GN - “Để tạ ơn những người đã cưu mang, giúp đỡ lúc gian nan, khốn khó, cơ sở trị bệnh của tôi chỉ nhận thù lao bằng tấm lòng sẻ chia tùy hỷ…”, chị Bùi Thị Lợi, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) chia sẻ.
Mái ấm nghĩa tình
“Năm 2009, sau ca mổ sỏi thận và sỏi bàng quang, tôi bị mù hai mắt do viêm dây thần kinh trung ương, teo tròng, phù gai thị. Chồng tôi dứt áo ra đi từ đó, một mình tôi ôm hai con nhỏ. Tôi gởi con cho người chị khiếm thị để đi học nghề xoa bóp, bấm huyệt ở An Giang, từ đó mới được như hôm nay”, chị Lợi chia sẻ.
Căn nhà tình thương do nhà nước cất cho chị Lợi tại xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng cũng là cơ sở hoạt động từ thiện, massage bấm huyệt và dạy nghề cho người mù nghèo trong và ngoài tỉnh.
Vợ chồng chị Lợi hướng dẫn nghề dệt thảm cho hội viên
Sau khi được giúp học nghề tại Phòng khám Nhân đạo, tỉnh An Giang và Hội Đông y thuộc chùa Kỳ Quang (Q.Gò Vấp, TP.HCM), chị về nhà trị bệnh cho bà con trong vùng, chi phí điều trị do người bệnh tùy hỷ cho vào thùng từ thiện. Thấy chị hiền lành, đơn chiếc nên một số người mù đến học nghề, vài cô bác được chị giúp lành bệnh cũng thường tới lui bồng ẵm con nhỏ, dọn dẹp quét nhà để chị rảnh tay trị liệu cho khách, có hôm đông khách, căn nhà của chị trở thành mái ấm của những người đồng cảnh ngộ.
Từ năm 2015, chị kết duyên cùng anh Phạm Trung Hiếu, sinh năm 1979, bạn học nghề của người chị khiếm thị tại TP.HCM. Mái ấm của những người mù nghèo theo đó ngày nào cũng rộn tiếng cười nói râm ran.
Hàng ngày, mọi chi phí mua dầu massage, dụng cụ làm nghề, sinh hoạt chi tiêu, ăn uống cho cả nhà đều trông vào lương tháng của chị, thùng từ thiện bệnh nhân tùy hỷ và nguồn hỗ trợ gạo thóc, dầu ăn từ đạo tràng khiếm thị chùa Thiên Quang ở Châu Đốc (An Giang). Đến nay, 30 người mù nghèo đến học nghề đã được chị hỗ trợ, đưa đi học tiếp tục tại TP.HCM. Tất cả họ đều được cấp bằng chuyên môn và lần lượt đi đến các nơi làm nghề, mưu sinh. Mái ấm của vợ chồng chị, giờ chỉ còn 4 người phục vụ người bệnh.
San sẻ yêu thương…
Tuy bận rộn việc nhà, việc Hội, chị Lợi vẫn tranh thủ thời gian đi xin vải vụn làm vật liệu dạy nghề đan thảm chùi chân, giỏ xách, chổi, đồ nhắc nồi… cho cô bác bị mù có nhu cầu. Thỉnh thoảng có nhà hảo tâm ủng hộ, chị dành một phần mua tập sách, giúp đỡ học sinh nghèo, đóng góp sửa chữa nhà cho người nghèo hay mua quà, dầu massage và chi phí xe cộ để đến thăm và khám chữa bệnh cho người già neo đơn bị tai biến và đau khớp tại Nhà dưỡng lão xã Mỹ Quí (H.Tháp Mười, Đồng Tháp).
Số tiền chị vận động từ thiện từ đầu năm 2018 đến nay được hơn 100 triệu đồng. Bà Bùi Thị Nguyệt Nga, chủ cơ sở Nhà dưỡng lão xã Mỹ Quí cho biết: “Nhóm thiện nguyện của vợ chồng cô Lợi chuyên môn giỏi mà mộc mạc, giàu lòng nhân ái. Nhờ đó, sức khỏe các cụ ở đây được cải thiện”.
Cô Nguyễn Thị Béo, ngụ ở xã Tân Phước (H.Tân Hồng) tâm sự: “Tôi nhà nghèo, hai con đi làm mướn. Ở nhà buồn đến nhờ cô Lợi chỉ nghề đan thảm rồi bán giùm, làm hai ngày cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Tôi xem Lợi như con cháu. Nó tốt bụng và thương tôi lắm”.
Anh Hiếu, chồng chị Lợi tâm sự: “Buổi sáng Lợi làm ở Hội Người mù trên huyện cách nhà hơn 10 cây số, trưa về phụ tôi tới chiều. Có hôm đến 8 - 9 giờ đêm mới hết khách, con trai 7 tháng tuổi của chúng tôi cứ lăn lóc suốt trên võng. Chúng tôi tập trung trị bệnh cho cô bác lao động nghèo vì nhà tôi lúc nào cũng có anh em cô bác mù đến ở. Tuy họ không thấy đường nhưng rất thương yêu cháu”.
Điều mong ước của vợ chồng chị Lợi hiện nay là có nơi để tiêu thụ sản phẩm thủ công bằng vải vụn để giúp người mù có thu nhập ổn định, đồng thời mái ấm cũng có cơ hội dành dụm để sửa sang, lợp lại lành lặn sau 14 năm đã xuống cấp.