GNO - Nhóm máu O là nhóm máu được các bệnh viện cần rất nhiều vì truyền được cho bệnh nhân thuộc tất cả các nhóm máu khác - theo Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn ngày 14-6 hàng năm để tri ân người hiến tặng máu vì đã giúp mang lại sự sống cho người khác, cũng như để nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhu cầu máu hiến tặng thường xuyên.
Một bạn trẻ hoan hỷ hiến máu tình nguyện
Tại Hoa Kỳ, cứ khoảng mỗi 2 giây là có một người cần được truyền máu, nhu cầu bổ sung 36.000 đơn vị tế bào hồng cầu mỗi ngày. Mỗi năm có khoảng 7 triệu người Hoa Kỳ tình nguyện hiến tặng máu và việc thiếu máu vẫn đang còn là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều bệnh nhân - theo báo cáo của WHO.
Đến năm 2011, WHO cho biết các nguồn cung máu quốc gia 100% và gần như 100% nhờ vào hiến máu nhân đạo (không được chi trả) ở khoảng 62 quốc gia trên thế giới.
Do vậy, người có nghĩa cử cao đẹp này cũng cần được có sự chuẩn bị nhất định để việc cho tặng máu thành công và càng ít đau đớn càng tốt. Có khoảng 25% trong chúng ta có thể sẽ cần được truyền máu vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ và các tổ chức khác của nước này đã đưa ra một số hướng dẫn để cả máu hiến tặng và người cho tặng máu được khỏe mạnh. Cụ thể là:
1 - Kiểm tra xem bạn có phù hợp để hiến tặng máu không?
Các ngân hàng máu tuy có nhu cầu về máu rất cao nhưng không phải máu nào cũng được dùng sau khi nhận từ người hiến tặng. Hầu hết các bang tại Hoa Kỳ yêu cầu cá nhân người hiến máu phải được ít nhất 17 tuổi, có trọng lượng cơ thể tối thiểu là 50 kg (tương đương 110 pounds). Nếu không đủ tiêu chuẩn này người hiến máu tự nguyện sẽ bị từ chối.
Tại Hoa Kỳ, việc hiến máu cũng được xem là không đủ tiêu chuẩn với người có xăm hình cận thời gian hiến máu, với người đã ra khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ, người có nguy cơ bệnh tình dục, người huyết áp thấp hay người bị chứng thiếu máu. Trong trường hợp bạn bị thiếu máu mà vẫn muốn hiến máu, thì máu ở ngón tay sẽ được lấy được kiểm tra mức độ sắt có đủ để đảm bảo an toàn khi cho máu hay không.
2 - Duy trì sắt ở mức cao trước khi hiến máu
Nếu đủ điều kiện tặng máu thì trước khi cho máu, bạn nên hạn chế hấp thu chất béo và tăng cường hấp thu sắt khoảng 1 giờ trước khi hiến máu. Bánh mì, sữa chua không béo, trứng, cải bó xôi, chuối,… là các thực phẩm tốt.
Mức độ sắt cao giúp người hiến máu tỉnh táo và giảm nguy cơ ngất, choáng. Và nếu cần, hãy đi cùng một người thân khi đi hiến máu để tránh các rủi ro di chuyển sau khi hiến máu.
3 - Lưu ý khi trong lúc lấy máu
Với những người có nỗi sợ với kim tiêm, hãy thư giãn bằng cách xem sách, nghe nhạc hoặc trò chuyện với nhân viên y tế. Ngoài ra, hãy nghĩ đến ý nghĩa của việc mình hiến máu sẽ giúp mang lại sự sống cho nhiều người; lúc ấy bạn sẽ bình tĩnh và can đảm hơn.
4 - Luôn giữ sự bình tĩnh và thư thái
Mặc dù đã hoàn tất việc lấy máu nhưng nơi đâm kim có thể sẽ bầm đỏ và hơi sưng lên. Do vậy bạn nên lưu ý nơi đâu kim trong 24 giờ đầu sau khi cho máu.
Bạn có thể ăn lặt vặt gì đó, nước ép trái cây và nước lọc để duy trì mức đường huyết bình thường và tránh choáng hay xỉu.
5 - Nhớ uống nhiều nước
Máu của bạn sẽ được tiến hành một loạt các xét nghiệm để kiểm tra xem có bệnh tật hay bất thường nào không. Nếu có, máu của người hiến sẽ không được sử dụng và người hiến sẽ được cơ quan y tế liên lạc trở lại.
Nhớ rằng khi rời khỏi nơi hiến máu, bạn không nên thể dục cường độ mạnh hay nâng nhấc vật nặng và nhớ uống nhiều nước.
Ngoài ra, sau khi hiến máu bạn cũng nên tránh các thức uống có cồn và caffeine vì chúng làm giảm sự hydrate hóa của cơ thể.
Trần Trọng Hiếu
(theo Medical Daily)