GN - Âm nhạc của người câm điếc là âm nhạc từ “đôi bàn tay thắp lửa”, không âm sắc nhưng đầy đam mê…
Hát bằng ngôn ngữ… trái tim
Thời gian gần đây, những ai thường lui tới phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) còn có cơ hội được đắm mình trong không gian âm nhạc đặc biệt. Thứ âm nhạc như nhiều người nói “hát bằng ngôn ngữ trái tim”, bởi tất cả “ca sĩ” chính đều là người câm, điếc.
Nhóm nhạc câm điếc, nghe có vẻ khó tin nhưng đây là điều kỳ diệu đang hiện hữu giữa đời thường, tô điểm thêm nhịp sống muôn màu của thành phố. 8 giờ tối, ở một góc phố đi bộ Nguyễn Huệ chợt im ắng hơn. Chỉ có âm thanh từ chiếc loa nhỏ đặt ở góc sân vang lên lời bài hát du dương quen thuộc “Để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Tất cả ánh mắt của du khách đều hướng về “sân khấu” chính, nơi nhóm nhạc câm điếc tái hiện lại lời ca khúc.
Những "ca sĩ" đắm mình trong một vũ khúc... kỳ diệu tại góc phố Nguyễn Huệ
Người “nhạc trưởng” và là thành viên duy nhất trong nhóm có thể nghe, nói bình thường đang lắng nghe từng ca từ trầm bổng. Cô đứng đối diện với các “ca sĩ” và dùng “ngôn ngữ biểu cảm” thể hiện ca khúc. Các thành viên trong nhóm câm, điếc quan sát và biểu diễn lại bằng thứ ngôn ngữ ký hiệu đặc biệt của riêng mình.
Ca từ được truyền tải trên nét mặt biểu cảm, đôi bàn tay giơ lên, giơ xuống, nhịp chân nhảy múa theo âm điệu. Cứ thế, từng lời bài hát trôi qua, nhóm nhạc say sưa biểu diễn, trên khuôn mặt các thành viên ánh lên niềm tin mạnh mẽ… Hơn ai hết, người “nhạc trưởng” trong nhóm hiểu, với các em được “hát”, được đứng trước đám đông là niềm hạnh phúc tột cùng.
Khi bài hát kết thúc, hàng chục khán giả đứng vây quanh nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng. Tất nhiên, các “ca sĩ” chẳng ai có đặc ân nghe được nhưng thông qua ánh mắt, nụ cười của khán giả đối diện, họ biết mình đã biểu diễn thành công. Như lời cô “nhạc trưởng” nói với chúng tôi: “Hạnh phúc nhất của người câm điếc là không bị kỳ thị, khinh miệt. Các em mong muốn xã hội nhìn nhận, đối xử bình đẳng hơn. Tôi lập ra nhóm nhạc bởi mục đích tốt đẹp này. Nhóm nhạc là sợi dây kết nối những người câm điếc với cộng đồng.
Ở đây, các em tạo ra sân chơi cho riêng mình và làm sống lại niềm đam mê bị tạo hóa đánh cắp. Người câm điếc không thể nghe, nói nhưng tôi tin các em hiểu nhịp điệu trong từng lời hát bằng trái tim. Dù biểu diễn bằng “ngôn ngữ hành động” nhưng hãy nhìn tận sâu trong đôi mắt các em để thấy độ cảm thụ âm nhạc mãnh liệt nhường nào”.
Tôi cảm nhận âm nhạc của người câm điếc là âm nhạc từ “đôi bàn tay thắp lửa”, không âm sắc nhưng đầy đam mê. Để cảm nhận rõ hơn điều kỳ diệu mà âm nhạc mang lại cho các thành viên câm điếc, tôi tìm gặp “thủ lĩnh ban nhạc” - cô Phạm Cao Phương Thảo, sinh năm 1958.
“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
Theo tìm hiểu, cuộc đời cô Thảo gắn chặt với quyền lợi của người câm điếc thành phố. Cô Thảo là “thủ lĩnh” tinh thần, sáng lập và cầm trịch nhóm Tổ chức Cộng đồng câm điếc TP.HCM. Đây là tổ chức từ thiện xã hội, nơi gắn kết toàn thể người câm điếc cùng sinh hoạt dưới mái nhà chung. Từ hành động thiện nguyện, đầy tính nhân văn của cô Thảo, Tổ chức Cộng đồng câm điếc đang từng ngày lớn mạnh, với sự giúp đỡ từ nhiều đơn vị xã hội khác.
Hiện nay, Tổ chức này có trên 250 thành viên, họ đến từ khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Cô Thảo và các bạn trong ban nhạc
Trụ sở chính của Tổ chức là căn phòng chung cư rộng hơn 10m2 - nơi cô Thảo đang tá túc. Từ căn phòng này, một mình cô Thảo tự đi vận động thành viên tham gia, tạo cho người câm điếc sân chơi bổ ích, lành mạnh. Vào mỗi Chủ nhật hàng tuần, hay dịp lễ, Tết, Tổ chức Cộng đồng câm điếc cùng nhau sinh hoạt ở điểm Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP.HCM.
Tại đây, các thành viên tham gia biểu diễn văn nghệ, thỏa sức “ca hát” với ngôn ngữ ký hiệu. Họ chia sẻ cho nhau những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống, cùng bàn nhau cách xin việc làm, nỗ lực làm việc thật tốt để được xã hội ghi nhận… Mọi thông điệp họ truyền tải chỉ bằng đôi bàn tay, ánh mắt, nụ cười. Cô Thảo bảo: “Vào đây đôi khi tôi quên đi mình nói được, mà có nói chẳng để ai nghe”.
Tổ chức Cộng đồng câm điếc được cô Thảo khởi xướng thành lập năm 2009, đến nay đã đi vào hoạt động quy củ, chuyên nghiệp. Điều khiến cô Thảo và các thành viên trong tổ chức chạnh lòng là đã nhiều lần viết đơn lên Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP.HCM đề nghị cho thành lập Hội Người câm điếc thành phố nhưng chưa được công nhận. Cô Thảo nói: “Người câm điếc cần được đảm bảo quyền lợi cho riêng mình. Tôi muốn thành lập Hội để giúp cộng đồng người câm điếc phát triển, tạo cơ hội cho những con người khiếm khuyết hòa nhập xã hội. Người câm điếc muốn chứng tỏ rằng họ ‘tàn nhưng không phế’”.
Hàng ngày, cô Thảo cùng “ban nhạc” tìm đến các góc công viên luyện tập, biểu diễn. Cô còn đi vận động những em câm điếc tham gia vào tổ chức. Việc làm của cô Thảo hoàn toàn thiện nguyện, từ tâm. Cô Thảo cho biết: “Tôi như là mẹ của người câm điếc nên thấu hiểu khó khăn các con gặp phải. Tạo hóa đã tước đi khả năng nghe, nói nhưng trên hết các con biết suy nghĩ, biết phấn đấu. Những người bình thường nên trân trọng điều đó”.
Theo lời cô Thảo, con trai cô (anh Đoàn Phạm Khiêm, sinh năm 1982, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổ chức Cộng đồng câm điếc TP.HCM) bị câm điếc từ năm 1 tuổi, sau cơn sốt “thập tử nhất sinh”. Thời gian đó, nỗi lòng cô Thảo tan nát, muốn buông bỏ tất cả nhưng bằng bản năng người mẹ, cô không cho phép mình gục ngã, từng ngày cô chăm bẵm, giảng dạy cho cậu con trai độc nhất.
Năm anh Khiêm 10 tuổi, người cha vì không chịu được cảnh nghèo khổ, nhẫn tâm bỏ đi. Cô Thảo âm thầm tìm đến các trường dạy ngôn ngữ ký hiệu cho con trai theo học. Để giúp đỡ con, cô mày mò học ngôn ngữ ký hiệu. Anh Khiêm thông minh, sáng dạ, lại có năng khiếu vẽ nên là người câm điếc đầu tiên thi đậu vào Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Giờ anh đã tốt nghiệp, trở thành họa sĩ kiêm giáo viên văn hóa ngôn ngữ ký hiệu.
Chính từ việc nuôi dạy con mình, cô Thảo đã có kinh nghiệm, động lực tìm đến những đứa trẻ câm, điếc bị gia đình, xã hội bỏ rơi, rồi sa vào các tệ nạn móc túi, cướp giật, sống đầu đường xó chợ. Cô Thảo cứ cần mẫn đi tìm các em về dạy chữ, ngôn ngữ ký hiệu, rồi dẫn đến những chỗ quen xin việc làm…
Giờ đây, Tổ chức Cộng đồng câm điếc đã trở thành mái ấm thực sự nhưng cô Thảo vẫn cần mẫn lao vào công việc với sự nhiệt huyết và hy sinh. Ngoài việc duy trì, giới thiệu ban nhạc câm điếc ra xã hội, cô còn ấp ủ nhiều dự định táo bạo khác. Bởi, với cô “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.