Vượt qua cám dỗ, danh vọng

Không có trí tuệ mới bị cám dỗ
Không có trí tuệ mới bị cám dỗ

GN - Muốn vượt qua cám dỗ, hay vượt qua tất cả khó khăn, không gì hơn trí tuệ. Có trí tuệ thì có tất cả. Không có trí tuệ mới bị cám dỗ. Chủ yếu là danh, lợi và tình ái, ba thứ cám dỗ này con người dễ mắc phải và bị nó nhận sâu vào bùn nhơ tội lỗi.

Danh là giả danh, hư danh đưa người ta đến chỗ nguy hiểm. Ở Trung Hoa thời xưa có vua Nghiêu đi khắp nơi tìm người giỏi và tốt thực sự để giao việc quản lý Nhà nước. Cuối cùng, ông gặp được nhà hiền triết là Hứa Do rất thông minh và thực tốt. Ông mới mời ông này làm vua thay ông.

Ông Hứa Do nghe vậy, sợ quá chạy thật xa tới dòng sông mà vẫn còn nghe tiếng vua Nghiêu mời mình làm vua. Đương nhiên chạy xa, không nghe âm thanh, nhưng cái danh cám dỗ thì lúc nào cũng nghe vang lên trong tâm.

Ông Hứa Do đến con sông để rửa sạch lỗ tai, rửa sạch âm thanh nhơ bẩn đó. Một người tên là Sào Phủ đến hỏi ông làm gì vậy. Ông nói rằng vừa nghe vua Nghiêu mời làm vua, sợ bị cái danh cám dỗ,  nên đến đây rửa cho sạch cái âm thanh mời mọc của vua.

Sào Phủ nói rằng anh sợ bị danh cám dỗ, còn tôi không sợ bị danh cám dỗ, nhưng sợ con trâu của tôi uống nước sông, sẽ bị cám dỗ, nên không cho con trâu uống nước sông.

Tôi đọc câu chuyện này từ thuở nhỏ vẫn còn in trong đầu. Người xưa có đức tánh như vậy là Hiền nhân. Ngày nay, chúng ta nhận thức sai lầm rằng Hiền nhân là người ngu. Người minh triết là người giỏi, thông minh, tốt, không bị danh lợi cám dỗ, gọi là Hiền nhân quân tử.

Tại sao sợ danh cám dỗ. Có trí tuệ sẽ nhận ra hư danh, hay giả danh, vì mình không có khả năng thật, nhưng người ta tạo cho mình, dán cho mình cái nhãn hiệu là người tài giỏi. Điều này rất nguy hiểm, vì người ta đưa mình lên được, thì cũng hạ mình xuống được.

Tôi nhớ lúc ở Nhật mới về nước, có người nói với tôi rằng thầy hãy tự nhận mình là cậu Hai Thanh Sĩ của Hòa Hảo. Chúng tôi sẽ đưa thầy lên đỉnh cao nhất.

Tôi nói cậu Hai lớn hơn tôi, là bậc thầy của tôi, sao nhận được. Họ nói tôi cứ nhận đại, vì bề ngoài của tôi giống cậu Hai. Bề ngoài giống, nhưng phải suy nghĩ xem bề trong có phải như vậy hay không. Nếu mình ham danh, tự nhận như vậy, là giả mạo, thì chắc chắn gặp nguy hiểm chưa lường trước được.

Thực tế cuộc sống cho thấy nhiều người chết vì danh. Thực tài mới có danh. Không thực tài mà tự xưng là giả mạo. Truyện Tiếu ngạo giang hồ có kể về hai anh em giống hệt nhau. Người em có thực tài, nhưng không thích danh, chỉ luôn rèn luyện năng lực mình cho tốt, vì sợ sau này sẽ có người giỏi hơn mình. Người anh ham danh, thấy em mình nổi tiếng, mới mạo nhận.

Người em có một cái chảo to, không ai rinh nổi, nhưng người em chỉ cần cầm chảo ném một cái thì không ai đỡ được. Ông anh mới làm một cái chảo giả. Người nhát nhìn thấy thì sợ, nhưng gặp người có thực tài đánh thì ông anh thua liền.

Người có trí tuệ biết giả danh sẽ dẫn đến nguy hiểm, nên không bao giờ giả mạo. Vì vậy, hãy tập sống bằng người thực, việc thực, tập có khả năng thực, không chấp nhận vấn đề giả danh.

Nhưng từ chỗ người thực, việc thực, Phật dạy rằng trên đời này, tất cả mọi việc đều là hư ảo, đều là giả, không phải thực. Thực cũng là giả, huống chi là giả. Phật dạy dùng trí tuệ Bát-nhã sẽ thấy cuối cùng tất cả đều là giả.

Thật vậy, danh mình có hôm nay, ngày mai có thể thay đổi. Có trí tuệ, chúng ta nhận ra cái thực. Tất cả quyền lợi thế gian mà chúng ta nghĩ là thực, nhưng chính cái thực đó cũng là giả. Hôm nay người thấy mình có năng lực thực, làm lợi ích cho nhiều người, đó là người có thực tài được đại chúng tôn lên, nhưng cái thực này nếu quan sát kỹ, nó cũng là giả.

Vì cái gì thực thì phải tồn tại vĩnh viễn, không thay đổi, nhưng cái danh này thay đổi từng phút giây, nên gọi là hư danh. Trước khi tu, tôi đã ý thức được lý này, nên phát tâm xuất gia để có mạng sống vĩnh viễn thực. Vì đọc lịch sử, thấy biết bao người tài giỏi, đức hạnh, danh tiếng lẫy lừng, nhưng chết rồi, cái danh không thể tồn tại vĩnh viễn, là hư danh. Người tốt thực sự, tuy danh tốt còn để lại, nhưng nghĩ xem con người thực của họ không biết đi về đâu. Tôi khởi ý niệm xuất gia, vì nhận ra tất cả mọi việc trên cuộc đời này là hư ảo.

Chúng ta nhận cái danh do đại chúng tôn xưng, hãy xét mình có khả năng đáp ứng được hay không. Nếu không đáp ứng được, thì không giữ, mà phải buông xả, coi năng lực mình như thế nào. Năng lực ứng vô sức khỏe, mà sức khỏe có còn hay không. Già thì phải yếu và thông minh  phải giảm theo sức khỏe, như vậy, uy tín của mình đối với quần chúng còn hay không.

Phần lớn những người có trí tuệ, khi còn năng lực, họ hết lòng đóng góp theo tinh thần Bồ-tát đạo, giúp đời, cứu người, để tạo công đức; nhưng khi không còn khả năng, thì họ ngưng việc. Thật vậy, tất cả Bồ-tát được Phật giới thiệu cho chúng ta học theo, hầu hết họ ẩn, vì sợ danh, sợ người nghĩ họ giỏi, nhưng lại không làm được.

Các Bồ-tát xuất hiện ở nhân gian, hầu hết họ ẩn danh, nghĩa là giấu năng lực mình, không cho người biết và khi người biết năng lực thực của họ, họ không xuất hiện nữa.

Đọc chuyện danh tăng, tôi thấy có hai chuyện đặc biệt mà chúng ta cần suy nghĩ. Chuyện thứ nhất, vua Ba Tư Nặc phát nguyện cúng dường 100 vị Tăng, nhưng chỉ mời được 99 vị, còn thiếu một vị. Ông mới tìm xem có vị nào đưa vô cho đủ túc số. Liền đó, ông thấy có một vị Tăng ăn mặc rách rưới, ông suy nghĩ nếu thỉnh vị này ngồi vô chứng trai thì coi không được, nhưng ông cũng đành phải thỉnh vị này. Nhà vua liền bảo vị Tăng này núp vô bụi để ông lạy, đừng cho ai thấy và vua còn nói rằng tôi lạy, nhưng nhớ đừng nói với ai là tôi lạy ông.

Khi vua lạy xong, vị Tăng này từ trong bụi cây bước ra và hiện thân hảo tướng trang nghiêm, khiến vua phải khiếp sợ và vị này cũng nói với vua rằng nhớ đừng nói cho ai biết việc này! Nhờ đó, vua mới nhận ra rằng trên thế gian có bậc chân tu đắc đạo có thần biến.

Bồ-tát hành đạo thường ẩn danh, họ làm nhiều việc lợi lạc cho đời, nhưng che giấu tài năng, chỉ dùng trí tuệ quan sát xem việc cần làm để cứu người và làm xong, họ biến mất.

Câu chuyện thứ hai tương tự như vậy. Một vị vua Trung Hoa cũng theo truyền thống Phật giáo, thỉnh 100 vị Tăng, mới thỉnh được 99 vị , nhưng chỗ cao nhất còn trống, chưa ai dám ngồi. Bấy giờ, có một nhà sư lang thang vô chễm chệ ngồi chỗ cao nhất chứng trai.

Cúng dường xong, vua hỏi vị Tăng nổi tiếng là ngài Vĩnh Minh, Tổ của tông Tịnh Độ. Vua hỏi trẫm cúng dường chư Tăng, trong 100 vị này có vị nào là Thánh không. Chắc là ở đây chỉ có ngài là Thánh Tăng thôi. Ngài Vĩnh Minh nói không phải tôi, mà là vị Tăng có lỗ tai dài chấm vai, đó là phúc Tăng và đó chính là Bồ-tát Di Lặc, vị Phật tương lai.

Vua nghe vậy, liền sai người lên hang tìm vị Tăng này và nói rằng vua thỉnh ngài về làm Quốc sư. Nghe xong, ngài liền nhập định và viên tịch, trở về cung Trời Đâu Suất. Người tu giả mà nghe vua mời làm Quốc sư thì sung sướng lắm. Các vị tu hành thiệt ra họ sợ danh. Di Lặc nghe nói vua mời làm quốc sư, sợ quá, nhập định luôn!

Trên bước đường tu, đối với chúng ta, con đường về rất là quan trọng. Bồ-tát xuất hiện cứu nhân độ thế xong, họ lo đường về. Chúng ta tu, sợ quên hẳn đường về, sợ nhất danh, lợi, tình ái kéo mình, quên đường về. Dù sao đi nữa, cũng phải nhớ con đường mình chết rồi về đâu. Khi chưa biết chỗ đến của mình sau khi chết, thì còn phải lo.

Đương nhiên người xuất gia đặt mục tiêu cao là trở về thế giới Phật. Người ở Đâu Suất xuống thế gian làm đạo như Di Lặc, mà còn phải chuẩn bị tinh thần trở về. Phật tử chưa biết đường về, đương nhiên phải nỗ lực tu.

Tôi nhớ chuyện Thuận Trị hoàng đế sanh ở Mãn Châu, người Trung Hoa xưa kia coi họ là người man rợ. Nhưng ông vua này đánh dẹp cả Trung Hoa, lên làm vua Thái Tổ nhà Thanh. Ông ở vùng thiểu số dân tộc mà nổi dậy làm vua một nước, đương nhiên đi theo con đường chinh chiến này xong, lo cho mọi người sống thái bình, an lạc, mà quên mất mình. May mắn cho ông, gặp được Ngọc Lâm quốc sư, hai người nhìn nhau thân quen.

Ngọc Lâm bảo vua Thuận Trị rằng bệ hạ cũng từ Tây phương Cực lạc của Phật Di Đà xuống đây, vì có nguyện sanh lại nước Trung Hoa để trùng hưng Phật đạo. Bệ hạ nghĩ mình không làm vua, không nắm quyền lực, thì không phát triển Phật giáo được. Còn tôi thấy bệ hạ có ý lớn như vậy, sợ ngài quên mất đường về, nên tôi sanh lại làm sư, để giúp đỡ nhau, đưa về Cực lạc.

Nghe nói vậy, Thuận Trị nhớ lại mình đã ở Cực lạc sanh lại thế gian. Ông có làm bài phú để lại đời sau, có đoạn viết rằng ta từ Cực lạc thế giới sanh lại thế giới này, bị danh cám dỗ, trải qua suốt 17 năm chinh chiến, giết không biết bao nhiêu người. May nhờ Ngọc Lâm khai ngộ, ta phải tìm lại thế giới Cực lạc. Và vua đã vào ẩn tu ở Ngũ Đài sơn, nhờ Văn Thù Sư Lợi dìu dắt tu hành.

Để kẹt vào danh, chắc chắn khó thoát. Nếu chúng ta là Phật tử có trí tuệ, sợ giả danh, hư danh, nhưng thực danh cũng phải cân nhắc. Điển hình như Thuận Trị, nếu ông không làm vua, không phục hưng Phật giáo được, nhưng ở vị trí này dễ dàng dẫn ông vào con đường tội lỗi, quên đường về.

Xuất gia, hay tại gia, là đệ tử Phật, bước theo dấu chân Phật, không kẹt danh, lợi, tình ái, sẵn sàng xả bỏ tất cả, để trở về chân tâm, bổn độ. Người còn kẹt danh, nên phản tỉnh, tìm về con đường chân thật. Cầu nguyện tất cả đệ tử Phật đều tiến tu giải thoát, trở về thế giới vĩnh hằng bất tử, theo sở nguyện của mình. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày