Xây dựng thương hiệu mai vàng Yên Tử

GN - Mai vàng Yên Tử là loài cây quý hiếm có giá trị về kinh tế cũng như đời sống tâm linh. Việc nhân giống thành công mai vàng Yên Tử giúp chủ động tạo được một nguồn hoa đẹp với số lượng lớn, đưa loài cây này sớm trở thành sản phẩm thương mại làm giàu cho người dân Uông Bí.

Giống hoa quý của Yên Tử

Đến Yên Tử năm nay, du khách vô cùng thích thú khi được chiêm ngưỡng những cây mai vàng nở hoa rực rỡ tại Hội hoa xuân Yên Tử. Đây là thành quả của Dự án nhân giống mai vàng Yên Tử do các nhà khoa học nông nghiệp, chính quyền và một số doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh thực hiện.

CGy mai canh ch·a Hoa YOn.jpg


Mai vàng Yên Tử

Trước đây, hầu hết người dân miền Bắc đều cho rằng cây mai vàng không thể hiện diện ở Bắc Bộ từ thời xa xưa, vì loài cây này xuất xứ phương Nam. Việc miền Bắc chơi đào, miền Nam chơi mai trong dịp Tết được giải thích là sau khi mở rộng bờ cõi về phương Nam vốn có khí hậu nóng hơn không thích hợp với việc trồng đào, mỗi khi Tết đến, những người đi mở đất nhớ đến cành đào ngoài Bắc nhưng không thể có được đã chọn mai (một cây hoa rất phổ biến ở trong Nam, đẹp, nhiều hoa lại nở đúng mùa Tết) để thay thế.

Thế nhưng trong những năm gần đây, khi rừng Đại lão mai vàng ở Yên Tử được phát hiện và công bố khiến quan niệm về vấn đề này đã thay đổi.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu Rau quả và Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, giống mai vàng này đã có cách đây khoảng 800 năm, được phân bố rải rác khắp vùng rừng Yên Tử, nhưng tập trung ở 3 khu chính; đó là: Khe núi dọc từ chùa Hoa Yên xuống, khu rừng thuộc phường Vàng Danh (TX.Uông Bí) và khu rừng thuộc dãy núi xã Tràng Lương, Bình Khê (Đông Triều).

Tại đây, người ta có thể bắt gặp những cây mai cao đến 15 mét, đường kính thân 60-70cm và có rất nhiều cành. Đối chiếu với một số  tư liệu lịch sử, thấy ghi chép, vào khoảng những năm 1285-1288, sau khi vua Trần Nhân Tông dẹp xong giặc phương Bắc đã truyền ngôi vua cho con trai và lên núi Yên Tử tu hành. Tại đây, ông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và phát động các tín đồ Phật tử trồng cây mai vàng. Sau nhiều năm được bàn tay các tín đồ Phật tử chăm sóc và sự ưu ái của thiên nhiên, từ những cây mai nhỏ bé đã thành các khu rừng mai rộng lớn.

TS.Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết, Viện đã thu thập tất cả các giống mai có ở Việt Nam, gồm cả các cây mai vàng dại... đem về để so sánh. Sau khi phân tích đặc điểm hình thái, phân tích gene, kết quả cho thấy có sự giống nhau tới 70% giữa cây mai vàng Yên Tử và mai vàng miền Nam.

Kết luận: mai vàng Yên Tử và mai vàng miền Nam thuộc cùng một loài. Song, mai vàng Yên Tử lại sống trong nền khí hậu điều kiện thời tiết á nhiệt đới của miền Bắc nên cây mai đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái, hoa nở theo chùm, và một cây có rất nhiều chùm. Những cây mai vàng cổ thụ mọc trên núi Yên Tử hoa có 5 cánh, lộc màu xanh, cánh hoa có màu vàng tươi rất sáng và có mùi thơm nhẹ đặc trưng rất dễ chịu, kích thước hoa không lớn, đường kính khoảng 2-3cm. Quả mai vàng Yên Tử bao gồm 7-10 quả đơn, được sắp xếp thành một vòng tròn trên đế quả. Quả khi chưa chín có màu xanh, khi chín có màu đen, vỏ quả bóng, căng và mọng.

Tuổi thọ của các loại mai này có thể sống được hàng trăm năm tuổi, sinh trưởng mạnh, lại ít sâu bệnh.

Mai vàng Yên Tử được các giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đánh giá là một nguồn gene quý. Có lẽ chính bởi vẻ đẹp đặc biệt, nên cây mai vàng Yên Tử được nhiều người tìm về chưng, chơi thẩm mỹ hoặc đáp ứng nhu cầu tâm linh, phong thủy, dẫn đến tình trạng mặc dù được quản lý chặt chẽ song vẫn không tránh khỏi việc người dân lén lút khai thác mai vàng trong rừng núi Yên Tử, khiến loài cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bởi vậy, chúng cần được bảo vệ và nhân giống.

Điều khiển ra hoa đúng Tết

Những năm qua, triển khai Đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn lưu giữ và phát triển giống hoa mai vàng Yên Tử”, Viện Nghiên cứu Rau quả đã trồng được hàng chục nghìn cây giống. TS.Đặng Văn Đông cho hay, tiến hành nhiều phương pháp nhân giống, cho thấy kết quả tốt nhất là khi ghép cây mai vàng Yên Tử trên gốc mai vàng miền Nam, cho tỷ lệ bật mầm sau 3 tháng đạt trên 95%, tỷ lệ cây ghép sống đạt 85%. Phương pháp nhân giống trên đã cho ra đời những cây mai vàng sinh trưởng khỏe, nhanh ra hoa và hoa có mùi thơm.

Hàng loạt các nghiên cứu đã được thực hiện từ bẻ cành, tuốt lá, bón phân sao cho hoa nở đúng như mong muốn. Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc. Điều đáng ghi nhận là nghiên cứu rất thành công trong kỹ thuật điều khiển hoa mai vàng Yên Tử nở đúng dịp Tết Nguyên đán.

Quy trình kỹ thuật tối ưu đã được thiết lập: xốc khô vào ngày 15-9 âm lịch; phun chất kích thích N-Spray-Grow từ khi xốc khô đến trước vặt lá 7 ngày (phun 10 ngày/lần); cắt bỏ toàn bộ lá trước Tết Nguyên đán 55 ngày. Nếu nụ hoa nhú nhỏ bằng hạt gạo nên trẩy lá sớm vào ngày 12 tới 13-11, nếu nụ lớn bằng hạt đậu xanh thì trẩy lá vào 20-11, nếu nụ khá to và có khả năng bung vỏ lụa thì trẩy lá vào ngày 25 tháng Chạp.

Từ khi bung vỏ lụa đến ngày chùm hoa bên trong bắt đầu nở mất khoảng 1 tuần. Vì vậy, vào ngày cúng Ông Táo mà cây mai vàng có nhiều nụ bung vỏ lụa thì sẽ nở vào đúng dịp Tết. Hoa mai vàng Yên Tử rất bền, có thể tươi, đẹp đến 1 tuần và cây hoàn toàn hết hoa trong vòng 2 tháng.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Ninh nghiệm thu và đánh giá đạt loại xuất sắc. Việc nhân giống thành công mai vàng Yên Tử giúp chủ động tạo được một nguồn hoa đẹp với số lượng lớn và duy trì được nguồn giống quý hiếm này.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Công ty Cổ phần Tùng Lâm đã vào cuộc một cách chủ động, tích cực, đã đầu tư mua sắm thiết bị tối ưu, cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc trồng, cấy ghép, chăm sóc cây mai. Đến thời điểm này, Công ty Tùng Lâm đã có 1.000 cây mai vàng đầu dòng bố mẹ 55 tuổi; hàng nghìn cây con lai ghép từ 3-5 tuổi. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển cây mai Yên Tử, biến giống cây này thành hàng hóa.

IMG_3991.JPG


Mai vàng Yên Tử đã được nhân giống để bán

Những năm gần đây trên địa bàn TP.Uông Bí, nhất là khu vực lân cận vùng núi Yên Tử như Thượng Yên Công, Vàng Danh, Bắc Sơn... có một số hộ dân sưu tầm, trồng, chăm sóc cây mai Yên Tử, có hộ hiện đang có tới vài trăm đến ngàn cây. Tuy vậy, do chưa nắm rõ kỹ thuật ươm, trồng, cấy ghép, chăm sóc cũng như không có phương tiện hỗ trợ nên cây mai vàng Yên Tử trồng trong vườn thường đơn điệu, chưa khắc phục được đặc tính nở hoa muộn.

Ông Ngô Minh Tuấn, Phó phòng Kinh tế, TP.Uông Bí nhận định, “So với các loại mai khác, mai vàng Yên Tử có sức sống mạnh hơn nhiều, đặc biệt là có sức chịu lạnh tốt. Tuy nhiên, nếu để nở hoa đúng thời điểm mong muốn thì cây vẫn cần phải có điều kiện nhiệt độ thuận lợi. Bởi vậy nếu được trồng, chăm sóc trong nhà lưới hoặc nhà kính ấm áp, hoặc một cách nào đó đảm bảo nhiệt độ phù hợp cho cây thì cây mai vàng Yên Tử nở hoa rất rực rỡ.

Ngoài ra thì khi đưa cây mai vàng Yên Tử ra thị trường cũng cần phải được tạo dáng, tạo thế cho cây. Như vậy cây mai vàng Yên Tử mới thực sự trở thành thứ cây chơi Tết đẹp và có giá trị”.

Cách đây một năm, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3463/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00040 cho sản phẩm hoa mai vàng Yên Tử, UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Hiện nay cây mai vàng Yên Tử đang được TP.Uông Bí thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân nhân giống để kinh doanh hàng hóa, quảng bá rộng rãi, phục vụ nhu cầu chơi hoa xuân của người dân miền Bắc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày