu) Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, hạ chiếu cho trăm quan nội ngày mai phải đến tề tựu (ở Thiên Trường) để nghe chỉ dụ. Đến quá trưa (hôm sau) Nhà vua mới tỉnh dậy. Cung nhân đem việc đó tâu bày, Nhà vua sợ quá, đi bộ ra ngoài cung, khi về qua chùa Tư Phúc, gặp người học trò là Đoàn Nhữ Hài. Vua hỏi, Nhữ Hài vội vàng cúi rạp xuống đất thưa là học trò đi học. Vua cho theo vào cung, bảo rằng:
      - Mới đây, trẫm say rượu, bị Thượng hoàng hỏi tội, nay muốn dâng biểu tạ tội, nhà người hãy thảo giúp ta tờ biểu ấy.
      Nhữ Hài vâng lời, thảo xong ngay. Nhà vua liền dùng thuyền nhỏ, cho Nhữ Hài đi theo, đêm thì tới Thiên Trường. Sớm hôm sau (Vua) sai Nhữ Hài đội tờ biểu dâng lên. Thượng Hoàng hỏi:
      - Người dâng biểu là người nào?
      Người hầu cận thưa rằng:
      - Đấy là người của Quang gia (chỉ vua Trần - ND) sai dâng biểu tạ tội.
      Thượng hoàng không nói gì cả. Trời xẩm tối, gió mưa ầm ĩ mà Nhữ Hài vẫn quỳ gối không nhúc nhích, Thượng hoàng bèn cho lấy tờ biểu vào xem, thấy lời lẽ ý tứ thiết tha thành khẩn, mới cho triệu Nhà vua vào và dạy rằng: 
      - Ta không có người con nào nữa để nối ngôi hay sao? Nay ta còn sống mà đã thế, sau này sẽ ra sao?
Nhà vua cúi đầu tạ tội. Thượng hoàng hỏi:
      - Ai soạn tờ biểu này?
      Nhà vua tâu:
      - Tên học trò là Đoàn Nhữ Hài
      Thượng hoàng lại cho triệu Đoàn Nhữ Hài vào, dụ bảo rằng:
      - Tờ biểu nhà người soạn thực hợp ý ta.
      Sau đó, Thượng hoàng cho Nhà vua lại được làm vua như cũ, trăm quan lại trở về triều như trước. Ở phủ Thiên Trường về, Vua cho Nhữ Hài làm ngự sử trung tán. Bấy giờ, Nhữ Hài mới có hai mươi tuổi, có kẻ ghen ghét, cho là mới ít tuổi đã làm quan, làm thơ nói mỉa Ông là miệng còn hơi sữa”.

      Lời bàn: Sử cũ cho biết, sau lần bị Thượng hoàng trách phạt này, Anh Tông không bao giờ uống rượu nữa. Những kẻ thích uống rượu cũng không bao giờ được Anh Tông cất nhắc. Mới hay, có nghiêm phụ lại có cả hiếu tử, gia giáo tốt đẹp biết ngần nào. Kẻ ghen ghét cho Nhữ Hài miệng còn hơi sữa, có biết đâu tài chẳng đợi tuổi bao giờ. Họ cười Nhữ Hài nhưng người đời lại cười họ, bởi lẽ, Nhữ Hài quả là bậc trung thần túc trí, càng về sau lắm công lao. Con mắt của người biết thành khẩn nhận lỗi như vua Trần Anh Tông chẳng phải là sáng suốt lắm đó sao.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Quần thể công trình đồ sộ của chùa Beomeo-sa

Sambo Chasal - Biểu tượng của Tam bảo tại Hàn Quốc

GNO - Jogye (Tào Khê tông, 대한불교조계종,曹溪宗) là tông phái Phật giáo chủ đạo tại Hàn Quốc. Ra đời khoảng cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII, cùng với quá trình phát triển, Tào Khê tông đã tạo sức ảnh hưởng cực kỳ to lớn trong đời sống Phật giáo tại bán đảo Triều Tiên, với khoảng 1.900 ngôi chùa hiện diện cho đến ngày nay.
Tôn tượng Đức Phật đản sinh trong khuôn viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - nơi diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 - Ảnh: Trung Thắng

Hương sen thuần khiết

GNO - Phật đản không chỉ là mùa lễ hội, càng không phải là một nghi thức dành riêng cho ai hữu duyên cửa thiền. Phật đản, với tôi, là một mùa của sự trở về , trở về với tâm thức nguyên sơ, trở về với lòng biết ơn cuộc sống, và trở về với chính mình sau những tháng năm mải miết đi xa.

Thông tin hàng ngày