Xây dựng & phát triển bền vững Phật giáo vùng cao - hải đảo

GN - Thuộc miền duyên hải Nam Trung Bộ, Khánh Hòa là một địa phương có lịch sử Phật giáo lâu đời. Khánh Hòa có 420 cơ sở tự viện với 1.486 Tăng Ni. Số lượng tín đồ, Phật tử chiếm gần 2/3 dân số của tỉnh.

Từng là cái nôi đào tạo Tăng tài cho Phật giáo miền Nam - Phật học viện Hải Đức - nên Phật giáo Khánh Hòa có một bề dày lịch sử cũng như sự kế thừa liên tục những thành quả của chư tôn đức đặt nền móng.

unnamed.jpg


Lễ Phật đản đầu tiên (PL.2561) tại chùa Phật giáo Khánh Sơn - Ảnh: Tâm Như

Phát triển trên thành quả kế thừa

Sau khi GHPGVN được thành lập năm 1981, Phật giáo tỉnh Phú Khánh (sự hợp nhất hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) cũng được thành lập. Đến năm 1989, cùng với các tỉnh đã sáp nhập tiến hành chia tách, tỉnh Phú Khánh được chia tách lại đơn vị hành chính như cũ; Phật giáo Khánh Hòa theo đó cũng được chia tách. Từ đó đến nay, Phật giáo Khánh Hòa đã trải qua 5 kỳ đại hội. Nhiệm kỳ V đã vạch ra những hoạt động Phật sự cụ thể, đến nay đã hoàn thành hầu hết trên các lĩnh vực của các ban ngành.

Là tỉnh có số lượng tự viện và Tăng Ni lớn nên nhu cầu xuất gia tu học cũng theo đó phát triển về số lượng. Nhiệm kỳ vừa qua, để đáp ứng mong cầu thọ lãnh giới pháp tu học, Giáo hội tỉnh đã cùng với Ban Tăng sự khai lập 2 Đại giới đàn và 1 Tiểu giới đàn truyền thọ giới pháp cho Tăng Ni. Đây là một Phật sự lớn, bởi đó không chỉ là việc hành đạo đối với Tăng Ni nhằm trang nghiêm ngôi Tam bảo mà còn là sự duy trì phát triển của Giáo hội trên nền tảng Giới luật. Đại giới đàn Quảng Đức năm 2013 có gần 1.300 giới tử, trong đó có 370 giới tử xuất gia xin thọ các giới pháp. Đại giới đàn Quảng Đức năm 2016 có 218 giới tử xuất gia.

Với truyền thống an cư trong mỗi mùa hạ, Phật giáo tỉnh đã giữ lề lối an cư tại chỗ ở các tự viện. Tuy nhiên, việc kết thông cả một vùng như toàn thành phố Nha Trang, toàn thành phố Cam Ranh hay bao gồm cả huyện được thực hiện trên nguyên tắc “đồng nhất thuyết giới, biệt lợi dưỡng”. Chư Tăng Ni đã thực hiện nghiêm túc cấm túc an cư và mỗi nửa tháng tập trung bố-tát tụng giới tại một trú xứ quy định chung là cơ sở Giáo hội.

Về giáo dục, nhiệm kỳ qua Ban Giáo dục Tăng Ni (GDTN) và Trường TCPH Khánh Hòa hoàn thành đào tạo xong khóa VI - VII (khóa VI tốt nghiệp 78 Tăng và 43 Ni, khóa VII tốt nghiệp 45 Tăng và 31 Ni), đồng thời tuyển sinh khóa VIII (85 Tăng, 42 Ni). Các khóa đào tạo tại đây đều được nội trú cho Tăng. Riêng cơ sở Ni được Ban GDTN tỉnh tiến hành cho xây dựng Phân hiệu Ni để nội trú và giảng dạy tại cơ sở mới. Cơ sở này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016, nhằm đáp ứng nhu cầu tu và học của chư Ni. Như vậy đến nay Ban GDTN đã đạt được mục tiêu là cả Tăng Ni đều phải nội trú khi học tại trường. Hiện tại, trường đã được UBND tỉnh cấp cho gần 5ha đất tôn giáo để xây dựng cơ sở mới gồm: Phật điện, khu học đường, thư viện, khu nội trú v.v... Sau khi hoàn thành sẽ là trung tâm văn hóa - giáo dục Phật giáo. Năm 2015, kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển của Trường TCPH Khánh Hòa, BGH trường đã tổ chức hoạt động mang tính về nguồn cho Tăng Ni sinh đã qua các khóa học. Một cuộc hội thảo về giáo dục đã được Ban GDTN tỉnh tổ chức trong dịp này nhằm đúc kết lại những thành quả hoạt động của trường trong 25 năm qua. Điều đó không chỉ đúc kết những công việc trong sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài cho Giáo hội mà còn rút kinh nghiệm thực tiễn để có hướng đi bền vững, thực tế cho trường trong tương lai; nhất là trong phương cách giáo dục Phật giáo hiện nay, những khó khăn và thử thách của thời đại xã hội đối với giáo dục Phật giáo.

Năm 2013, để tưởng nhớ đến chư tôn đức và Phật tử đã vì đạo pháp mà thiêu thân, cũng như đấu tranh cho sự tồn tại của Phật giáo năm 1963, Giáo hội tỉnh phối hợp với Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN đã tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 50 năm Pháp nạn với nhiều hoạt động sâu sắc. Hình ảnh bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức và chư Thánh tử đạo đã một lần nữa sống dậy trong trái tim người Phật tử Khánh Hòa - nơi quê hương của Bồ-tát. Trước đó, một hoạt động văn hóa cũng đã được BTS tỉnh kết hợp với Ban Văn hóa T.Ư tổ chức Tuần lễ Văn hóa Phật giáo, thu hút rất nhiều Phật tử, nhân dân đến tham dự, tham quan trong các chương trình triển lãm, hội thảo, chiếu phim, thuyết trình…

Trong xu thế chung của Phật giáo là phát  triển các đạo tràng tu học tại các tự viện, Phật giáo Khánh Hòa cũng cùng chung nhịp phát triển đó. Có trên 150 đạo tràng tu học Bát quan trai, đạo tràng Pháp Hoa, đạo tràng Niệm Phật… đều quy tụ rất nhiều Phật tử tham gia. Con số luôn ổn định từ 50 - 500 người, tùy theo mỗi tự viện lớn nhỏ. Những nhóm tu học của các bạn trẻ cũng được chư tôn đức quan tâm tạo điều kiện để phát triển, bồi dưỡng nhằm tạo lực lượng kế thừa trong tương lai. Có gần 500 bạn trẻ tham gia vào nhóm Thanh thiếu niên - sinh viên Phật tử, sinh hoạt đều đặn dưới sự hướng dẫn của người đứng đầu ngành Hướng dẫn Phật tử tỉnh nhà. Vừa qua, nhóm cũng đã diễu hành chào mừng lễ Phật đản bằng hình thức xe đạp trang hoàng cờ đèn đi khắp thành phố Nha Trang, tạo ra một nét văn hóa Phật giáo mới cho thành phố du lịch này. Ngoài ra, các bạn trẻ còn tham gia các hoạt động thiện nguyện trong Đại lễ Vu lan, Tết cổ truyền…

Hoạt động từ thiện trong nhiệm kỳ qua cũng đã đạt được thành tựu đáng kể. Với con số hơn 60 tỷ đồng tiền mặt và rất nhiều phần quà đã được Ban TTXH thực hiện trong những năm qua.

Xây dựng và ổn định cơ sở Phật giáo ở vùng biên tuyến

Phát triển cơ sở Phật giáo vùng sâu vùng xa luôn là Phật sự trọng tâm mà chư tôn đức tiền bối đã lưu tâm. Với sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền, 6 chùa trên 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa thuộc huyện Trường Sa của Việt Nam đã được xây dựng. Đây là một sự xác định không chỉ về mặt chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là chỉ dấu của sự phát triển Phật giáo không chỉ dừng lại ở các đảo gần đất liền, mà còn vươn xa đến các mảnh đất xa nhất của Tổ quốc. Với đặc trưng riêng của cơ sở tự viện nơi hảo đảo xa xôi, hoạt động bổ nhiệm trụ trì các ngôi chùa Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và Phan Vinh đều mang tính định kỳ. Các vị Tăng phát nguyện ra nơi đây hành đạo trong thời gian bổ nhiệm một năm. Đây là công việc không chỉ mang tính trách nhiệm của Tăng sĩ phụng sự cho lý tưởng truyền bá đạo pháp cho cư dân, ngư dân, gia đình các gia binh, mà còn là sự dấn thân đến những vùng biên địa.

Từ ngày thành lập Phật giáo tỉnh, Khánh Hòa có hai huyện vùng núi là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh chưa được thành lập cơ sở Phật giáo, dù nơi đó có đông đảo Phật tử. Ý nguyện thành lập cơ sở tín ngưỡng đã được chư tôn đức lãnh đạo GH tỉnh ấp ủ và mong muốn thành lập từ lâu. Tuy nhiên đã có những khó khăn nhất định. Đến nhiệm kỳ này, HT.Thích Minh Thông - Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh đã cùng chư tôn đức xúc tiến làm việc với chính quyền các cấp để thực hiện cơ sở Phật giáo của vùng đất còn lại. Các thủ tục xin cấp đất đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện. Đến nay, hai cơ sở là chùa Phật giáo Khánh Sơn tại huyện Khánh Sơn và chùa Phật giáo Khánh Vĩnh tại huyện Khánh Vĩnh đã được xây dựng.  Vừa qua, Giáo hội tỉnh đã làm lễ khánh thành ngôi chánh điện chùa Phật giáo Khánh Sơn. Đây là ngôi chùa đầu tiên của nơi này, với diện tích đất sử dụng hơn 4ha, thuộc vùng đất sâu xa nhất và chưa từng có cơ sở Phật giáo nào, cũng như chưa có Tăng Ni đến hành đạo. Việc xây dựng và đưa vào hoạt động một cơ sở mới và đầu tiên đã tạo ra luồng sinh khí mới cho vùng đất này. Bên cạnh đó, chùa Phật giáo Khánh Vĩnh cũng đang được xây dựng trên diện tích 3ha, hiện trong quá trình hoàn thiện và sẽ khánh thành, đưa vào phục vụ đồng bào Phật tử sau lễ Vu lan. Tuy Khánh Vĩnh đã có một số chùa mới thành lập, nhưng đều nhỏ lẻ. BTS đã thống nhất tiến hành xin cấp đất để xây dựng một cơ sở chung, là giáo sản của Giáo hội.

Nhìn chung, phát triển các cơ sở vùng sâu vùng xa luôn có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với quyết tâm lấp đầy những vùng trắng Phật giáo còn lại của tỉnh đã giúp chư tôn đức hoàn thành Phật sự quan trọng này. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu tu học, tín ngưỡng của Phật tử, người dân mà còn là trách nhiệm kế thừa mong muốn ấp ủ thực hiện của các vị lãnh đạo Giáo hội tiền bối. Phật sự này hoàn thành tâm nguyện và hứa hẹn một sự phát triển Phật giáo nơi vùng sâu vùng xa, hòa cùng với những địa phương khác trong toàn tỉnh.

HT Thich Minh Thong image.jpeg

Pháp Đăng

.......................

* Sáng nay, 5-6, Đại hội PG tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra phiên chính thức, Giác Ngộ online sẽ tường thuật kết quả đến bạn đọc trong bản tin chiều nay. Kính mời bạn đọc đón theo dõi!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày