Xê dịch trong mùa xuân

Mùa xuân đi đâu đó đi? Một lời mời từ những ngày cuối năm của nhiều người trẻ. Và có những chuyến đi trong những ngày đầu năm và tháng Giêng, tháng Hai được lựa chọn là những điểm đến tâm linh thú vị…

1.

Bạn đã từng đi tới những nơi như núi Chúa (Đà Nẵng), Yên Tử (Bắc Ninh) hoặc ra khu du lịch Vinpeal (Nha Trang, Khánh Hoà) để đi chùa? Nếu chưa thì hãy đi đi, đi để thấy rằng nơi nào có con người sinh sống thì nơi ấy mạng mạch tâm linh lại được nối dài như một nhu cầu không thể thiếu. Những tượng Phật to, những ngôi chùa lớn được xây dựng từ cái tâm con người, bên cạnh việc phục vụ du lịch thì nó còn là chốn để ngưỡng vọng, để tâm hồn con người được lắng lại.

wwtg.jpg

Tháng Giêng là mùa xê dịch - Ảnh: Internet

Lên núi ngủ chùa, nghe có vẻ sến đấy nhưng nếu được ngủ lại ở chùa Linh Ứng trên Bà Nà hoặc ở bãi Bụt thì có lẽ là một ước mơ lớn. Giữa cao sơn lộng gió, hoặc giữa biển khơi trùng dương sóng vỗ mà có hình tượng đức Bồ tát Quán Thế Âm cao ngất toạ lạc hướng về phía biển dễ làm cho người ta liên tưởng đến hạnh nguyện cứu khổ của Ngài. Tháng Hai âm lịch hằng năm có ngày Vía Mẹ Quan Âm (19-2) nên việc chiêm ngưỡng tôn tượng Ngài trong những chuyến xê dịch được người trẻ chú tâm, dù có đạo hay không có đạo. Hình tượng và hạnh nguyện lắng nghe, cứu khổ của Đức Quan Thế Âm đã trở nên gần gũi vô bờ, nhất là khi lên núi hay ra đảo cũng đều gặp tôn tượng của Mẹ đứng uy nghi, vững chãi cùng tuế nguyệt. Nếu không có những chuyến đi thì bạn khó có cơ hội để nhìn, nghe và trải nghiệm như vậy!

2.

Xê dịch trong mùa xuân bởi tháng Giêng vốn là “tháng ăn chơi” – theo quan niệm nông nhàn ngày xưa, nhưng nó cũng là tâm lý của những người Việt Nam (được đánh giá là lạc quan về tương lai). Lối sống hài hoà, cùng với việc thấm nhuần giáo lý Nhân Quả, ứng xử “tuỳ duyên” của đạo Phật vẫn luôn len lỏi trong người Việt, dù ở thế hệ nào. Chính vì thế, những cuộc thiên di trong mùa xuân luôn là những cuộc tìm về cội nguồn, đến với những địa chỉ văn hoá, mang bản sắc tâm linh Phật giáo. Hơn nữa, nhiều người cũng quan niệm rằng, năm mới là thời điểm khởi đầu cho một năm với 365 ngày dài đằng đẳng, nhiều biến cố. Chính vì thế mà hành hương thập tự hoặc trở về với chốn thiêng Phật giáo, nơi đình chùa ở núi non cũng là một cách cầu an cho chính mình.

Có những người trẻ đi với tâm niệm đến để trải lòng và có mang một chút tâm niệm “cầu xin” bởi họ chưa hiểu hết về Phật cũng như giáo lý của Ngài. Nhưng không hiếm những người đã hiểu đạo và họ biết về những chuyến đi đến những địa điểm du lịch tâm linh chính là một lần tưới tẩm trong tâm thức hạt giống thiện lành, tưới tẩm nhân gần Phật, sống chậm, tĩnh lặng mà nhiều khi vì cuộc sống bận rộn, quá nhiều lao chen nên họ quên mất. Thiên di đến chốn chùa chiền, tìm về cội nguồn tâm linh trong mùa xuân là một sự trở về, một lần làm mới trước khi khởi đầu cho một năm, và lẽ dĩ nhiên, nó phải được thực hiện trong mùa xuân!

Chậm - ảnh: L.Đ.L.

Định cho mình một chuyến hành hương là mình vừa mua một vé để quay về với cõi tĩnh lặng mà nói như những vị thầy thì đó là khi bạn chọn cho mình phong cách sống chậm.

Một khi những giá trị vật chất được nâng lên đến mức đi đâu, làm gì người ta cũng hỏi đến lợi nhuận kinh tế thì việc sống tĩnh lặng bằng những chuyến du lịch tâm linh sẽ là một “đầu tư” mới. “Lời lãi” của những chuyến đi ấy không chỉ là việc chúng ta biết thêm một nơi đến mà còn là việc mình vừa “lột xác”, thay một chiếc áo mới hay là vừa tắm gội sạch sẽ những bụi đời trần thế, để thêm một lần nữa tự hỏi: “Sao có những người hay thế không biết, họ phát nguyện xây chùa trên núi, ngoài đảo để mang ánh sáng bi-trí đến với tha nhân. Hạnh nguyện ấy là một hạnh nguyện cao đẹp, đáng ngưỡng mộ”.

Còn với tôi, thì những cuộc xê dịch mùa xuân luôn là dịp để trải nghiệm tâm linh…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày