Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông điệp về bảo vệ môi trường

Những ngày đầu tháng 4, chùa An Trú (xã Triệu Tài, H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) tràn ngập tiếng cười, không khí vui như vào mùa trẩy hội. Không ai bảo ai, người dân, Phật tử cùng nhau về chùa để dựng lên tháp tre chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản sắp tới. Cái nắng nóng 40 độ như thiêu đốt của mảnh đất miền Trung nhưng không ngăn được tinh thần phụng sự của những người con Phật thuần thành nơi đây.

Ai cũng tất bật với công việc của mình, người trẻ, khỏe thì lo việc chẻ tre, phụ khuân vác, lắp ghép họa tiết trang trí. Các mệ, các dì thì lo bữa ăn, bát nước chè tươi, ly nước đá giải khát, ai cũng hăng say làm với mong muốn đóng góp một chút sức mình cho công trình sớm được hoàn thành.

Phật tử hăng say làm việc dưới cái nắng mùa hè 40 độ
Phật tử hăng say làm việc dưới cái nắng mùa hè 40 độ

Công việc này đã được lên kế hoạch từ cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai và bắt tay vào thực hiện với nhiều công đoạn, từ việc tính toán lên kịch bản, bản vẽ, phương án đặt tre ở ngoài Bắc, rồi tận dụng tre ở địa phương để làm kỳ đài. Sau gần 2 tháng thi công, mô hình kỳ đài bằng tre mô phỏng cổng tam quan, tháp Bồ-đề đạo tràng đã được dựng lên. Nhà trưng bày triển lãm bằng tre cũng đang được gấp rút lắp ráp để kịp cho mùa Phật đản.

Được biết, ban đầu Ban Trị sự Phật giáo H.Triệu Phong dự tính Phật đản năm nay không làm mô hình bằng tre này. Tuy nhiên, các gia đình Phật tử tại huyện thì mong muốn duy trì “kỳ đài” theo từng năm, không để bị gián đoạn. Vì vậy, Tăng Ni, Phật tử nơi đây quyết định vẫn tiếp tục dựng nên mô hình đã trở thành đặc trưng của huyện để cúng dường Đức Phật nhân ngày đản sinh của Ngài.

Theo chia sẻ của Đại đức Thích Nguyên Mãn, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 của Phật giáo H.Triệu Phong thì ý tưởng của mô hình này xuất phát từ hình ảnh cây tre của làng quê Việt Nam. Hình ảnh này từ lâu đã gắn bó mật thiết với đời sống cũng như tâm hồn của người dân quê, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của mỗi cá thể trong ngôi nhà chung của dân tộc và trở thành biểu tượng “hồn tre Việt” trong tâm thức của mỗi người.

Ngoài ra, việc thiết kế cũng đơn giản, dễ làm và không đòi hỏi kỹ thuật cao như các mô hình khác. Cây tre cũng là vật liệu có chi phí rẻ và có thể tìm thấy dễ dàng trong mỗi ngôi làng, trong từng gia đình. Nhờ vậy mà ai cũng có cơ hội tham gia đóng góp sức mình để dâng lên cúng dường Đức Phật.

Gấp rút hoàn thành cổng tam quan và tháp
Gấp rút hoàn thành cổng tam quan và tháp

Mô hình được làm hoàn toàn từ tre này thực sự thu hút đông đảo sự quan tâm của Tăng Ni, Phật tử trong huyện cũng như các nơi. Đại đức Nguyên Mãn chia sẻ thêm, nhiều thầy cô liên lạc và hỏi rằng mô hình này có phải bằng tre hay không vì họ không tin vật liệu đơn giản có thể làm nên một ngôi tháp cao hơn 40m như vậy. Tuy nhiên, bằng tài nghệ của những “nghệ nhân chân đất làng quê" thì những cây tre đã thực sự hóa thành một kỳ đài hoành tráng, với sự tỉ mỉ trong từng đường nét, chi tiết.

Chính những điều đó đã góp phần lan tỏa đi thông điệp về các giá trị của nghề thủ công truyền thống mang lại trong đời sống hiện tại. Đồng thời truyền cảm hứng đến người dân trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng, không gây ô nhiễm và hạn chế dùng vật liệu tốn kém trong các ngày lễ của Phật giáo.

Mùa Phật đản đặc biệt

Không chỉ gây ấn tượng với mô hình tháp tre, Đại lễ Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong còn có nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa, phù hợp với nhu cầu của người dân trong tình hình xã hội hiện nay.

Được biết, mỗi năm như vậy, Ban Trị sự Phật giáo H.Triệu Phong sẽ tập trung hỗ trợ tổ chức Phật đản tại một vùng. Mọi người sẽ cùng nhau trở về địa phương đó để chung tay thực hiện các hoạt động Phật sự, vừa thể hiện tình đoàn kết, vừa chung sức giúp đỡ Phật giáo nơi đó phát triển hơn, giúp người dân có thêm nhiều cơ hội để đến với Phật pháp.

Chương trình Phật đản tại chùa An Trú năm nay sẽ có buổi tọa đàm về cuộc đời của Đức Phật để mọi người hiểu rõ hơn về sự từ bỏ cuộc sống xa hoa, lặng lẽ ra đi tìm kiếm sự bình yên, hạnh phúc cho nhân loại của Ngài. Điều đó càng quan trọng hơn khi trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, con người chìm đắm trong sự chi phối của vật chất, loay hoay tìm kiếm bình an trong mớ hỗn độn mà nó mang lại.

Phiên bản tháp Bồ-đề đạo tràng bằng tre tại chùa An Trú
Phiên bản tháp Bồ-đề đạo tràng bằng tre tại chùa An Trú

Ban Trị sự cũng tổ chức hội trại với nhiều hoạt động như hái hoa Phật pháp, văn nghệ, thi cắm hoa… dành cho các bạn trẻ Gia đình Phật tử nhân Đại lễ Phật đản. Thông qua đó giúp các em nuôi dưỡng tâm kính Phật của mình, cũng như nuôi dưỡng tâm hồn đạo đức trong các mối quan hệ ứng xử hàng ngày.

Kết hợp với không gian sinh hoạt bằng tre sẽ hướng dẫn thêm cho các em cách ứng xử thân thiện với môi trường: không chỉ làm sạch không gian xung quanh mà còn làm sạch tâm hồn bên trong mình, để từ đó giúp các em nhận chân ra được giá trị thật sự của hạnh phúc để có cuộc sống an lành hơn

“Sạch ở đây là từ cách bảo vệ môi trường sống, từ ăn uống cho đến hạn chế rác thải, rồi cách ứng xử với nhau trong các mối quan hệ hàng ngày của mình với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Làm sao để các em có với nhau trong ánh mắt, nụ cười thiện lành, sống trong niềm hạnh phúc mà Phật giáo mang lại ”, thầy Nguyên Mãn chia sẻ.

Mô hình nổi bật giữa cánh đồng lúa chín

Mô hình nổi bật giữa cánh đồng lúa chín

Song song với đó, Ban Trị sự huyện cũng sẽ trao tặng những ngôi nhà Từ bi đến người dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Phật đản. Một lễ đài quy mô mà không có sự chia sẻ yêu thương thiết thực trong mùa Phật Đản thì sẽ mất đi ý nghĩa rất nhiều. "Vừa giúp đỡ người dân bằng vật chất, vừa nuôi dưỡng tâm hồn họ bằng Phật pháp, điều đó giúp cho Phật giáo tại địa phương ổn định hơn, mang trọn vẹn ý nghĩa đồng hành cùng dân tộc", Đại đức Nguyên Mãn nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày