Ý nghĩa An cư kiết hạ

GN - Theo Đại phẩm (Luật tạng), trong giai đoạn đầu Đức Phật chưa chế pháp an cư. Thế rồi khi mùa mưa đến, cây cối mọc lên kéo theo sự sinh sôi nảy nở của vô số côn trùng. Một số đạo sĩ các giáo phái khác cũng có quy định an trú trong mùa mưa để tránh giẫm đạp làm tổn hại sinh mạng; thế nhưng có một số chư Tăng đệ tử Phật vẫn tiếp tục du hành trong ba tháng mùa mưa. Sự kiện này đã khiến dân chúng và các giáo phái ngoại đạo kịch liệt chỉ trích: “Làm thế nào có thể những Sa-môn, con trai của giòng họ Thích Ca đi về trong mùa đông, mùa hè và cả trong mùa mưa, họ chà đạp xuống thảm cỏ xanh, làm bị thương, giết hại nhiều sinh vật? Đến mùa mưa, chim, kiến còn biết làm tổ để trú mưa, các đệ tử Sa-môn Cồ-đàm cứ đi mãi và giẫm phải côn trùng”. Sự kiện này được trình báo lên Đức Phật, thế rồi Ngài dùng huệ nhãn để quán xét, nhận thấy nhân duyên đến, nên ban hành lễ An cư kiết vũ hàng năm để những người xuất gia hành trì có an lạc. Đức Phật dạy: “Nay Tôi quy định, các Tỳ-kheo phải kiết túc an cư trong ba tháng mùa mưa”.

ancu.jpg


Tăng sinh Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM tác pháp an cư PL.2564

Thuật ngữ an cư tiếng Pāli là Vassa, Phạn là Varṣā, tiếng Anh là Retreat season, nghĩa là ở an vào mùa mưa. Trung Hoa dịch ý là Vũ kỳ (thời kỳ mưa), gọi tắt của Vũ an cư (雨安居), an cư mùa mưa), còn được gọi là Hạ hành (夏行), Tọa hạ (坐夏), Tọa lạp (坐臘), Hạ lung (夏籠), Hạ thư (夏書), Hạ kinh (夏經), Hạ đoạn (夏斷), Hạ (夏). Do đó mới có tên gọi Nhất hạ cửu tuần (一夏九旬), Cửu tuần cấm túc (九旬禁足), Kiết chế an cư (結制安居), Kiết chế (結制), v.v… Bắt đầu kiết chế an cư thì gọi là Kiết hạ (結夏), khi kết thúc an cư là Giải hạ (解夏).

Tứ phần luật san bổ tùy cơ yết-ma sớ (quyển 4), giải thích nghĩa chữ an cư như sau: “Thu nhiếp thân tâm yên tĩnh là an, thời kỳ phải ở lại là cư”. Luật Tư trì ký định nghĩa: “Lập tâm một chỗ gọi là kiết; bộ Nghiệp sớ định nghĩa: Thu thúc thân vào chỗ tịch tĩnh gọi là an”. An cư cũng có nghĩa là “An kỳ tâm, cư kỳ thân”, tức thân ở yên một chỗ và tâm được an lạc, thanh tịnh gọi là an cư.

Trong thời gian ba tháng mùa mưa ở Ấn Độ thì chư Tăng không được đi hành hóa các nơi, hơn nữa do vì trong thời gian này các loại cây cỏ, côn trùng phát sanh, nên để đừng sát thương các vật đó, hàng đệ tử Phật thường tập trung lại một nơi, cấm túc, đặt ra quy chế tọa thiền tu học trong suốt ba tháng an cư.

Về thời gian an cư, thông thường phần nhiều lấy một hạ chín tuần (tức ba tháng) làm kỳ hạn. Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao (quyển thượng, phần 4), lấy ngày 16 tháng 4 là ngày đầu an cư, ngày 15 tháng 7 là ngày cuối cùng, ngày hôm sau là ngày Tự tứ; luật Ma-ha-tăng-kỳ (quyển 27), thì lấy ngày 15 tháng 7 làm ngày Tự tứ. Về ngày tháng quy định thì tùy theo đất nước, khí hậu, để tiến hành thời gian an cư cho phù hợp.

Theo Đại phẩm, Đức Phật quy định có hai thời điểm vào mùa an cư: Tiền an cư và Hậu an cư. “Tiền an cư thì nên vào nhằm ngày kế của (ngày trăng tròn) tháng Āsāḷha, Hậu an cư thì nên vào khi (ngày trăng tròn) tháng Āsāḷha đã trôi qua một tháng. Này các Tỳ-kheo, đây là hai thời điểm vào mùa an cư”.

Truyền thống Phật giáo Nguyên thủy y cứ theo lịch này nên bắt đầu Vũ kỳ an cư (Vassavāsa) từ ngày 16 tháng 6 (tháng Āsāḷha) và kết thúc vào ngày 16 tháng 9 (tháng Āssina). Nếu an cư được bắt đầu vào ngày 16 tháng 6 thì gọi là Tiền an cư (Purimikavassà). Còn nếu như có duyên sự không thực hiện Tiền an cư được mà phải dời lại một tháng sau, tức bắt đầu từ ngày 16 tháng 7 âm lịch và kết thúc vào ngày 16 tháng 10 thì gọi là Hậu an cư (Pacchimikāvassā). Và số mùa an cư mà một vị Tỳ-kheo đã trải qua được dùng để tính hạ lạp, tức tuổi đạo. Ngoài ra còn một số quy định cụ thể về pháp an cư (như cư trú phù hợp, phòng xá,…) được ghi lại rõ trong Luật tạng.

Ngày nay, truyền thống Phật giáo Việt Nam thường gọi là An cư kiết hạ, tức kiết túc an cư trong ba tháng hạ theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Sau rằm tháng Tư âm lịch, chư Tăng theo truyền thống Phật giáo Đại thừa bắt đầu kiết túc an cư, cho đến hết ngày rằm tháng Bảy âm lịch, làm lễ tự tứ và giải hạ kết thúc mùa an cư. Điều này thể hiện tính linh hoạt, tùy duyên trong Phật giáo. Tùy theo thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu và điều kiện để tiến hành an cư cho phù hợp. Thời gian có sự sai khác nhưng nội dung và ý nghĩa an cư thì giống nhau.

Trong Trường A-hàm (quyển 2, kinh Du hành), kinh Phật bản hạnh tập (quyển 39), có ghi chép sự tích Đức Phật và các đệ tử an cư tu hành. Kinh Tăng-già-la-sát sở tập (quyển hạ), thì liệt kê tên các nơi mà Đức Phật đã ngồi hạ trong khoảng 45 năm. Về địa điểm mà Đức Phật sau khi thành đạo, và các đệ tử đã cử hành an cư lần đầu tiên, thì các kinh điển nói khác nhau, tuy nhiên, thông thường phần nhiều lấy vườn Lộc Dã làm nơi an cư lần đầu tiên. Lại theo Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa (quyển 3) chép, con trai của vua A-dục là Ma-hin-đà và các Tỳ-kheo ở Tích Lan (nay là Sri Lanka) đã ngồi hạ ba tháng tại Ca-na-ca-thất (Pāli: Kaịraka) trên núi Chi-đế-da (Pāli: Cetiyagiri). Đến nay, Tích Lan và các nước Phật giáo phương Nam vẫn chiếu theo luật đã quy định mà cử hành an cư. Cứ theo luật Thập tụng (quyển 24), thì năm chúng xuất gia là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phải cử hành an cư, còn hai chúng tại gia Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di thì không được an cư. Lại trong năm chúng xuất gia thì Tỳ-kheo và Sa-di cùng ở một chỗ an cư tu hành; Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni cùng ở một chỗ an cư tu hành. Theo Đại phẩm, Nhập vũ an cư kiền độ (Pāli: Vassupanàyika - kkhandhaka) văn Pāli quy định, nếu Tỳ-kheo không an cư thì sẽ mắc tội ác tác (Pāli: Dukkara, Đột-cát-la).

Phật giáo, không giống như các tôn giáo khác như Kỳ-na hay Ấn giáo, không rơi vào hình thức chủ nghĩa cực đoan của các nguyên tắc bất bạo động. Mà chế pháp an cư thứ nhất cũng để chư vị Tỳ-kheo tránh giẫm đạp lên cây cối và côn trùng trong ba tháng mùa mưa, nhằm thực hiện sự tôn trọng và bảo vệ sinh mạng các loài động vật; thứ hai, tránh sự cơ hiềm của thế gian và ngoại đạo.

Tuy nhiên, Đức Phật đã quan tâm nhiều hơn với những thái độ sống, chứ không câu nệ vào hình thức. Tức quy chế an cư nhằm tạo ra cơ hội tốt để chư vị Tỳ-kheo tập trung vào sự tu tập trau dồi giới định tuệ, làm tấn tu đạo nghiệp hướng tới sự giác ngộ giải thoát. Do đó, thiết lập pháp an cư không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân Tăng mà còn làm tăng trưởng niềm tin vào Tam bảo của chúng Phật tử. Và ban hành an cư là nhằm mục đích duy trì truyền thống chư Phật trong quá khứ. Thành ra, mùa an cư đã trở nên quan trọng và ý nghĩa đối với tứ chúng đệ tử Phật.

Như vậy, dù kiết hạ hay kiết đông an cư thì mục đích chính vẫn là thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không quan tâm đến việc tu tập thiền định để bồi dưỡng trí tuệ thì thật không xứng đáng là bậc mô phạm tỉnh thức. Sự khắt khe này cũng chỉ vì Đức Phật muốn bảo hộ sức sống của Tăng-già bằng việc triển khai năng lực tu tập của mỗi cá nhân. Nếu ai trong hàng xuất gia đệ tử Phật không tôn kính vâng giữ lời huấn thị của Đức Phật, xem an cư là một điều bó buộc, một phương tiện nhỏ nhặt thì quả thật người ấy không những tự chối bỏ phần tự lợi mà gây ảnh hưởng không tốt cho Tăng đoàn. Cũng như người nông phu mỗi năm phải làm ruộng, nếu năm nào bỏ bê không chăm lo đến mùa màng thì người nông phu sẽ bị nghèo nàn đói thiếu. Hàng xuất gia nếu không có những ngày tháng cùng sinh hoạt cộng trú để sách tấn lẫn nhau thì làm sao có điều kiện để tạo thành năng lực hòa hợp và kiểm chứng giá trị thanh tịnh? Kết thúc khóa an cư là Tự tứ, một hình thức tối quan trọng để tổng kết quá trình tu tập tiến triển hay lui sụt của từng cá nhân qua ba tiêu chuẩn: thấy, nghe, nghi. Những ai vượt ra khỏi phạm vi giới luật, buông lung theo ba nghiệp, hành động theo bản năng cố hữu thì sẽ bị cử tội giữa đại chúng để bổ khuyết sửa chữa.

Pháp chế an cư tu học, nếu được đại chúng thực hành chí thành, đúng mức, thì đó thật là nguồn năng lực lớn lao để củng cố tinh thần hòa hợp thanh tịnh của Tăng-già; trưởng dưỡng tâm Bồ-đề ngày càng lớn mạnh, bền chắc; giúp cho sự nghiệp nhiếp hóa chúng sinh thành tựu viên mãn. Chư vị thiện nam tín nữ cũng nương nhờ uy đức rộng lớn như biển của Đại Tăng mà tâm linh thăng tiến; nhờ tu học Phật pháp mà trí tuệ phát triển; nhờ thành tâm tu hạnh bố thí cúng dường mà phước đức sâu dày, duyên lành đối với Phật pháp sẽ kết chặt vững bền mãi mãi về sau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày