Vững tin vào con đường đang đi...

GN - Phật tử Ngô Thị Thúy Hằng (37 tuổi, ở Hà Nội) chọn cho mình công việc rất khác biệt và cũng rất nhân văn, đó là mở trung tâm tư vấn, trợ giúp pháp lý, tìm kiếm các thông tin liệt sĩ, cũng như chính sách liên quan đến thân nhân, gia đình liệt sĩ.

Đơn giản vì “mình hiểu thân nhân các liệt sĩ ai cũng mong muốn người thân mình được tìm thấy, dẫu chỉ là nấm mồ với nắm xương lạnh…”, chị nói.

1. Trung tâm Marin của chị Hằng đặt vỏn vẹn ngay trong căn hộ thuê số 701, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) nhưng là nơi lưu trữ đầy đủ tài liệu của hơn 800.000 liệt sĩ Việt Nam.

anh PGTT GN 703, bai Hanh Y.JPG

Ngô Thị Thúy Hằng (thứ 2 từ phải qua) đang giúp các thân nhân liệt sĩ tìm thông tin người thân

Tôi ấn tượng về chị khi có duyên tham gia cùng chị chuyến công tác tại Trường Sa (Khánh Hòa). 13 giờ, mặc dù trời nắng chang chang, đoàn công tác đến Trường Sa ai cũng vào dùng cơm, nghỉ mệt nhưng chị, dáng người nhỏ thó, đen nhẻm vẫn miệt mài đi viếng mộ, tìm thông tin của liệt sĩ hy sinh. Trò chuyện với chị, tôi khá bất ngờ khi biết, năm 28 tuổi chị đã dám từ bỏ công danh sự nghiệp để đi làm công việc không công, thậm chí phải bỏ tiền túi mà theo chị, ý nghĩa vô cùng.

Đó là… từ năm 2004 đến nay, bước chân chị đã đặt tới hầu hết các chiến trường xưa; sang cả nước bạn Lào, Campuchia để tìm kiếm thông tin cung cấp cho gia đình liệt sĩ. Thông qua việc tư vấn trực tiếp tại văn phòng vào sáng thứ 3, thứ 5, thứ 7, tư vấn tại đầu số 1900571242, chị đã chuyển tải nguồn thông tin đến hàng chục nghìn gia đình liệt sĩ; khớp nối thành công danh sách hơn 200 liệt sĩ có bia mộ nhưng thiếu thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam, Bình Phước. Rồi chị xây dựng hệ thống tình nguyện viên, cộng tác viên trên cả nước, có văn phòng đại diện tại: Hải Phòng, Vinh, Quảng Bình, Kon Tum, TP.HCM và xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ trực tuyến tại www.lietsivietnam.org...

2. Vì sao cô Phật tử trẻ này lại quan tâm nhiều đến chiến tranh, tìm hiểu nhiều thông tin liệt sĩ và tận tụy với công tác thiện nguyện này như vậy? Câu hỏi đó lẩn quẩn mãi trong tôi, cho đến khi chị giải thích: “Hằng có một người bác hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Bà ngoại mất để lại di chúc cho mẹ là phải tìm cho bằng được mộ bác đem về. Nhiều năm trôi qua, mẹ vẫn chưa thực hiện di nguyện của bà. Lớn lên, Hằng cũng đau đáu trong lòng và tiếp tục hành trình của mẹ”.

Trong quá trình đi tìm hài cốt của bác, tình cờ biết được trang www.nhantimdongdoi.org do một nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên làm, thấy thích, Hằng đã đồng hành cùng các bạn. Nhưng sau đó thì lần lượt từng thành viên trong nhóm có những công việc riêng. “Lúc đó Hằng có cảm giác, nếu như trang web biến mất thì giống như mình đã cho gia đình liệt sĩ một hy vọng, một chỗ dựa, rồi đột ngột dập tắt niềm hy vọng ấy. Vậy là, không đành lòng, Hằng gác lại công việc của người biên tập viên tạp chí Thời Trang Trẻ và các dự án làm ra tiền để toàn tâm toàn lực lo cho trung tâm”.

Trung tâm Marin, trực thuộc Bộ Tư pháp - là tổ chức phi chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận chung tay xoa dịu nỗi đau chiến tranh, đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ Việt Nam.

Với những cống hiến đầy ý nghĩa đó, chị Thúy Hằng liên tục nhận được nhiều giải thưởng như Tình nguyện viên Quốc tế 2012; Khi Tổ quốc cần năm 2010; Chim én... Tuy nhiên, với chị, những giải thưởng không phải là niềm vui nhất, mà vui nhất là khi truyền tải được thông tin mà các gia đình liệt sĩ, đồng đội đang trông đợi suốt mấy chục năm qua và làm cho giới trẻ biết, hiểu được sự hy sinh của ông cha là thiêng liêng mà sống có trách nhiệm hơn.

3. Gắn bó với chị một thời gian, tôi biết được, bất cứ nơi nào, bất cứ là ai, hễ gửi thông tin tìm gia đình liệt sĩ là chị nhiệt tình giúp đến nơi đến chốn. Chú Lý Quang Nhân, nhà số 11, Nguyễn Văn Cừ, Đồng Hới, Quảng Bình cho biết, chú giữ di vật của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng từ năm 1968 đến nay; muốn gửi lại cho gia đình liệt sĩ, chú đã gõ cửa khắp nơi, tất cả đều bảo là không tìm được. Nhưng khi gửi thông tin cho Marin thì có kết quả.

“Ngay khi có tin, Hằng đã báo ngay cho tôi biết, tôi cảm động rớt nước mắt. Ngày 22-7, tôi trao lại kỷ vật lại cho gia đình chú Minh. Sự nhiệt tình của Hằng cộng với cái tâm của người làm công tác thiện nguyện đã đem đến niềm vui thiêng liêng cho tôi và gia đình liệt sĩ Hùng”, trong niềm vui, chú tâm sự.

Hỏi chị, lấy tiền đâu để nuôi trung tâm tồn tại khi mà tất cả hoạt động đều là thiện nguyện, lạc quan, chị bảo: “Thời gian đầu thì lấy tiền ky cóp của cá nhân để xoay xở, chi tiêu cho mọi việc. Về sau, hết tiền tiết kiệm thì có một số thân nhân gia đình liệt sĩ giúp một ít. Marin vẫn đang rất khó khăn vì không có nguồn thu và luôn cần sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân cho hoạt động thiện nguyện tri ân các anh hùng liệt sĩ. Cơ duyên đã đưa tôi đến công việc này thì tôi tin rằng, công việc thiện nguyện này sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Vì thế tôi luôn vững tin vào con đường mình đang đi”.

Hạnh Ý

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày