3 ngày ở xứ Chùa Tháp

Campuchia thu hút khách du lịch không chỉ bởi khu đền Angkor được công nhận là di sản văn hóa thế giới, mà đất nước này còn nổi tiếng bởi những sòng bài mở thâu đêm suốt sáng. Những kiến trúc kỳ vĩ, những con người lầm than, và những sòng bạc tráng lệ là những nét đặc trưng mà người nào ghé Campuchia dù với thời gian rất ngắn cũng có thể nhận ra. 

3 ngày ở xứ Chùa Tháp ảnh 1

Các trụ gỗ được sử dụng để chống đỡ khối kiến trúc
trong giai đoạn trùng tu. Ảnh: H.Đ


Đi lên từ du lịch

Dù đã biết từ trước nhưng tôi vẫn không thể mường tượng việc cả một đoạn đường dài từ biên giới hướng về Phnôm Pênh là những sòng bài sang trọng nằm san sát nhau. Cái lớn nhất tương đương với một trung tâm thương mại quy mô nhỏ, cái bé cũng trên 4 tầng.

Tại thủ đô Phnôm Pênh còn có mặt hàng loạt những sòng bài còn bề thế hơn. Cái khác là những sòng bài tại thủ đô này còn khéo léo kết hợp kinh doanh cả dịch vụ khách sạn để phục vụ nhu cầu ăn ngủ của người chơi. Có lẽ để khuyến khích, các khách sạn này đã kết hợp với các công ty du lịch để có giá phòng ưu đãi. Vì thế, không chỉ Việt Nam mà các đoàn du lịch Thái Lan, Hồng Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng ghé những địa điểm này. Trong sảnh sòng bài không chỉ được ăn uống miễn phí mà ngay từ đầu, những sòng bạc này còn tặng 10 USD để “dụ khị” du khách bỏ thêm 10 USD thử vận may. Một cái bẫy thật ngọt ngào mà không phải ai cũng cưỡng lại được.

Hầu hết những người chơi bài đều là người nước ngoài, không có người bản địa. Chỉ những cô gái chia bài và những chàng trai da ngăm làm phục vụ hay bảo vệ mới là người Campuchia. Chính phủ cấm người dân đánh bài trong nước.

Du lịch kết hợp với ăn chơi không phải quá mới mẻ trên thế giới. Nhiều nơi vì các sòng bài mà phát triển mạnh mẽ, như  Las Vegas (Mỹ) hay Macao. Có lẽ, Campuchia cũng đang đi theo con đường này để thu hút ngoại tệ. Ngành công nghiệp không khói thực sự phát triển mạnh tại Campuchia.

Một đất nước nông nghiệp nghèo, ngay cả thủy điện cũng không có thì việc phát triển công nghiệp hay nông nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức, mà kết quả thu về chưa chắc đạt bằng tập trung phát triển lĩnh vực mà mình đang có thế mạnh như du lịch.

Trái ngược với sự sôi động tại các thành phố lớn như Siem Riep hay Phnôm Pênh, trên quãng đường từ biên giới đến thủ đô là những ngôi nhà sàn bé xíu lọt tỏm trong màu xanh của cây thốt nốt, trong cái nắng vàng ươm, trong hoang sơ của những hồ nước quanh đó, và trong những tiếng sục đất của các con vật nuôi thả rong dưới sàn. Chỉ một số nhà được gọi là khá với mái ngói, vách gỗ, còn lại hầu hết đều lợp và ốp bằng loại lá. So sánh giữa khu vực nông thôn này với những sòng bài ở Campuchia thì quả thật rất khác biệt.


Viễn thông giá cực rẻ

Trước khi chuẩn bị qua biên giới, để thuận tiện trong việc mua sắm tại đất bạn, hướng dẫn viên đã giúp chúng tôi trong việc đổi tiền sang đồng riel, đồng tiền Campuchia. Nhưng thực ra, thủ đô, tiền Việt hay đô la Mỹ có thể sử dụng được. Tất cả sẽ quy đổi về tiền riel theo giá thị trường, ví dụ một túi bánh hay trái cây giá 2.000 riel, tôi có thể trả bằng 10.000 đồng hay đưa tờ 1 đô sẽ được thối lại 2.000 riel, hay 10.000 đồng tùy tôi thích lấy loại nào. Cũng ngay trên xe, khi qua biên giới, chúng tôi cũng được chào mời mua SIM để gọi điện trong những ngày lưu lại nước bạn và gọi về Việt Nam. Mỗi SIM Metfone hay Beeline bán ra khoảng 120.000đ có tài khoảng gần 2 USD (tương đương 40.000đ) nhưng gọi điện được đến 30 phút. Một mức giá rẻ đáng kinh ngạc. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa chính là giá gọi điện về Việt Nam cũng tương tự giá gọi tại Campuchia. Có lẽ bởi Metfone do tập đoàn Viettel đầu tư nên có sự liên thông này.

3 ngày ở xứ Chùa Tháp ảnh 3

Bên trong cung điện hoàng gia Campuchia. Ảnh: H.Đ

Nếu nói về vật giá, tại Campuchia không hề rẻ hơn Việt Nam, thậm chí theo anh hướng dẫn viên cho biết, giá điện của Campuchia đắt hơn Việt Nam đến 5 - 6 lần, giá xăng cao hơn 1,5 lần… Nguyên nhân là Campuchia vẫn chưa thể sản xuất điện và khai thác xăng dầu. Tất cả những nguồn năng lượng này đều mua từ Thái Lan, Việt Nam và các nước lân cận. Vì vậy, vật giá của Campuchia chẳng rẻ hơn Việt Nam là bao. Tuy nhiên, giá cước di động lại rẻ hơn rất nhiều lần. Chỉ một đất nước nhỏ nhoi nhưng Campuchia có đến 6 - 7 nhà mạng như Hello, Smart, mfone, Mobitel… Theo anh hướng dẫn viên cho biết, từ khi mạng Metfone (có cổ phần của Viettel) ra đời, giá cước viễn thông giảm hẳn, từ 2.000đ - 3.000đ/phút, giờ chỉ còn khoảng 15 cent/phút (khoảng 700đ/phút), thậm chí nếu sử dụng đầu số đặc biệt giá chỉ còn khoảng 10 cent/phút. Mới đây, Beeline cũng tiến vào Campuchia với mức giá chỉ 7 cent/phút (khoảng 300đ/phút). Đây thực sự là mức giá quá rẻ so với giá trong nước. Chính vì thế, Metfone đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tại đây, cùng mạng địa phương là Mobitel cạnh tranh khốc liệt.

3 ngày ở xứ Chùa Tháp ảnh 4

Bảng quảng cáo của mạng Beeline kéo dài
trên con đường đối diện chợ. Ảnh: H.Đ

Ngay khi qua biên giới, máy của tôi với SIM VinaPhone và MobiFone hầu như mất sóng ngay lập tức. Tuy nhiên, máy của người bạn đồng hành, sử dụng SIM Viettel vẫn bắt sóng được, và một lúc sau thì tự động chuyển sang mạng Metfone mặc dù không hề roaming hay thực hiện bất kỳ thao tác chuyển đổi nào. Thậm chí mạng Metfone tự động nhận SIM Viettel và gửi thông báo đến cho máy của bạn tôi, thông báo cước phí gọi điện tại khu vực này. Theo đó, bạn tôi vẫn có thể dùng SIM Viettel để gọi điện và nhắn tin về nước. Tuy nhiên, mức phí khá cao, chi phí gửi SMS là 2.420đ, nhận tin miễn phí, giá gọi điện tại Campuchia là 2.420đ/phút, gọi về Việt Nam là 4.840đ/phút. Chúng tôi không rõ phí nhận điện thoại và tin nhắn từ Việt Nam vào SIM Viettel tại Campuchia là bao nhiêu, nhưng sau khi nhận vài cuộc gọi từ Việt Nam gọi qua, tài khoản 300.000đ của bạn tôi đã hết veo. Trong khi SIM Metfone của tôi gọi ba ngày vẫn còn dư hơn phân nửa tài khoản.

Nền văn hóa đậm bản sắc

Sau bao háo hức về việc khám phá hai công trình kỹ vĩ, nổi tiếng của Campuchia là Angkor Wat và Angkor Thom, mọi người trong đoàn đều cảm thán về độ quy mô của hai ngôi đền. Những công trình này không thể so sánh với Kim Tự Tháp của Ai Cập hay những công trình kiến trúc đương đại được xếp cùng là biểu tượng quốc gia như tháp đôi của Maylaisia, nhà hát con sò của Úc, tháp Tokyo của Nhật… Nhưng giá trị lớn nhất của chúng chính là thời gian và văn hóa.

3 ngày ở xứ Chùa Tháp ảnh 5

Tồn tại từ thế kỷ 13-15 đến nay nên một vài chi tiết
trong kiến trúc đền đã bị sứt mẻ. Ảnh: H.Đ

Hai đền này được xây dựng vào khoảng thế kỷ 13 - 15 vào thời điểm phát triển đỉnh điểm nhất của đế chế Angkor, mang đậm bản chất văn hóa. Khi con người còn cảm thấy bé nhỏ trước vũ trụ bao la, khi không có bất kỳ máy móc, thiết bị nào hỗ trợ thì những công trình này là một kỳ tích. Những tảng đá khối lượng lớn, xếp chồng lên nhau, không thông qua bất cứ xi măng hay keo dán gì mà vẫn trụ vững qua hàng ngàn năm. Vậy thì những công trình đương đại làm sao có thể sánh bằng?

Vì thế, tôi yêu tất cả những gì thuộc về hai công trình này, từ ngọn tháp cao khổng lồ, tượng rồng 7 đầu, hành lang tái hiện cuộc chiến chống lại quỷ, các điêu khắc vũ nữ mềm mại trên tường đến hàng trăm họa tiết đủ kích cỡ mọi nơi, mọi ngóc ngách của Angkor Wat. Hay dãy hành lang đối xứng thiện ác trước cổng Angkor Thom, những bức tượng phật 4 mặt với nụ cười trong khung cảnh thâm nghiêm và huyền bí mang đến cảm giác bình yên và thanh tịnh khiến tôi không dừng được việc chạm vào hầu như tất cả các trụ đá. Không phải để cầu may hay cầu duyên, chạm vào chỉ đơn giản là tôi muốn cảm nhận cái mát lạnh từ đá, cái êm nhẹ từ lớp rêu và nét phúc hậu như soi vào những nỗi buồn, niềm đau, sự lo lắng trong con người tôi.

Vì thời gian không có nhiều nên đoàn chúng tôi chỉ đi được hai đền trong quần thể hàng trăm đền đài tại đây. Nếu muốn đi hết có lẽ phải mất đến cả tuần, mà cũng chỉ là đi theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Quả xứng danh là xứ sở của chùa Tháp. Chỉ tiếc là một số công trình đã bị hủy hoại nghiêm trọng qua các cuộc chiến tranh nội bộ và chiến tranh xâm lược. May mắn thay, vẫn còn đó những công trình văn hóa để người đời sau như chúng ta có thể chiêm ngưỡng và thán phục mãi khối óc và bàn tay của những bậc tiền bối.

Rời hai ngôi đền, chúng tôi sang thăm nơi ở của hoàng gia Campuchia. Được thiết kế với màu vàng sang trọng, ấn tượng với những ngọn tháp mặt phật và những góc nhọn ấn tượng hoàng cung Campuchia, nơi sinh hoạt và làm việc của vua, khiến người ta không ngừng thốt lên những lời khen tặng.

3 ngày ở xứ Chùa Tháp ảnh 6

 Toàn cảnh đền Angkor Wat. Ảnh: H.Đ

Trong ánh nắng nhuộm vàng những họa tiết, những bồn hoa, và những  cánh chim tung bay trên nóc tháp không gian càng thanh bình dễ chịu. Đặc biệt, khi chúng tôi đi đến chính điện, chúng tôi có thể chiêm ngưỡng hàng trăm tượng Phật lớn nhỏ được làm bằng các chất liệu quý giá như vàng, đồng, ngọc thạch… Đặc biệt, bức tượng to nhất được làm bằng vàng nặng đến 90 kg, đính hàng trăm viên kim cương lớn nhỏ ngay ở vị trí trung tâm khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Không phải ngạc nhiên vì độ quý giá của tác phẩm mà bởi chính hình tượng Phật đặc sắc. Tôi không phải là Phật tử, nhưng trong tiềm thức của tôi đức Phật Di Lặc có hình tượng của một ông già mập mạp, phúc hậu, miệng luôn tươi cười. Nhưng bức tượng Phật Di Lặc của Campuchia không như vậy. May mắn nhờ hướng dẫn viên đã cho tôi biết tín ngưỡng của người Campuchia cổ xưa là đạo Hindu và sau này là Phật giáo tiểu thừa. Vì vậy, hình tượng không giống như tại Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.

Chỉ vài ngày ngắn ngủi tham quan Campuchia, tôi vẫn chưa được biết hết những nét văn hóa đặc sắc và bí ẩn của xứ sở này. Nhưng sao tôi yêu quá nước da ngăm ngăm chân chất của những người dân nơi đây, yêu sao cái không khí bình lặng của làng quê và yêu sao nền văn hóa đậm bản chất Phật giáo này. Chắc chắn, nếu có cơ hội tôi sẽ ghé thăm lại Campuchia và lưu lại lâu hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày