Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Truyền thông thế giới hôm 11-12-2020 loan tin, Kim Ki Duk, đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng với nhiều phim đoạt giải thưởng lớn, đã qua đời vì biến chứng của Covid-19 tại Latvia.

Nhớ ông - đạo diễn của phim Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân (2003) - Giác Ngộ online đăng lại bài viết của nhà báo Diệu Kim, bình về bộ phim này. Bài đã đăng trên tuần báo Giác Ngộ trên 10 năm trước:

Đạo diễn Kim Ki Duk - Ảnh: Imdb

Đạo diễn Kim Ki Duk - Ảnh: Imdb

Một lần nữa, phim truyện nhựa Hàn Quốc lại gây xôn xao dư luận Việt Nam với đề tài Phật giáo. Hai năm trước, phim Xin chào sư phụ chiếu cả tháng trời tại khắp các rạp TP.HCM, có rạp chiếu mỗi ngày 7, 8 suất. Bây giờ đến lượt Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân - tuy không ồn ào bằng nhưng lại sâu sắc hơn, và sang ra đĩa VCD lại bán nhiều hơn, bán khắp các tỉnh. Một tác phẩm mang đầy tư tưởng Phật giáo nhưng lại gần gũi với công chúng, được đón nhận dễ dàng, thế mới biết tài năng của người làm phim vượt qua mọi thử thách đề tài.

Tựa phim thôi cũng đã gây tò mò. Có một số bản dịch là Năm mùa, nhưng không đúng. Thật ra chỉ có bốn mùa nhưng chúng tuần hoàn trở lại. Và bốn mùa ấy đã trải qua cụ thể với một nhân vật chính là chú tiểu nhỏ, sau này lớn lên thành một vị Tăng.

Mùa xuân... mở ra một cái hồ tuyệt đẹp mờ sương khói, giữa hồ có một mái chùa nhỏ độc cư, thanh bình. Một nhà sư già sống cùng chú tiểu dễ thương. Chú theo thầy bơi thuyền qua bờ hái thuốc. Rồi nghịch ngợm bắt bướm, tắm suối, thật hồn nhiên. Nhưng rồi chú tiểu lại bắt con cá, con ếch và con rắn, cột viên đá vào người chúng để xem chúng lội lật ngang lật ngửa mà cười khanh khách. Sư phụ đứng phía sau thấy được, bèn nghĩ cách dạy chú. Ông cột viên đá vào lưng chú, bắt chú cảm nhận sự đau khổ y như chính tay mình gây ra cho những con vật kia. Và với viên đá trên lưng, chú khó nhọc leo trở lại dòng suối, tìm cho được ba con vật, chừng nào giải thoát cho chúng xong thì mình mới được sư phụ giải thoát. Nhưng những con vật đều chết hoặc mang thương tật. Chú khóc oà đau đớn.

Cảm nhận được rằng chú khóc không phải vì sợ thầy không mở viên đá ra cho mình, mà khóc vì tình thương thật sự với chúng sanh. Nếu như Mạnh Tử cho rằng Nhân chi sơ tánh bổn thiện, và Tuân Tử lại bảo Nhân chi sơ tánh bổn ác, thì Đức Phật toàn diện hơn khi nói trong con người có đủ chủng tử thiện ác. Chú tiểu làm ác một cách hồn nhiên, nhưng khi sư phụ khơi dậy cho chú cái thiện thì chú biết khóc vì lòng từ bi thương xót chúng sanh.

Cách dạy của người thầy thật hay, ông không hề la rầy, lý luận, ông chỉ cho chú tự cảm nhận đau khổ rồi suy ra đau khổ của người khác. Vâng, đôi khi có những thứ kinh nghiệm mà chỉ tự ta trải nghiệm ta mới chịu tin, chứ mọi lời khuyên bảo đều vô ích. Mùa xuân đã đến như thế, tuy trong trẻo, nhưng cái thiện cái ác đều đã tiềm ẩn đâu đó rồi. Chúng ta đầu thai xuống cõi này, là đã mang đủ 51 món tâm sở, để từ đó hợp với duyên mà chúng ta tạo nghiệp.

Nghiệp bắt đầu lẫy lừng, khi chú tiểu lớn lên thành vị Tăng trẻ dồi dào sức sống. Lúc này, bản năng trỗi dậy mạnh mẽ hơn hết, nóng rực, chói chang như cái nắng gay gắt của mùa hè. Và kéo theo bản năng là lòng tham muốn sở hữu, chiếm đoạt. Một cô gái đến chùa chữa bệnh, đã nảy sinh tình cảm với vị Tăng. Ái dục là cái muôn đời của kiếp nhân sinh, sư phụ hiểu như thế, nên ông không ngăn cản, mà biết rằng có cản cũng không được, nên im lặng giả vờ ngủ để cho vị tăng trẻ trốn đi theo tiếng gọi tình yêu.

Một lần nữa, ông để con người tự trải nghiệm, chứ mọi lý thuyết lúc này không có tác dụng. Đừng trách sư phụ sao không tìm biện pháp giúp đỡ học trò. Chúng sanh vốn cang cường, ngay lúc Đức Phật còn tại thế mà vẫn không hoá độ được hết. Người thượng căn thượng trí, tu hành nhiều kiếp, thì nghe qua đã giác ngộ. Còn đa số chúng sanh đi theo lối mòn, phải chịu khổ đau rồi mới ý thức được, mới chịu quay đầu. Bồ-tát sợ nhân, nhưng chúng sanh thì sợ quả, đôi khi phải để cái quả hiện ra rồi mới dễ khuyên tu.

Ở đây cần nói thêm, tình yêu với cô gái chỉ là điều tượng trưng, bởi người ta không chỉ ái dục với sắc, mà còn ái dục với tài, danh, thực, thùy nữa. Và có ái tất có thủ, hữu. Hoặc, có chấp ngã thì có ngã sở, như lời sư phụ nói: “Lòng tham đánh thức mong muốn được sở hữu, đó là nguồn gốc của cái ác”. Vị Tăng trẻ giết chết người yêu vì không sở hữu được cô ta, vì cô ta đi yêu người khác. Nghiệp gây ra, và có lệnh truy nã ráo riết...

Mùa thu, vị Tăng trẻ trở về trong hình hài một thanh niên phong trần, bất mãn, đau khổ, giận dữ. Anh vẫn chưa hiểu vì sao mình đau khổ, vẫn chưa nhìn ra lòng tham và ngã chấp của mình chính là nguồn gốc. Rồi anh ta tự tử, nhưng sư phụ phát hiện, đánh cho một trận tơi bời, và bắt anh dùng chính con dao giết người ấy khắc cho hết bản kinh ông vẽ trên sàn gỗ.

Đây là một cách “sám hối” chăng? Nhưng lòng anh vẫn hậm hực. Và khi hai người cảnh sát đến bắt thì anh chống cự dữ dội. Nhưng sư phụ đã điều đình với cảnh sát hãy để anh khắc nốt bản kinh rồi sáng mai hẵng bắt. Một đêm thôi, đủ thời gian cho anh bình tâm, thanh thản. Và cuối cùng anh bước đi không cần phải còng tay. Anh chấp nhận trả nghiệp, không hờn oán.

Vâng, gây nghiệp thì phải trả nghiệp, không chạy đi đâu được, nhưng khác chăng là thái độ trả nghiệp như thế nào. Một thái độ bình tĩnh, chấp nhận, sẽ làm con người dễ chịu hơn. Thậm chí, qua đó, người ta còn có thể cảm hoá được kẻ khác. Trong phim, hai viên cảnh sát đã đổi sang thông cảm vị Tăng trẻ, khi anh ta ngủ thiếp đi vì kiệt sức, họ đã cởi áo trìu mến đắp lên người anh. Và khi sư phụ pha màu, họ đã cùng giúp sức sơn hết bản kinh trên sàn gỗ. Vị Tăng trẻ thức dậy, thấy ánh sáng mặt trời soi trên bản kinh rực rỡ sắc màu. Lúc này lời Phật dạy mới thật đúng, thật đẹp, và lời ấy không chỉ một mình anh cảm nhận, mà cả người khác cũng cảm nhận, như hai viên cảnh sát kia. Quay đầu là bờ!

Một cảnh trong phim Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân

Một cảnh trong phim Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân

Mùa đông, vị Tăng trẻ mãn hạn tù, trở thành một nhà sư trung niên, trở về chùa cũ. Sư phụ của ông đã viên tịch. Ông tìm được quyển sách luyện công, đem ra hạ thủ công phu. Ý chí tu hành mãnh liệt, không vướng bận lòng trần. Đến nỗi, khi một người đàn bà bế con trôi dạt vào chùa ngủ qua đêm, ông cũng không nhìn đến. Chi tiết tấm khăn che mặt của người đàn bà chỉ muốn nói lên rằng đối với ông tất cả đã là “không”, nhìn đó nhưng không thấy, không biết, không bận tâm.

Nhưng, để đi đến bến bờ giải thoát thì vẫn còn là con đường chông gai gian khổ. Hình ảnh nhà sư vất vả trèo lên đỉnh núi, tay ôm tượng Phật mà chân thì phải kéo lê một viên đá to nặng. Có lúc ông vấp ngã, có lúc ông đánh rơi tượng Phật, phải khó nhọc trở lại nhặt lấy. Thì vậy, giác ngộ là một chuyện, còn giải thoát là một chuyện, đòi hỏi người ta phải vượt qua biết bao trở ngại, mà trở ngại chính là cái nghiệp của mình. Có thân là có nghiệp, như kinh Bát Đại Nhân Giác đã dạy “tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu”. Trên đường đến giải thoát ta phải kéo lê khối nghiệp như kéo viên đá to nặng kia, cái khối nghiệp tích tụ từ bao đời bao kiếp đâu dễ vứt bỏ ngày một ngày hai. Có lúc ta vấp ngã, có lúc đánh mất Bồ-đề tâm như nhà sư đánh rơi tượng Phật. Nhưng nếu quyết chí vượt qua thì cuối cùng ta cũng sẽ như nhà sư, lên tận đỉnh núi trang trọng đặt tượng Phật giữa mênh mông vũ trụ, đối diện chơn tâm rạng rỡ như ánh mặt trời.

Trở lại cảnh chùa, đứa bé của người phụ nữ bỏ rơi giờ trở thành chú tiểu y như chú tiểu ngày xưa. Cũng hồn nhiên bắt bướm, hái hoa, cũng hồn nhiên cột đá vào con rắn, con ếch... Mùa xuân lại về đó thôi... Và hình dung chú sẽ lớn lên thành chàng trai như thế, sẽ yêu thương, đau khổ như thế, sẽ gây nghiệp, trả nghiệp, rồi ăn năn, tu hành, giải thoát... Bốn mùa lần lượt trôi qua. Kiếp nhân sinh dường như không hề khác. Mỗi con người đều trải qua bốn mùa, đều đi trên cùng một con đường đau khổ và giác ngộ. Lặp lại, và dường như mãi mãi...

Kim Ki Duk, sinh năm 1960, là vị đạo diễn nổi tiếng của Hàn Quốc và thế giới. Ông là đạo diễn Hàn Quốc duy nhất nhận được cả ba giải thưởng danh giá về phim ảnh là Cannes, Venice và Berlin.

Kim Ki Duk từng giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 2012 với Pieta cũng với một kịch bản căng não và nhiều hình ảnh, thông điệp… chỉ dành cho khán giả trưởng thành. Ngoài ra, ông còn giải Gấu bạc với Samaritan Girl và giải Un Certain Regard tại Liên hoan phim Cannes 2011 với Arirang.

Các tác phẩm của ông đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi. Kim Ki Duk nổi tiếng với khán giả Việt Nam qua tác phẩm Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân (2003). Đây cũng là bộ phim nằm trong danh sách The Great Movies của nhà phê bình phim Roger Ebert.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày