Vũ Văn Chầm - Một đời cho truyền thông giầy Việt

Nhắc đến Vina Giầy, người tiêu dùng đều biết đến như là một thương hiệu da giầy lớn nhất của Việt Nam trên thị trường. Song ít ai biết được rằng, Vina Giầy hình thành và phát triển dựa trên những giá trị tinh hoa, được đúc kết từ truyền thống hàng trăm năm của ngành da giầy Việt Nam. Và người viết nên trang sử vàng đó cho Vina Giầy chính là nghệ nhân Vũ Chầm.

Tự hào một truyền thống

Làng Phong Lâm tại xã Hoàng Diệu, huyện An Lộc, tỉnh Hải Dương được xem là nơi xuất phát của nghề da giầy Việt Nam. Nơi đây vẫn còn giữ gìn truyền thống thờ tổ nghiệp nghề da giầy. Và cùng với những thợ nghề Phong Lâm, nghề da giầy đã được phổ biến rộng khắp ra các tỉnh thành miền Bắc.

Vũ Chầm sinh năm 1932, trong một gia đình có truyền thống làm nghề da giầy tại Phong Lâm. Cụ tổ ông là người làm giầy duy nhất cho vua Lê Thánh Tông. Nhưng bản thân ông thì mãi đến năm ông 18 tuổi mới bắt đầu làm quen với nghề này.

Năm 1950, Vũ Chầm theo lời cha, rời Phong Lâm lên Hà Nội để theo một người bác học nghề đóng giầy. Mục đích ban đầu của người cha là muốn con mình có một cái nghề để tự lo cho bản thân sau này. Không ngờ rằng đây lại là quyết định mở ra cái nghiệp cả đời cho chàng thanh niên trẻ Vũ Chầm.

Gần 4 năm theo người bác học nghề không chỉ giúp cho Vũ Chầm có được đầy đủ những kỹ năng, kiến thức về nghề mà còn giúp ông một điều quan trọng hơn, chính là lòng yêu nghề, say mê với nghề một cách thực sự. Tuy nhiên, bước ngoặc thứ hai trong cuộc đời ông chính là cùng gia đình vào Nam. Đến giờ ông vẫn còn nhớ như in những ngày mùa đông lạnh cắt da thịt năm xưa, khi ba anh em ông cùng mẹ già đi vào Nam với hành trang mang theo duy nhất là nghề da giầy truyền thống. Thế nhưng đối với Vũ Chầm, như thế đã là đủ cho việc khởi đầu sự nghiệp của mình ở vùng đất Sài Gòn nhiều cơ hội này.   

Một trong những thợ giầy bậc nhất đất Sài Thành

Sau khi đặt chân đến Sài Gòn, điều đầu tiên quan trọng nhất đối với Vũ Chầm là phải có một công việc để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Và ông biết rằng công việc mình có thể làm tốt nhất chỉ có thể là làm giầy. Ông đi khắp các cơ sở làm giầy trên địa bàn thành phố để xin việc làm. Với đôi tay khéo léo và cái vốn nghề được rèn giũa qua hơn 4 năm, ông nhanh chóng có được việc làm. Công việc này chỉ có thể giúp ông trang trải cuộc sống gia đình một cách tối thiểu.

Nhưng cùng tình yêu nghề, tài năng nghề nghiệp của Vũ Chầm ngày càng được nâng cao. Những đôi giầy do Vũ Chầm làm ra ngày càng được người tiêu dùng chú ý, không chỉ vì nó có độ bền được bảo đảm, mà quan trọng hơn là nó thực sự đẹp, và rất phù hợp với thị hiếu của người Việt Nam lúc bấy giờ. Trước năm 1975, cái tên Vũ Chầm được giới thượng lưu Sài Gòn đánh giá rất cao trong việc tạo ra những đôi giầy tốt nhất. Ông được xem như là nghệ nhân làm giầy bậc nhất đất Sài Thành thời ấy.

 

Sau một thời gian làm thuê, Vũ Chầm quyết định mở một cơ sở làm giầy do chính mình làm chủ. Một mặt, ông vẫn tiếp tục sáng tạo những mẫu mã, kiểu dáng mới, mặt khác ông nhận gia công giầy cho các công ty và bỏ mối cho các sạp chợ. Có những công ty rất lớn ở Sài Gòn lúc bây giờ như Công ty giầy Bata cũng đặt ông gia công các loại giầy da. Có thời điểm, số lượng lao động làm việc cho ông phải lên đến 200 công nhân mới đáp ứng được lượng hàng gia công. Tuy phải lấy thương hiệu nước ngoài để đặt cho những sản phẩm của mình - theo thị hiếu của người tiêu dùng, nhưng không vì vậy mà tài năng của ông không được mọi người biết đến. Cơ sở của ông ngày càng phát triển.  

 Nhưng đến năm 1975, sự thay đổi của thời cuộc đã đưa ông về lại điểm xuất phát ban đầu khi cơ sở sản của ông phải đưa vào hoạt động của nhà nước. Tài sản bị xung vào công quỹ hợp tác xã, ông trở thành tổ viên làm việc tại xí nghiệp sản xuất da giày như mọi người. Thông thường khi làm việc dưới hình thức chấm công ăn lương như vậy, người lao động sẽ làm việc một cách qua loa, đại khái, vì dù làm tốt hay xấu đều nhận mức lương như nhau. Song, lương tâm nghề nghiệp và truyền thống gia đình đã không cho phép Vũ Chầm làm như vậy. Ông cần mẫn làm việc một cách nghiêm túc, và tay nghề của ông ngày một nâng cao hơn. Điều này càng được khẳng định khi ông được chính các vị nguyên thủ, lãnh đạo nhà nước như Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Tổng bí thư Đỗ Mười… mời đóng giầy cho họ. Đây được xem như một sự thừa nhận đáng tự hào đối với sản phẩm giầy do Vũ Chầm làm ra.

Đến năm 1986, đất nước ta bắt đầu những bước đi đầu tiên trong công cuộc đổi mới. Nhưng phải đợi đến năm 1990, Vũ Chầm mới quyết định khởi nghiệp một lần nữa bằng việc thành lập Công ty Giầy Việt. Từ đây, thương hiệu Vina Giầy bắt đầu xuất hiện trên thị trường da giầy thành phố Hồ Chí Minh. Là hậu duệ thứ 18 của dòng họ có truyền thống nổi tiếng về làm giầy, nhưng có thể nói Vũ Chầm là người thành công nhất. “Nghề da giầy không chỉ giúp phát trien kinh tế mà quan trọng hơn đây là nghề làm đẹp cho con người, vì vậy chúng tôi rất tâm đắc và tự hào với cái nghề truyền thống của gia đình”, ông nói.  

Vina giầy và ước vọng của người nghệ nhân

Vina Giầy được ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đang có những chuyển biến mạnh mẽ, hoạt động kinh tế cả nước bắt đầu đi vào guồng máy của sự sôi động, nhộn nhịp chưa từng có. Đây cũng chính là thời cơ lớn cho các công ty tư nhân phát triển nhanh chóng. Nắm bắt được xu thế đó, Vina Giầy đã có những bước đi đúng đắn, tăng trưởng nhanh chóng và liên tục. Với phương châm “khách hàng là thượng đế, mọi lỗi lầm thuộc về nhà sản xuất”, thương hiệu Vina Giầy luôn được người dân thành phố tin tưởng, yêu chuộng.

Hiện nay Vina Giầy có hơn 30 chi nhánh và hàng chục đại lý trên cả nước, trở thành thương hiệu da giầy đầu tiên của Việt Nam xâm nhập thị trường da giầy thế giới. Vina Giầy đã được thị trường công nhận như là công ty da giầy số một của Việt Nam. “Vina Giầy đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng khác trên thế giới. Chúng ta không còn xem họ như những bậc thầy nữa mà có thể xem họ ngang hàng với mình như bạn bè”, Vũ Chầm khẳng định.

Bên cạnh Vina Giầy, Vũ Chầm còn là Chủ tịch Hiệp hội da giầy Việt Nam. Vì vậy, không chỉ quan tâm đến hoạt động của riêng Vina Giầy, mà trong tâm tư người nghệ nhân ấy luôn canh cánh về việc làm thế nào để khẳng định thương hiệu da giầy Việt Nam trên thế giới. “Khi quyết định thành lập công ty, tôi nghĩ rằng người Việt Nam mình rất khéo léo, tay nghề đóng giầy người Việt rất giỏi, sản phẩm làm ra có chất lượng không thua kém gì các sản phẩm của nước ngoài, vậy vì sao lại phải gắn nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Và tôi quyết định chọn tên thương hiệu của mình là Vina Giầy - Giầy Việt Nam - nhằm khẳng định giá trị của da giay Việt Nam trên thị trường”.

Hiện nay, ở 75 tuổi, nghệ nhân Vũ Chầm chưa bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đã đạt được. Ông vẫn còn rất nhiều tâm huyết và trăn trở với nghề. Với ông, “một doanh nhân thành công không phải là làm được nhiều tiền, mà sự thành công đó phải dựa trên những giá trị đích thực mà họ mang lại cho cuộc sống”.

Ngoài niềm đam mê giầy, Vũ Chầm còn một niềm say mê khác là nghiên cứu tư tưởng Phật giáo. Không chỉ nghiên cứu, ông còn mang tư tường đó vào việc quản lý kinh doanh của mình. Ông cho rằng: “Người lãnh đạo phải luôn như con tằm nhả tơ, phải biết yêu thương nhân viên của mình, làm sao để họ xem công ty này là như công ty của họ, có như vậy họ mới gắn bó và làm việc hết mình”. Đối với ông: “Dù là người lãnh đạo một doanh nghiệp, lãnh đạo một gia đình hay lãnh đạo một đất nước cũng đều cần phải có hai yếu tố, là trí tuệ và đạo đức. Ở nơi nào có tài và đức thì ở nơi đó có thành công, ở đâu chỉ có sự ngu dốt và không có đức thì ở đó bại vong”.

Từ một người thợ đóng giầy đến một nghệ nhân làm giầy, đưa một cơ sở gia công nhỏ phát triển thành một công ty sản xuất lớn hàng đầu trong nước, từ một truyền thống da giầy hàng trăm năm của gia đình xây dựng nên một thương hiệu hiện đại - Vina Giầy - có tên trên thị trường thế giới, có lẽ đó là minh chứng sống động nhất cho  quan điểm sống và kinh doanh của Vũ Chầm.

Hiện nay, 8 người con của ông đa số vẫn tiếp tục theo cha, gắn bó với nghề da giầy. Như vậy, truyền thống da giầy mà nghệ nhân Vũ Chầm đã dành cả cuộc đời để gìn giữ và phát huy chắc chắn sẽ còn tiếp tục tỏa sáng trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày