GN Xuân - Mùa xuân là mùa biểu tượng của sự hạnh phúc, an lạc. Các nhà đạo đức cho rằng, để có hạnh phúc thật sự thì phải sống đạo đức.
Kinh Trường A-hàm - Chuyển luân vương tu hành, Đức Phật còn nói cụ thể hơn nữa: “Các người phải siêng năng tu tập các điều thiện, nhờ tu tập điều thiện mà được mạng sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi, sống yên ổn, vui vẻ, của cải dồi dào, uy tín đầy đủ”.
Đối với người con Phật, tu tập điều thiện chính là giữ giới. Đối với người tại gia là giữ 5 giới, với người xuất gia là giữ 10 giới, 250 giới hay hơn nữa. Nói chung, 5 giới là căn bản, là mức đạo đức tối thiểu cho một con người, xứng đáng là con người có nhân cách. Năm giới Phật giáo là các chuẩn mực đạo đức cho loài người, được các nhà đạo đức học, triết học, xã hội học trên thế giới công nhận.
Người sống thiện, giữ 5 giới không bao giờ cảm thấy gánh nặng của sợ hãi và hổ thẹn. Trái lại, người phá 5 giới suốt ngày đêm, khiến họ ăn không ngon, ngủ không yên. Người sống thiện, giữ 5 giới thường có vị trí xứng đáng trong xã hội, có uy tín và tiếng tăm, đến tham dự cuộc hội họp nào nào cũng với thái độ tự tin và đường hoàng. Người sống ác, phá 5 giới thì không được xã hội giao những vị trí xứng đáng, tiếng xấu đồn xa, đến dự cuộc hội họp nào cũng với thái độ sợ hãi, lo lắng.
Tôn dung Đức Phật Thích Ca
Người sống thiện, giữ 5 giới có cái chết bình thản và tỉnh táo, vì khi gần chết thường hồi tưởng lại những việc thiện mình đã thường xuyên làm, nghĩ tới Tam bảo. Nhờ vậy, sau khi chết, người đó sẽ được tái sanh vào các cõi lành. Trái lại, theo kinh Tăng chi III, người sống ác, phá 5 giới không những sống trong lo âu mà lâm chung trong tâm trạng sợ hãi và mê muội, nhất định bị tái sanh vào các cõi ác.
1. Giới không sát sinh: Giới này yêu cầu mọi người chớ có tự mình giết hay là bảo người khác giết. Bảo vệ, tôn trọng và nâng cao giá trị của sự sống, đó là một khái niệm trung tâm của đạo đức Phật giáo. Cống hiến lớn của đạo Phật là coi trọng mọi dạng sống, chứ không phải chỉ riêng dạng sống loài người.
Đức Phật lên án mọi hình thức hủy hoại sự sống, Ngài cực lực lên án tập tục tế đàn của đạo Bà-la-môn, vì giết hại hàng chục, hàng trăm dê, cừu, bò… để cúng tế. Phật giáo cũng phê bình thú vui săn bắn của vua chúa.
Tất nhiên, Phật phản đối chiến tranh dưới mọi hình thức, trừ trường hợp khi cả một dân tộc, một quốc gia bị xâm lăng và phải tự vệ. Ở Việt Nam, những ông vua Phật tử như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông đã lãnh đạo cuộc kháng chiến của toàn dân chống lại các cuộc xâm lăng của quân đội nhà Tống và nhà Nguyên.
Thời Phật tại thế, Tăng sĩ khất thực hàng ngày để sống, giới luật có quy định Tăng sĩ không được đốn cây, đào đất, để bảo vệ các loài sinh vật nhỏ.
Đó cũng là sự thể hiện của lòng từ bi của đạo Phật, một lòng từ, lòng bi bao quát tất cả mọi dạng sống trên trái đất này, dù là lớn hay nhỏ, mắt thấy được hay không thấy được, như kinh Từ Bi nói: “Loài được thấy, không thấy/ Loài sống xa, không xa/ Các loài hiện đang sống/ Các loài sẽ được sanh/ Mong mọi loài chúng sanh/ Sống hạnh phúc an lạc”. Phật cho rằng từ bi là trạng thái tâm thức tốt đẹp nhất ở thế gian này và khuyến cáo tất cả Phật tử dù là đi, đứng, nằm, ngồi, đều an trú niệm của mình ở lòng từ, lòng bi không hạn lượng đó.
Tâm từ bi ấy, được duy trì, bồi dưỡng trong mọi giây phút của đời sống, thì có thể đảm bảo chắc chắn hạnh phúc đời này và đời sau sẽ đến với chúng ta, không khác gì bóng đi theo hình: “Nếu với ý thanh tịnh/ Nói lên hay hành động/ An lạc bước theo sau/ Như bóng không rời hình” (Kinh Pháp cú). Tâm ý thanh tịnh đây chính là cái tâm từ, tâm bi mà Đức Phật ca ngợi như là cái tâm trạng tốt đẹp nhất trên thế gian này.
Trong ý nghĩa đó, mặt tích cực của giới không sát sinh là tôn trọng sự sống, nâng cao chất lượng của sự sống ở mọi cấp, mọi hình thức. Việc chúng ta tham gia các phong trào chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, chống bạo loạn, bạo hành, khuyến khích hòa hợp và đối thoại trong phạm vi quốc tế, khu vực, quốc gia, địa phương đều là thể hiện mặt tích cực của giới không sát sinh. Bởi lẽ bảo vệ môi trường sống, cũng tức là bảo vệ sự sống, nâng cao chất lượng sống. Mỗi chùa, thậm chí cho tới mỗi gia đình Phật tử đều sẽ là những trung tâm lớn hay nhỏ của việc thực hành đạo đức Phật giáo, được thể hiện trong nếp sống hàng ngày của lòng từ, bi, hỷ, xả.
2. Giới không lấy của không cho: Thuộc phạm vi giới này, không phải chỉ là những hành vi trộm cắp lộ liễu mà còn gồm cả những hành vi như buôn lậu, tham nhũng, lừa đảo, lật lọng trong buôn bán để kiếm những món lời bất chính, lạm dụng hay chiếm dụng của công v.v…
Ở các nước phát triển, việc khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là loại tài nguyên không thể phục hồi được như quặng kim loại, dầu mỏ, hay là khó phục hồi như rừng gỗ, loài động vật quý hiếm phải được kết tội như là những hành vi chiếm đoạt tài sản của các hậu thế.
Thánh Gandhi nói “Ăn một miếng không cần ăn, tức là chiếm đoạt phần ăn đó của người khác”. Trên tinh thần đó, người Phật tử nên tránh và phê phán những cuộc ăn nhậu, tiệc tùng lãng phí. Đó là khoe khoang, thiếu lòng trắc ẩn đối với những người nghèo, người đói ở khắp nơi. Chúng ta biết rằng, ăn một miếng không cần ăn, thì miếng ăn đó sẽ trở thành thuốc độc, đầu độc cơ thể, sinh ra lắm chứng bệnh. Đó là bệnh của người ăn no: bệnh đường ruột, bệnh dạ dày, các loại bệnh tiêu hóa, bệnh huyết áp, bệnh béo bệu, và bao nhiêu thứ bệnh khác nữa.
Mặt tích cực của giới không lấy của không cho là sống trung thực, lương thiện, tuyệt đối không xâm phạm tới tài sản, của cải của người khác, dù là cây kim, sợi chỉ. Hơn thế nữa là người đó còn sống biết đủ, không nghĩ cách làm giàu thêm bằng những lối làm ăn lừa lọc, không chính đáng, phi đạo đức.
Cần chú ý rằng, đạo Phật không phản đối làm giàu, nếu đó là làm giàu chính đáng. Đức Phật từng nói với ông Cấp Cô Độc rằng, người giàu có những niềm vui như là có được của cải, do lao động của mình tạo ra, có được của cải để làm việc thiện, có của cải cho nên không phải nợ nần. Nhưng Đức Phật kết luận là những niềm vui đó, tuy chính đáng nhưng vẫn thua xa niềm vui của một người sống thiện, không hề bị lương tâm khiển trách. Quan trọng hơn là người đó sống biết bố thí, luôn luôn và sẵn sàng giúp đỡ người khác trên mọi mặt.
3. Giới không tà dâm: Con người hiện đại hiện có khuynh hướng lún sâu vào một đời sống tình dục không hạn chế, dẫn đến gia đình tan nát, tỷ lệ ly dị cao, trẻ con sống bơ vơ, không được giáo dục, tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội nghiện ngập, hút xách, mua bán dâm bừa bãi. Một trong những hậu quả tai hại nhất của lối sống tình dục bừa bãi là bệnh AIDS. Trong một bối cảnh xã hội và thế giới như vậy, tầm quan trọng của giới thứ ba, giới không tà dâm của đạo Phật càng nổi bật lên, như một nhu cầu cấp thiết.
Hạnh phúc gia đình được bảo hộ từ việc giữ giới - Ảnh: Bảo Toàn
Chúng ta cần nhớ rằng, nhân loại từ tình trạng dã man chuyển sang văn minh là nhờ có thiết chế gia đình. Tình thương của người mẹ đối với con cái đóng vai trò lớn trong sự ổn định thiết chế gia đình, con người cảm thấy được an ủi, bớt cô độc, bước đầu giáo dục về tình thương đồng loại, trong cánh tay ôm ấp của người mẹ, trong lời ru ngọt ngào.
Thế nhưng, nếp sống tình dục bừa bãi của con người hiện đại có nguy cơ phá hoại thiết chế gia đình của con người, để rồi họ cảm thấy đau khổ hơn. Đạo Phật đã vạch ra cho chúng ta một lối thoát ra khỏi cuộc sống đau khổ hiện đại, là lối sống đạo đức, hướng thượng theo 5 giới, 10 thiện, lối sống tránh cả hai cực đoan: đam mê dục vọng tầm thường, cũng không sống ép xác khổ hạnh.
Người Phật tử tại gia có quan hệ chính đáng với người bạn đời chính thức của mình. Quan hệ vợ chồng là quan hệ vừa có tình, vừa có nghĩa, là trụ cột của mọi quan hệ khác trong gia đình, như quan hệ cha mẹ và con cái, quan hệ anh, chị em và rộng hơn là quan hệ họ hàng thân thuộc. Trụ cột mà vững vàng, lành mạnh thì mọi quan hệ khác trong gia đình cũng sẽ vững vàng và lành mạnh theo. Mà quan hệ gia đình ổn định, lành mạnh, lại là cơ sở của một xã hội ổn định và lành mạnh.
Giữ đúng giới “không tà dâm”, người chồng, người vợ, người cha, người mẹ đóng vai trò rất lớn, có thể nói là quyết định trong sự nghiệp làm lành mạnh, và ổn định xã hội, cũng như giáo dục và bồi dưỡng thế hệ tương lai.
4. Giới không nói dối: Đối với đạo Phật, nói dối tai hại trên nhiều mặt. Thứ nhất, nói dối ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định xã hội. Con người chỉ có thể sống chung với nhau trong một bầu không khí tin cậy lẫn nhau. Nếu mọi người đều nói dối, thì đó là dấu hiệu của xã hội giải thể và tan rã. Thứ hai, trên bình diện cá nhân, nói dối có tác dụng tai hại là phản ứng dây chuyền. Nghĩa là, lời nói dối này kéo theo lời nói dối khác, rồi một lời nói dối khác nữa, còn nghiêm trọng hơn, cho tới khi bản thân mình cũng bị bao bọc bởi tấm màn dối trá do mình tạo ra.
Một người như thế, ngày càng rời xa đích giác ngộ và giải thoát, ngày càng sa vào vòng tội lỗi. Một người đã sống không thật với người khác và với bản thân mình thì sẽ không bao giờ tìm tới sự thật, chứ đừng nói chứng ngộ sự thật. Kinh Lăng nghiêm, Phật từng nói rằng, con đường duy nhất dẫn tới giác ngộ chân lý là con đường trực tâm. Trực tâm là cái tâm thẳng, cái tâm thật.
Hiện nay, người ta nói dối với nhau một cách dễ dàng. Người mẹ muốn cho con nín không khóc, cũng nói dối. Cha mẹ, muốn đi chơi với nhau một mình, không cho con đi theo cũng nói dối. Chủ nhà mời khách ăn cơm, cũng là mời để mời, chứ không muốn mời. Khách tuy chưa ăn cơm ở nhà, nhưng để từ chối một lời mời không thật, cũng nói dối “Cám ơn, tôi đã ăn cơm rồi”. Người ta gọi đó là nói dối theo phép lịch sự. Thế nhưng, phép lịch sự theo đúng nghĩa của nó, chính là không nói dối. Nhất là cha mẹ đối với con cái còn nhỏ, lại càng không nên nói dối. Rồi một ngày, chính trẻ em sẽ nói dối lại cha mẹ, bạn bè, như chúng ta từng nói dối với chúng. Tất nhiên, có những trường hợp, không nói sự thật được thì im lặng, chứ đừng có nói dối.
Phật tử không những không nói dối mà còn không được nói lời chia rẽ, gây mất đoàn kết. Phật tử bao giờ cũng nên nói lời hòa hợp, để đoàn kết lại những người vốn bị chia rẽ, và tăng cường đoàn kết hơn nữa đối với những người vốn đã hòa hợp. Động cơ xấu nói chia rẽ có thể là lòng hận thù, ganh tị đối với sự thành công của người khác, là tâm ác muốn gây đau khổ cho người mà mình không thích. Khi lời nói xấu, nói chia rẽ đồng thời cũng là nói dối, thì hai tội, nói dối và nói chia rẽ cộng lại tạo ta nghiệp ác nghiêm trọng, có thể quyết định người phạm giới tái sinh vào cõi ác, cõi khổ.
Mặt tích cực của giới không nói lời chia rẽ là nói lời hòa hợp, xuất phát từ động cơ lòng từ, lòng bi. Theo sách Phật, người nói lời hòa hợp thường có nhiều bạn trung thành với mình, ở đời này cũng như ở đời sau.
Phật tử không những không nói dối, nói lời chia rẽ mà cũng không được nói lời ác độc, khó nghe, làm đau lòng người khác. Kích bác người khác với lời chua cay, chửi rủa, mắng nhiếc hay là chế nhạo người với lời thâm độc đều là những điều ác về lời nói. Trong mọi trường hợp, Phật tử phải biết kiên nhẫn, biết vui vẻ đón nhận lời phê bình, và biết thông cảm với những khuyết điểm của người khác.
Phật tử biết nói đúng thời, đúng lúc, tránh nói lời vô nghĩa, tranh thủ nói với mọi người những lời có ích, có đạo lý, dễ nghe, dễ thấm vào lòng người như là sự thực hành pháp thí.
5. Giới không sử dụng các chất say: Tác hại của rượu thì ai cũng biết, nhưng ai cũng uống. Uống rượu, uống bia ngày nay dường như trở thành một thứ thời thượng. Các cuộc thí nghiệm khoa học cho thấy, rượu làm nóng cơ thể chứ không cung cấp được chất dinh dưỡng nào cho cơ thể. Đó là kết luận của y học hiện đại.
Mặc dù rượu uống với liều lượng ít có khả năng kích thích thần kinh, và có thể dùng làm thuốc, thế nhưng nếu uống nhiều, uống hàng ngày thì lợi bất cập hại, dù rằng không uống để say. Cho nên đạo Phật xem giới cấm rượu là một trong năm giới cơ bản. Kinh Thiện Sanh, Phật tuyên bố nghiện rượu một trong sáu nguyên nhân làm cho tan cửa nát nhà: “Này gia chủ, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm. Tài sản bị tổn thất, hay gây tranh cãi, mắc nhiều bệnh tật, danh dự thương tổn, quần áo hở hang để lộ âm tàng, trí lực bị tổn hại. Này gia chủ, nghiện các loại rượu có sáu nguy hiểm như vậy”.
Phật tử ngay từ nhỏ tuổi, phải được giáo dục về sự cần thiết tự chăm lo sức khỏe và giữ gìn tâm hồn trong sáng và lành mạnh, để kịp thời ứng phó với mọi biến thiên và cảnh ngộ của cuộc sống. Việc phung phí sức khỏe, làm mê muội tinh thần bằng một lối sống buông thả là một tội lỗi, phải trả giá đắt bằng cả cuộc đời của mình.
Xem ra, nội dung của 5 giới nhà Phật chính là nền tảng xây dựng đạo đức của con người hiện đại. Tính thời sự, tính bức xúc của tầm quan trọng của đạo đức Phật giáo, có thể thấy rõ qua hình ảnh sau đây, mà học giả người Mỹ, Harry Elmer Barnes đã dùng trong cuốn Social Institutions: “Con người hiện đại giống như một người, mà chân này thì cột vào một máy bay phản lực, chân kia thì cột vào một chiếc xe trâu kéo”. Một con người như thế chỉ có chết mà thôi, nó bị xẻ làm hai mảnh. Muốn sống, nó phải biến chiếc xe trâu kéo thành một máy bay phản lực thứ hai, nghĩa là phải quan tâm đến cuộc sống đạo đức và tâm linh, nâng nó lên ngang tầm, thậm chí còn cao hơn cuộc sống vật chất, để nó có thể chỉ huy, điều khiển cuộc sống vật chất.
Tóm lại, nếp sống hạnh phúc của người con Phật không phải là cái gì to lớn mà thực sự bắt đầu từ một điều rất đơn giản: Hãy sống thật lòng mình bắt đầu cái tâm hiền thiện, thọ trì tam quy - ngũ giới mà Phật đã dạy cách đây 2.500 năm về trước, chắc chắn chúng ta sẽ có một mùa xuân hạnh phúc thật sự ngay giữa cõi đời này.