Theo lịch ta, năm nay nhuần nên nhiều loại hoa đặc trưng của mùa xuân trên vùng cao Tây Bắc, nhất là hoa đào rừng, đã nở rộ từ đầu tháng chạp. Đào rừng, người dân Sa Pa còn gọi là hoa mận đỏ, lâu tàn - thường khoảng trên 20 ngày - nên nhiều nơi sẽ còn được ngắm bức tranh xuân tuyệt diệu này vào những ngày cận Tết Canh Dần.
Đào rừng chỉ phát triển ở độ cao 700m trở lên so với mặt biển, có hoa và lá không khác lắm so với hoa anh đào Nhật đang được trồng thử nghiệm tại khu du lịch Sa Pa. Đào nở, nhiều du khách đang náo nức lên Tây Bắc để tận hưởng không khí mùa xuân đến sớm. Không chỉ đào rừng, đào tết ở các làng hoa Hà Nội cũng đua nhau nở sớm bởi thời tiết thất thường.
Nhiều địa phương miền Trung cũng có các làng trồng hoa nổi tiếng từ lâu như Phú Mậu, Thủy Thanh của Thừa Thiên - Huế. Mấy năm gần đây ở ngoại vi TP Huế có thêm làng hoa Xuân Hòa (xã Thủy Vân) được nhắc đến nhiều. Thêm một vụ hoa hằng năm cùng hai vụ lúa, bà con nông dân Thủy Vân có cuộc sống dễ chịu hơn. Xã vùng ven mà năm rồi có gần 50 con em vào đại học. Hoa mai Xuân Hòa còn được chọn đưa lên cầu truyền hình tết này.
Trong khi đó, tại các làng hoa tết nổi tiếng vùng đồng bằng sông Cửu Long như Chợ Lách, Mỹ Tho, Sa Đéc..., bà con đang tập trung cắt tỉa, tạo dáng, cho hoa vào giỏ, chậu giao cho thương lái chuyển đi khắp nơi, nhộn nhịp nhất là từ rằm tháng chạp trở đi. Mưa trái mùa vài đợt vừa qua có ảnh hưởng đôi chút, song các làng hoa miền Tây Nam bộ đang kỳ vọng nhiều vào vụ hoa tết năm nay. Chỉ riêng làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) đã cung cấp cho thị trường hoa tết cả nước khoảng 6 triệu giỏ. Hoa kiểng Cái Mơn (Bến Tre), Sa Đéc đã ra tận thị trường hoa tết phía Bắc và còn xuất sang Trung Quốc, Campuchia, Lào...