Xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc ngay trong cuộc đời này

Ô.Vương Văn Việt Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa
Ô.Vương Văn Việt Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa là tỉnh có bề dày truyền thống cách  mạng và văn hóa, là  một vùng “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh ra nhiều vị anh hùng kiệt xuất, là mảnh đất của nền văn minh Đông Sơn. Thanh Hóa còn là nơi được thiên nhiên ưu đãi về biển, rừng, sông ngòi và nhiều hang động kỳ thú để người xưa làm nơi dựng chùa chiền, đền thờ miếu mạo… thu hút các hoạt động văn hóa tâm linh phong phú đa dạng. Đạo Phật đã du nhập vào nước ta gần 2.000 năm, vào Thanh Hóa chúng ta trên 1.000  năm. Tín ngưỡng và đạo đức Phật giáo đã trở thành một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và tâm linh của đại đa số nhân dân; đã ăn sâu, bén rễ trong đời sống văn hóa và tâm linh của nhân dân Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung, với câu phương ngôn “Đất vua- Chùa làng- Phong cảnh Bụt” đã nói lên điều đó. Hiện nay, theo thống kê và nhận định của Ban Tôn giáo Chính phủ có trên 80% dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi đạo đức và văn hóa Phật giáo.

Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa đã tích cực hưởng ứng và tham gia nhiều phong trào như: Phong trào xây dựng “Chùa cảnh tinh tiến”; Phong trào “Gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; Phong trào “Xóa nhà tranh tre nứa lá”; Xây dựng “Đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Sống tốt đời, đẹp đạo”; “Xóa đói giảm nghèo”; “Khuyến học”; Cuộc vận động “Toàn dân tham gia phong trào phòng ngừa, tố giác tội phạm, quản lý, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại gia đình và khu dân cư” và các hoạt động từ thiện, nhân đạo… Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã vận động các chùa, Tăng Ni, Phật tử, những tấm lòng hảo tâm trên toàn tỉnh, toàn quốc quyên góp khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt mỗi đợt được vài trăm triệu đến trên 1 tỷ đồng và nhiều đồ dùng, lương thực, thực phẩm, thuốc men giúp đỡ đồng bào. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, dịp Đại lễ Phật đản, Ngày Thương binh Liệt sĩ… đã thường xuyên tổ chức thăm viếng và làm lễ cầu siêu tại các nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các đối tượng chính sách: thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

… Những thành tích mà Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà đạt được trong những năm qua là rất đáng trân trọng. Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần “Từ, bi, hỷ, xả”, “Vô ngã vị tha”, bằng những hành động thiết thực góp phần vào việc xây dựng “Đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Sống tốt đời đẹp đạo”. Đồng thời, các Tăng Ni cần nỗ lực phấn đấu, nêu tấm gương sáng để cảm hóa, hướng dẫn tín đồ sống theo Chánh pháp, góp phần xây dựng thế giới an lạc, hạnh phúc ngay cuộc đời  này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày