Xuất khẩu thư pháp Việt

Sau cuộc gặp gỡ của ông đồ ba miền đất nước tại Ninh Bình hôm 21/4, nhiều ý tưởng phát triển thư pháp Việt được nhen nhóm và ý định về xuất khẩu thư pháp Việt ra nước ngoài sẽ được thực hiện trong nay mai.

Ai cũng có thể chơi thư pháp Việt

Người viết thư pháp, chơi thư pháp trước hết tìm được cái hay, cái đẹp trong những điều họ gửi gắm qua từng nét bút. Ông đồ Phạm Gia Cẩn, người vừa đoạt kỷ lục viết quyển Kinh pháp cú theo lối thư pháp có kích thước lớn nhất cho rằng, những căng thẳng của đời sống thường nhật như bay biến sau mỗi lần cầm bút là lý do 10 năm nay ông gắn bó với nghiên mực tàu, giấy dó. "Người xin chữ chủ yếu là xin cái đạo hiếu: đức, tâm, tài, lễ, nghĩa… Và nếu bạn viết cái đó mỗi ngày nghĩa là bạn có cơ hội răn mình, hoàn thiện mình hơn”, ông đồ Phạm Gia Cẩn chia sẻ.

Thư pháp Việt thu hút mọi thành phần tham gia từ nam phụ, lão ấu nên tính phổ biến trở nên rộng rãi. Ảnh: Trung Kiên

Thư pháp Việt thu hút mọi thành phần tham gia từ nam phụ, lão ấu nên tính phổ biến trở nên rộng rãi. Ảnh: Trung Kiên

Dưới con mắt nhà tu hành, đại đức Thích Giác Thiện, người cho chữ cũng phải tìm cách để làm sao đưa thông điệp đến đúng người cần và nếu làm được điều đó, ông đồ cần có một sự tĩnh tâm nhất định. Chia sẻ về việc tìm đến với thư pháp, vị đại đức này cho biết: “Ý nguyện của tôi gắn với công việc giáo dục thầm lặng và thư pháp đã giúp tôi truyền tải được điều đó”.

Thư pháp Việt đáp ứng mọi mong muốn của nam phụ, lão ấu và vì điều ấy nó có cơ hội phát triển. Theo nhà thư pháp Minh Hạnh, Trung tâm Việt Nam thư đạo tại TP HCM, chơi thư pháp ngoài việc được thưởng lãm con chữ đẹp còn được răn dạy những đạo lý có giá trị từ bao đời. Mỗi ông đồ qua con chữ mình viết cũng muốn trao tặng những tình cảm tốt đẹp đến người đời. Và ở khía cạnh này, thư pháp Việt với tính phổ cập rộng rãi đã đạt được mục đích hướng thiện nhiều hơn thư pháp Hán.

Xuất khẩu để quảng bá văn hóa và tôn vinh tiếng Việt

Ông Lê Trần Trường An, Giám đốc trung tâm sách kỷ lục Việt Nam, phó trưởng ban tổ chức ngày hội các ông đồ cho rằng, từ xưa đến nay nghĩ đến thư pháp là người ta nghĩ tới chữ Hán bởi thư pháp Việt mới chỉ phát triển được khoảng 30 năm.

Nhưng có một thực tế, trong thời gian dài  phong trào thư pháp bị mai một do người Việt trẻ không được tiếp xúc với chữ Hán nên họ không hiểu được những thông điệp của thư pháp Hán. Thư pháp Việt ra đời trên cơ sở kế thừa những cái hay, cái đẹp của thư pháp Hán Nôm đã mang đến một thứ văn hóa gần gũi với mọi thành phần và nhanh chóng phát triển.

Cuộc triển lãm thư pháp Việt trên phố ông đồ của những lưu học sinh Việt Nam tại ĐH Hoa Trung, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc (26/12/2009) nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người nước ngoài. Tương tự, những cuộc giới thiệu thư pháp Việt ở Châu Âu cũng nhận được nhiều sự cổ vũ. Đó chính là lý do đại đức Thích Chỉnh Tuệ cho rằng, người Việt đã nâng được chữ mẹ đẻ của mình lên một tầng cao mới. Cũng theo vị tu sĩ này, mỗi đất nước, dân tộc đều có tiếng nói riêng của mình. Chữ Hán có thuận lợi riêng trong khi thể hiện ý nghĩa qua thư pháp vì có kết cấu rõ ràng hơn tiếng Việt. Nhưng theo đại đức Thích Chỉnh Tuệ, nếu có tình cảm lớn thì sẽ có sáng tạo lớn và chính tình cảm yêu mến của người Việt với con chữ họ đang sử dụng là cơ sở để tạo dựng lên một lối chơi thư pháp mới: thư pháp Việt ngày nay.

Tiếng Việt hoàn toàn có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật với sự sáng tạo kỳ công của con người. Ảnh: Trung Kiên
Tiếng Việt hoàn toàn có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật với sự sáng tạo kỳ công của con người. Ảnh: Trung Kiên

Có không ít người cho rằng, chấp nhận lối chơi của thư pháp Việt nghĩa là đồng tình gạt bỏ cái cội rễ văn hóa sâu xa của người Việt bởi lịch sử nghìn năm của dân tộc Việt được ghi lại bằng ngôn ngữ Hán tự. Tuy nhiên, những người chơi thư pháp Việt đều khẳng định, thư pháp Việt được sáng tạo và kết tinh trên cơ sở thư pháp chữ Hán và việc sử dụng ngôn ngữ nào để truyền đạt được đến nhiều người thông điệp hướng thiện nhất thì nghĩa là đang làm một việc tốt đẹp.

Ông Lê Trần Trường An cho biết, tâm nguyện quảng bá văn hóa Việt Nam của ông đến với bạn bè trên thế giới đã có từ rất lâu và khi gặp được những người chơi thư pháp Việt ông nhận ra rằng, quảng bá văn hóa qua chữ viết là cách làm nhiều quốc gia đã từng thực hiện. Thông qua thư pháp Việt, người Việt không những tôn vinh được chữ viết của dân tộc, mà còn quảng bá được nền văn hóa có chiều sâu với những câu danh ngôn, ca dao, tục ngữ...

Tuy nhiên, để làm được điểu này, ông Trường An tiết lộ sẽ bắt đầu ở những quốc gia, khu vực có đông đảo người Việt Nam sinh sống. Từ đó ông sẽ phát triển thư pháp Việt ra rộng hơn.

Với mong muốn tìm một con đường để thư pháp Việt đến được với đông đảo công chúng, ông Lê Trần Trường An, Giám đốc Công ty cổ phần Kỷ lục Việt Nam cho biết, đơn vị này vừa phát hành những bộ poster card thư pháp ra công chúng. Ông An cũng khẳng định, để sở hữu một bức thư pháp có thể người dân phải bỏ ra số tiền một triệu đến vài triệu đồng, nhưng để sở hữu những poster card thì chỉ mất vài nghìn đồng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày