GNO - Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức nhìn nhận “rối loạn chơi game” là một bất ổn tinh thần - bổ sung bất ổn tinh thần này vào tài liệu Bệnh theo phân loại Toàn cầu hay ICD-11, hướng dẫn chẩn đoán chính thức của tổ chức này - thông tin từ CBS News.
Thông thường, trong suy nghĩ và nhận định của nhiều người chúng ta, chơi game nhiều không phải là một bất ổn tinh thần mà chỉ ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của cá nhân đó.
“Rối loạn chơi game” là một bất ổn tinh thần
Theo WHO, rối loạn chơi game là “cấu trúc hành vi chơi game ‘bền vững’ hay lặp đi lặp lại”; người bị rối loạn chơi game mất kiểm soát về hành vi chơi game của mình, dành ưu tiên đặc biệt cho việc chơi game so với các sở thích và thói quen khác và vẫn tiếp tục chơi game dù đã có các hậu quả xấu từ hành vi này như sự giảm sút trong quan hệ gia đình, đời sống xã hội, trách nhiệm với công việc,…
Và người có những dấu hiệu kể trên xuất hiện trong thời gian một năm sẽ được kết luận là bất ổn tinh thần, WHO khẳng định.
Nghiện chơi game là chủ đề gây tranh cãi nhiều. Hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) không bao gồm nghiện game trong Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê Bất ổn tinh thần (DSM-5) của tổ chức này trong phiên bản phát hành năm 2013. Vào thời điểm này, APA cho biết chưa có đủ bằng chứng để xác định liệu chơi game có phải là bất ổn sức khỏe tinh thần hay không nhưng khuyến nghị nghiên cứu thêm.
Ngành video game cũng phản đối lại sự phân loại này. Trong một phát biểu cuối tháng 5 qua, Hiệp hội Phần mềm Giải trí Hoa Kỳ và các công ty trong ngành khác yêu cầu WHO thay đổi quyết định của mình, cho rằng “rối loạn chơi game” không được dựa trên đầy đủ bằng chứng mạnh mẽ để có thể kết luận.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia y tế vẫn ủng hộ sự phân loại này. Chuyên gia sức khỏe tâm thần của WHO - Shekhar Saxena nhấn mạnh rằng, chỉ số ít người nghiện chơi game sẽ có thể phát triển thành bất ổn tinh thần, theo Reuters.
Đức Hòa
(theo Live Science)