Vượt lên sự tật nguyền

GN - Hoàn cảnh cơ cực, đôi chân khiếm khuyết, thế nhưng thực tại phũ phàng ấy không thể đánh gục được ước mơ và nghị lực của Tuấn. Những thiệt thòi ấy giúp anh thêm mạnh mẽ vượt qua nỗi mặc cảm, tự ti để sống như những người bình thường và biến ước mơ làm giàu của bản thân thành sự thật.

Không đầu hàng số phận

Tự tin, hoạt ngôn, dám nghĩ, dám làm là những ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được ở chàng trai Phan Phước Tuấn (34 tuổi), chủ cơ sở mộc mỹ nghệ có tiếng ở vùng quê Gò Nổi, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).

Tình cờ gặp và biết Tuấn trong một lần tham gia triển lãm làng nghề truyền thống trong chuỗi hoạt động Festival di sản Quảng Nam, tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi gian hàng gỗ mỹ nghệ của anh tấp nập người thưởng lãm. Nhiều khách đặt những sản phẩm gỗ mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo do Tuấn và những người thợ xưởng mỹ nghệ làm ra. Tuấn giới thiệu về sản phẩm, về nghề truyền thống với tất cả đam mê.

ANH XH (2).JPG

Phan Phước Tuấn bên - tác phẩm của mình, pho tượng Đức Phật Quán Thế Âm

Tuấn lê đôi chân nặng nhọc lấy nước mời khách và trò chuyện với chúng tôi. Trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi, Tuấn chia sẻ những buồn vui, những thăng trầm của cuộc đời mà anh đã trải qua. Cuộc trò chuyện có đôi lúc bị ngưng lại bởi những cảm xúc chân thật lấn át làm khóe mắt Tuấn đỏ hoe…

Tuấn vỗ vai tôi cười hiền và thổ lộ, anh tin cuộc sống này rất công bằng, ông trời không cho không ai tất cả và cũng chẳng lấy đi của ai tất cả. “Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những tháng ngày cơ cực phải chạy gạo từng bữa của gia đình. Bản thân tôi tật nguyền, nhiều lúc cứ ngỡ như người thừa thãi vô dụng.

Nhưng mỗi lần nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến tương lai sau này, tôi không cho phép mình buông xuôi dễ dàng như vậy. Mọi thứ bây giờ tôi đã có được cứ ngỡ là mơ nhưng đó là giấc mơ có thật. Tôi tin mọi sự nỗ lực, cố gắng sẽ được đền đáp…”.

Lúc mới sinh ra, Tuấn là một đứa trẻ bình thường, đến năm lên 3 tuổi, một trận ốm thập tử nhất sinh làm đôi chân của anh bị teo tóp, đi lại rất khó khăn. Lớn lên và bắt đầu đi học, Tuấn mới cảm nhận được nghịch cảnh, thấy mình thiệt thòi khác biệt so với những bạn cùng trang lứa.

Học đến lớp 9, gia đình quá khó khăn, Tuấn quyết định chấm dứt việc theo đuổi con chữ, từ bỏ ước mơ được học hết cấp 3 rồi thi vào một trường cao đẳng, đại học. Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Tuấn quyết tâm phải làm được điều gì đó, phải chọn con đường riêng cho bản thân. Anh luôn tâm niệm, bản thân phải làm chủ về mặt kinh tế mới có cơ hội thay đổi cuộc sống, mới giúp được nhiều người ở cái vùng quê nghèo khó này.

Tuấn chia sẻ bản thân anh bị khiếm khuyết đôi chân, nhưng đầu óc và đôi tay còn khỏe mạnh nên vẫn may mắn hơn rất nhiều người. Mới đầu, anh lân la tìm học đủ nghề để nuôi sống bản thân như: may vá, sửa xe, bưng bê… nghề nào Tuấn cũng thử nhưng cuối cùng duyên cũng đến “nghề chọn người”. Tuấn quyết định chọn học nghề điêu khắc gỗ ở Công ty Gỗ nghệ thuật Âu Lạc vào năm 2007.

Qua nhiều năm học nghề cộng với số vốn và kinh nghiệm tích góp được, Tuấn quyết tâm mở một cơ sở mộc riêng do bản thân làm chủ. Bước đầu thành lập cơ sở, Tuấn gặp khó khăn nhất định về vốn và thị trường đầu ra. Nhưng, Tuấn tự tin, nỗ lực không ngừng và sự ủng hộ hết mình từ gia đình, đặc biệt là người vợ trẻ nên bây giờ Cơ sở mộc mỹ nghệ Gò Nổi của Tuấn đã có chỗ đứng hẳn hoi trên thị trường. Những bức tượng gỗ, tranh trang trí… do anh làm ra được thị trường ngày càng ưa chuộng. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh khác như: Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa…

Tạo việc làm cho người cùng cảnh ngộ

Tâm sự với anh về nhiều điều nhưng có lẽ chúng tôi phục anh nhất bởi cái tâm hướng thiện và những suy nghĩ nhân văn rất “đời” của ông chủ trẻ. Giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm, Tuấn nghĩ ngay đến việc truyền nghề lại cho những người cùng cảnh ngộ, những thanh niên không có việc làm trong làng. Ai có đam mê với nghề gỗ mỹ nghệ muốn xin học việc đều được anh nhận và nhiệt tình chỉ dẫn.

Với những người đã thành thạo, anh giữ lại làm thợ chính của cơ sở với thu nhập bình quân từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng. Cơ sở gỗ mỹ nghệ Gò Nổi đã thành chỗ dựa cho những số phận kém may mắn ở địa phương, giúp họ cải thiện cuộc sống, mang về thu nhập ổn định. Cứ vài tháng, cơ sở của anh lại đón nhận thêm những thanh niên không có việc làm tìm đến học nghề.

Để có việc thường xuyên cho mọi người, Tuấn không ngại khó ngại khổ, với đôi chân đi lại khó khăn, anh đã lặn lội đi nhiều nơi giới thiệu sản phẩm, tìm ra nhiều mẫu mã mới để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Giờ đây, ước mơ lớn nhất của anh là được tiếp tục đầu tư thêm một số máy móc cần thiết, mở rộng quy mô sản xuất, bảo đảm sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận, tạo thêm việc làm ổn định cho nhiều người. Người đàn ông bất hạnh ấy tìm thấy cho mình một ý nghĩa sống, điều mà trước đây anh cứ nghĩ, cuộc sống đã chấm hết sau đôi chân tật nguyền.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày