Xuân ấm vùng biên

Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An đem xuân ấm về vùng biên giới trên địa bàn tỉnh
Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Long An đem xuân ấm về vùng biên giới trên địa bàn tỉnh
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Có những căn nhà xập xệ trống trước, dột sau ở các huyện tuyến đầu biên giới tại Long An – Campuchia mà chủ nhân đã từng chỉ biết ước ao “sửa chữa”, nay đã được thay bằng ngôi nhà lành lặn, thơm mùi gạch mới. 

Và ước mong của người dân vùng nội địa biên giới có được mái chùa để làm nơi tu học tưởng chừng khó được, thì ngày hôm nay, đã thành hiện thực.

Một mái nhà được dựng xây, một điểm sinh hoạt tôn giáo mới được hình thành, những món quà Tết được trao đi v.v… Tất cả xuất phát từ sự có mặt của chư Tăng Ni nơi vùng biên giới, đã đem đến niềm vui, thay đổi cuộc đời của nhiều số phận, để xuân về thêm ấm, thêm vui.

Niềm hạnh phúc của chú Lê Văn Hoàng và cô Bùi Thị Lẹ có ngôi nhà mới đón xuân
Niềm hạnh phúc của chú Lê Văn Hoàng và cô Bùi Thị Lẹ có ngôi nhà mới đón xuân

“Tuổi 67 tôi mới thấy Tết”

Chú Lê Văn Hoàng, ấp Gò Ớt, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An đã thốt lên như thế trong ngày khánh thành mái ấm tình thương, đón mừng năm mới 2023.

Chú Hoàng bị tai biến, không làm được việc nặng. Đời sống hàng ngày phụ thuộc hết vào vợ chú - cô Bùi Thị Lẹ. Cô Lẹ đan chổi, lấy công làm lời, đan xong chở đi bán dạo. Ngày cô đan được bốn cây chổi, đó là ráng lắm, làm đau lưng và may mắn bán hết thì kiếm được vài chục ngàn. “Ở vùng biên giới này khó khăn, có khi đạp xe đi 30 cây số để bán chổi, có ngày không bán được cây nào”, cô Lẹ cho biết. Lắm lúc, số tiền bán chổi của cô không đủ mua gạo.

Thế nên, khi được thông báo mình được xây nhà tình thương, vợ chồng chú tưởng là “đang nằm mơ”. “Mấy đêm mưa to gió lớn, tôi nói với bà nhà phải chi căn nhà mình lành lặn, cho bà đỡ lạnh, phải chi tôi khỏe, tôi gồng gánh phụ được bà. Nhà thờ Bồ-tát Quán Thế Âm, đêm nào tôi cũng khấn”, chú Hoàng kể.

Ngày có ngôi nhà mới, trong khi chú Hoàng xúc động, cô Lẹ cũng mừng khôn xiết. Cô chỉ biết cám ơn quý thầy cô và chính quyền địa phương đã kêu gọi Phật tử đạo tâm giúp đỡ. Ngôi nhà được xây mới hoàn toàn với số tiền 70 triệu, mạnh thường quân tặng 60 triệu và 10 triệu do hàng xóm, láng giềng góp lại, người vài chục ngàn, người vài trăm ngàn tiếp sức cho vợ chồng chú. Ngày chú nhận được nhà, cả xóm mừng vui, vì từ nay cuộc sống vợ chồng chú bước sang trang mới, không còn cảnh thấp thỏm âu lo chuyện chỗ ở nữa.

“Thấy mưa gió là nhớ nhà anh Hoàng. Thật may mắn vô cùng khi nhà anh Hoàng được Ban Trị sự (BTS) GHPGVN tỉnh Long An kết nối, xây dựng kịp thời. Hai ngày vừa qua, nơi đây đón những cơn giông rất lớn, nếu nhà anh chưa xây thì chắc chắn sẽ sập, không thể nào tránh khỏi, cũng chẳng thể nào có xuân”, ông Huỳnh Văn Duyên, Phó Bí thư xã Tuyên Thạnh bày tỏ.

Chú Hoàng nói, lâu lắm rồi không có niềm vui, không biết Tết là gì, nay thì xuân đã về với gia đình chú. Bên hiên nhà, một vài cây vạn thọ được chú Hoàng và cô Lẹ trồng, cũng đã chớm trổ bông, vui cùng cô chú đón xuân về.

"Xã Tuyên Bình thuộc vùng sâu nội địa biên giới của huyện Vĩnh Hưng. Chủ trương xây nhà tình nghĩa quân dân, đề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và đề án xây dựng điểm dân cư liền kề gần đồn biên phòng được Ban Chỉ huy Quân sự đặc biệt quan tâm. Căn nhà trao tặng cho chị Tô Thị Thu Thường không chỉ có ý nghĩa nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, mà có ý nghĩa lớn về an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Chúng tôi cảm ơn sự chung tay hỗ trợ của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An rất nhiều”.

Thiếu tá Hồ Quốc Danh - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Hưng

Xuân về thêm ấm

Trong những ngày cuối năm, được sự đề nghị của chính quyền địa phương về nhà ở cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, BTS GHPGVN tỉnh Long An phối hợp cùng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An tài trợ 80 triệu đồng, khởi công xây tặng “Nhà tình thương quân dân” cho chị Tô Thị Thu Thường tại ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng.

Sở dĩ căn nhà chị Thường được xây nhanh, bởi hoàn cảnh của chị khiến cho BTS Phật giáo tỉnh Long An đồng cảm sâu sắc, không thể chần chừ.

Sau khi ly hôn chồng, không muốn là gánh nặng cho má và gia đình, 6 năm nay chị Thường mượn nhà kho của người quen ở. Chị làm công nhân may, hễ có tăng ca là chị đều đăng ký làm nhưng dù cố gắng thì lương mỗi tháng cũng chưa được 5 triệu. Với số tiền này, chị đã cắc củm thật nhiều để nuôi 2 con. Con gái chị Thường 9 tuổi, đang học ở trường làng, còn con trai đang là sinh viên năm nhất của một trường đại học ở miền Tây.

Tháng nào cũng thiếu tiền, tháng nào chị cũng đi mượn tiền người quen, rồi tới lương chị trả. Chị đã làm như thế, đắp đổi nuôi con 6 năm qua. Chuyện cái ăn, cái mặc và chuyện học hành của con đã đủ làm chị kiệt sức. Nhà hết gạo, có khi không đủ tiền mua cho con mì tôm ăn sáng đến trường, chị nào dám nghĩ tới có được một mái nhà cho riêng mình, có được chỗ che mưa, che nắng đàng hoàng cho các con. Thế nên, trước một ngày nhận được thông báo, hôm nay đi nhận quyết định xây nhà tình thương quân dân, cả đêm chị không ngủ được.

“Mừng dữ lắm luôn, chiều hôm qua nhận tin được cho căn nhà, cả đêm không ngủ được bởi vì căn nhà với chị là mơ ước. Mà có khi mơ cũng không dám mơ cao như vậy”, chị Thường chia sẻ. Khi được xướng tên, lên nhận quyết định xây nhà tình thương quân dân, chị xúc động khi nói hai chữ “cảm ơn”. Chị lén ra ngoài, khóc, nước mắt chị chảy dài, nhưng ai cũng hiểu đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.

Niềm vui khi một điểm sinh hoạt Phật giáo ra đời

8g sáng, ngày 5-12-2022, mặc dù là ngày đầu tuần nhưng Phật tử và người dân địa phương vẫn tập trung khá đông về điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, đạo tràng Ngọc Thuyền, ấp Cả Bát, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Đạo tràng Ngọc Thuyền là điểm nhóm sinh hoạt Phật giáo đầu tiên tại huyện Tân Hưng, tuyến đầu biên giới Việt Nam - Campuchia. Điểm nhóm này ra đời đúng 30 năm, kể từ khi HT.Thích Minh Thiện, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An về đây cứu trợ lũ lụt.

Thêm một cơ sở Phật giáo ra đời vùng biên, giúp xuân về thêm ấm

Thêm một cơ sở Phật giáo ra đời vùng biên, giúp xuân về thêm ấm

Trong niềm hân hoan và phấn khởi, chú Ngọc Thiện chia sẻ: “Mừng lắm, coi như là lời khấn nguyện của bà con ở đây thành hiện thực. Mấy chục năm rồi ao ước địa phương có cái chùa, có chư Tăng Ni về lập thất, dựng đạo tràng để chúng tôi có chỗ lễ bái, tu học. Cuối cùng tôi cũng chờ được”.

Có nhiều cô bác Phật tử, để đến dự lễ ra mắt đạo tràng Ngọc Thuyền đã phải xin nghỉ một buổi làm, gác lại công việc đồng áng buổi sáng. Họ đến dự lễ ra mắt nhóm sinh hoạt Phật giáo, đơn giản chỉ là “đến để gặp được quý thầy, quý sư, để đảnh lễ. Lần đầu nơi đây đón nhiều chư tôn đức về chúc nguyện nên quý lắm” như chia sẻ của cô Thu, một người dân trong ấp Cả Bát.

Cô bác Phật tử mừng một, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội tỉnh vui gấp nhiều lần, bởi đây là vùng sâu, vùng xa thuộc tuyến biên giới, việc lan tỏa Phật pháp và thành lập được cơ sở tôn giáo là điều không dễ dàng.

Niềm vui ngày ra mắt điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung Ngọc Thuyền, vùng biên giới
Niềm vui ngày ra mắt điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung Ngọc Thuyền, vùng biên giới

Trong 30 năm qua, BTS đã kêu gọi Tăng Ni dấn thân về đây hoằng pháp, thành lập các đạo tràng, đem ánh sáng Phật pháp đến với người dân, làm điểm tựa dìu dắt cho bà con tu học, phát huy tinh thần yêu nước. Khó khăn không chỉ ở con người, mà còn ở thủ tục hành chính. Và với cơ sở Phật giáo mới Ngọc Thuyền này, phải trải qua sinh hoạt 3 năm ổn định mới xin phép thành lập cơ sở tôn giáo.

Không khí hân hoan của người dân, Phật tử cho thấy rõ hơn về sinh khí mới tại vùng đất tuyến đầu biên giới Việt Nam - Campuchia. Với bà con Phật tử nơi đây, thì được học Phật, được tu, được chư tôn đức hướng dẫn thực hành chánh tín Phật pháp đã là sự hưởng thụ quý giá nhất về đời sống tâm linh. Đến đây, càng cảm nhận rõ hơn về có những niềm hạnh phúc đơn sơ, đôi khi không phải lúc nào cũng đến từ tiền bạc, danh vọng, địa vị xã hội.

“Chính sách an sinh xã hội luôn được Giáo hội Phật giáo tỉnh quan tâm hàng đầu”

Trong những năm gần đây, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An liên kết Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An thực hiện các chương trình hướng về an ninh quốc phòng và an sinh xã hội, giúp cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn xây nhà tình thương, đặc biệt là nhà quân dân trên toàn tuyến biên giới, để dân có cuộc sống ổn định, chăm lo phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ biên cương.

Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt quan tâm, trăn trở rất nhiều đến công tác xây dựng, hình thành điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo cho bà con ở vùng biên, bổ nhiệm Tăng Ni có đạo tâm, đạo hạnh dấn thân về đây, theo nguyện vọng người dân để làm điểm tựa giúp dân, trong đời sống tinh thần và chia sẻ yêu thương”.

Hòa thượng Thích Minh Thiện - Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày