Phần này chú trọng đến sự khác biệt ngữ âm giữa Di (trong A Di Đà Phật) và Mi (trong A Mi Đà Phật) và không đi vào chi tiết các giáo pháp liên hệ cũng như phạm vi tâm linh tín ngưỡng dân gian. Thanh điệu ghi bằng số ngay sau một âm như số 3 trong min3 hay mǐn (giọng Bắc-Kinh hay BK ghi theo hệ thống pīnyīn thông dụng hiện nay), không nên lầm với số ghi phụ chú (superscript) như min3; dấu hoa thị * (hình sao/asterisk) đặt trước một âm tiết để chỉ dạng cổ phục nguyên (reconstructed sound).
Hi vọng bài này cho thấy phần nào khuynh hướng ngạc hóa nói riêng, văn hóa ngôn ngữ Phật giáo nói chung đã đóng góp không nhỏ trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại.
1.Khuynh hướng ngạc hóa trong ngôn ngữ
1.1 Một số phụ âm có thể thay đổi cách đọc vì bị ảnh hưởng của các âm thanh gần bên, như trong tiếng Anh hiện tại, khi ta đọc nhanh bet you, hit you thì âm phát ra có dạng *betch you, *hitch you (phụ âm đầu lưỡi t trở thành phụ âm mặt lưỡi ch) - theo cách đọc dễ dàng hơn (đỡ mệt nhất, đỡ tốn công nhất/least effort) và đây cũng là một tiêu chí phân biệt người nói tiếng Anh lâu đời (tiếng ‘mẹ đẻ’) hay là một ngoại ngữ. Khuynh hướng ngạc hóa2 cũng hiện diện trong tiếng Motu (ở Papua New Guinea): khi phụ âm đầu lưỡi tắc t đứng trước một nguyên âm có độ mở miệng nhỏ (như i hay e) thì trở thành phụ âm đầu lưỡi xát s:
*mate - mase (chết)
*tina - sina (mẹ)
*qate - ase (gan)
…
Khuynh hướng ngạc hóa trong tiếng Việt dẫn đến phụ âm nh/d(j) như:
lẽ - nhẽ
lem - nhem
lớn - nhớn
lời - nhời
...
Hay so sánh tương quan đao - dao, đảm - dám, đinh - dính, đình - dừng ... Và bưng (phụng 奉), vâng > dâng (lên) ... Đều cho thấy phụ âm đầu biến thành phụ âm d- (j- giọng Nam). Cố GS Nguyễn Tài Cẩn cũng nhận ra khuynh hướng biến âm này, ông đề nghị mj > j > d (trang 45, ‘Một số vấn đề về chữ Nôm’, NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội - 1985).
Một vết tích ngạc hóa trong tiếng Việt là cách đọc nhà tiếng Việt của chữ 家 gia HV. Các dạng chữ Nôm đều dùng âm như 如 (hay 茹), mà âm cổ là *na? so với âm cổ của gia là *kra (tự điển Việt Bồ La còn ghi nhà là dà). Đáng lẽ phải đọc 茹 là như hay nhữ theo âm Hán trung cổ nhân chư thiết 人諸切(Đường Vận) hay nhẫn dữ thiết 忍與切 (Tập Vận). Điều này có thể là do âm nhà đã hiện diện trong tiếng Việt trước thời Đường Vận (năm 751) rất lâu.
1.2 Quá trình ngạc hóa (palatalisation) đã đóng góp quan trọng trong lịch sử hình thành các ngôn ngữ Hàn, Nhật, Trung (Quốc), Việt Nam, Anh (nhánh Đức/Germanic, họ Ấn Âu), Pháp (nhánh La Mã/Romance, họ Ấn Âu) ...v.v... Trở lại với các ngôn ngữ ĐNA, khi tiếng Hán nhập vào tiếng Việt, phụ âm đầu môi môi (bilabial) có khả năng ngạc cứng hóa để trở thành phụ âm d (j), khi đi sau là nguyên âm trước (front vowels) với độ mở miệng nhỏ như i, e. So sánh các tương quan sau đây
民 mín (BK) dân (Hán Việt/HV) (A)
名 míng danh
茗 míng mính HV là chè/trà - tiếng Việt còn dùng từ dành (cây dành dành)
滅 míe diệt (như cách dùng diệt đế, diệt độ, diệt pháp ...)
妙 miào diệu (thần diệu)
面 miàn diện (mặt)
彌 mí di (phiên âm Phạn mi/me/mai như Di Lặc, Tu Di, Sa Di, Cù Đàm Di ...) (B)
...
泯 mǐn mẫn, dân,miến (để ý có khả năng đọc m- hay d-) - hầu như chỉ có tiếng Việt mới cho thấy khuynh hướng ngạc hóa rõ nét khi so sánh với các giọng Quảng Đông, Hẹ, Mân Nam… (B)
獼 mí mi, còn đọc là di (một loài khỉ)
渺 miǎo miểu, diểu
緬 miǎn miễn, miến, diến - 緬甸 Miến Điện hay còn là Diến Điện (Myanmar bây giờ)
...v.v...
(A) Diệu đọc theo Quảng Vận là 彌笑切, 音廟 di tiếu thiết, âm miếu; theo Tập Vận là 弭沼切。與眇通 nhị chiểu thiết。Dữ miễu thông. Phụ âm m- (miào BK) ngạc hóa thành mj- hay d- và nh-
(B) Trích trang http://www.zdic.net/zd/zi/ZdicE5ZdicBDZdic8C.htm về các cách đọc chữ di 彌
Theo Quảng Vận (năm 1008 SCN), vũ di thiết 武移切 so với Tập Vận (năm 1067) đọc là dân ti thiết 民𤰞切 âm mê (音迷); theo Vận Hội (năm 1297) đọc là mẫu tì thiết 母婢切 và dùng như nhị 弭 (通作弭 thông tác nhị). Di là âm Hán Việt so với các giọng đọc hiện nay như giọng BK bây giờ là mí mǐ và
粵語:mei4 nei4, 客家話:[ 客英字典 ] ni2 ni3 [ 陸豐腔 ] ni3 [ 梅縣腔 ] ni2 [ 海陸豐腔 ] ni2 ni3 [ 客語拼音字匯 ] ni2 [ 沙頭角腔 ] li1 [ 東莞腔 ] mi2 [ 寶安腔 ] li2 [ 檯灣四縣腔 ] ni2 ni3
Việt Ngữ (Quảng Đông):mei4 nei4, Khách Gia Thoại (Hẹ):[Khách Anh tự điển] ni2 ni3 [Lục Phong Khang] ni3 [Mai Huyện Khang] ni2 [Hải Lục phong Khang] ni2 ni3 [Khách ngữ bính âm tự hối] ni2 [Sa Đầu Giác Khang] li1 [Đông Hoàn Khang] mi2 [Bảo An Khang] li2 [Đài Loan Tứ Huyện Khang] ni2 ni3 (một anh bạn người Triều Châu/Tiều của người viết, gốc Sơn Đầu, phát âm di 彌 là ni2 - 4/10/2011).
Theo học giả Lê Ngọc Trụ (‘Tầm Nguyên Tự Điển VN’, NXB Thành Phố HCM - 1993) và Paul Schneider (‘Dictionnaire Historique Des Idéogrammes Vietnamiens’, licencié en droit Nice, France : Université de Nice-Sophia 1992) thì dài tiếng Việt có gốc là di 彌 so với từ HV trường (để ý - Quảng Vận ghi di là trường dã, cửu dã 《廣韻》長也,久也). Một dạng âm cổ phục nguyên3 của di là *me theo GS Axel Schuessler (‘ABC Etymological Dictionary of Old Chinese’, NXB University of Hawai'i, 2007).
1.3 Khả năng ngạc hóa còn hiện diện khi phiên âm tiếng Phạn4 ra Hán trong kinh Phật, như Kapila कापिल được phiên âm là Ca (Già) Bì La 迦 毗 罗 hay Ca Di La 迦 夷 罗 - phụ âm môi đầu b/p của Bì ngạc hóa (đứng trước nguyên âm i) thành bji- hay yí BK di HV; một dạng phiên âm khác của Kapila là Ca Duy La 迦 維 羅 cũng cho thấy khả năng ngạc hóa b/p thành b/pj- hay d- (Duy HV, yí BK).
Một điểm đáng ghi lại ở đây là tiếng Phạn (Sanskrit) dùng trong kinh Phật thuộc loại ngôn ngữ hòa kết (chuyển dạng/inflectional) hay chi tiết hơn là loại chuyển dạng tổng hợp. Một từ Phạn có thể thành lập bằng cách tổng hợp các thành phần (tiền tố, hậu tố, phụ tố) với nhau, kết quả là một chữ Phạn có thể trở thành rất dài hay nhiều âm tiết, so sánh với tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ đơn lập (isolating language).
Thí dụ như từ Vimalakīrti gồm ba phần: tiền tố vi- nghĩa là không (phủ định), mala là vết dơ - do đó vimala विमल là không có dơ (ô uế); kirti कीर्ति là bàn luận/nhắc đến (có tiếng tăm) nên từ Vimalakīrti hàm ý danh tiếng không bụi bẩn (cũ dịch là Tịnh Danh, mới là Vô Cấu). Một dạng phiên âm của Vimalakīrti là 維摩詰 Duy Ma Cật5, hay 毘維摩詰 Tỳ (Tì) Ma La Cật (tên mới).
Điều đáng chú ý là âm Duy (wéi, yí BK) chính là dạng ngạc hóa của tiền tố vi-. Một tiền tố khác rất thông dụng trong Phạn ngữ là a- (không, phủ định) hợp với chính tố जित् git (thắng lợi) thành ra chữ agita/ajita अजित nghĩa là không thắng được, phiên âm là 阿夷頭 A Di Đầu hay 阿耆多 A Kì Đa (tên người, một trong 10 ngoại đạo), dịch là Vô Thắng. Di là dạng ngạc hóa của Kì (âm Phạn gi). A Kì Đa còn là một danh hiệu của đức Phật Di Lặc Meitreya/Maitreya मैत्रेय hay 無能勝 Vô Năng Thắng.
A Du Già 阿輸伽 hay A Dục Vương 阿育王 là phiên âm của tiếng Phạn Asoka अशोक . Chữ Asoka lại gồm tiền tố a- (không) và शोक soka (phiền não, lo sợ) nên dịch ý là Vô Ưu 無懮; Đây cũng là tên đặt cho vua A Du Già (304 TCN- 232 TCN) là vị vua phật tử đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, còn gọi là A Thâu Già 阿輸迦. Các dạng Du Già hay Dục đều là âm soka ngạc cứng hóa. Già La Dục 迦羅育 hay Ca La A Dục 迦羅阿育 ... đều có dạng Dục, phiên âm của tiếng Phạn Kalasoka, tên vua nước Ma Ha Đà 100 năm sau khi đức Phật nhập niết bàn.
Tiếng Phạn वैशाली Vaisali - thành phố cổ ở Bắc Ấn Độ6: nơi đức Phật thuyết bài pháp cuối cùng - có một dạng phiên âm là 維耶離 Duy Da Li hay Bì Da Li 毗耶离 - xem chi tiết trang http://fodian.goodweb.cn/dict_read12.asp?ID=516 . Âm Duy là âm Bì (Vai-) ngạc cứng hóa.
A Lê Da 阿梨耶 là phiên âm tiếng Phạn arya अर्य với các dạng (phiên âm) khác như A Lý Dạ 阿哩夜, A Ly Dã 阿離耶, A Lê A 阿離野, A Lê Da 阿梨阿, A Lược 阿略, A Di 阿夷 ... Các dạng Da 阿 và Di 夷 là các âm a và ri ngạc cứng hóa.
…v.v…
Các trường hợp trên cho thấy khuynh hướng ngạc hóa đã hiện diện ngay trong tiếng Hán khi kí âm tiếng Phạn, dù rằng không phổ thông lắm.
2. Di 彌 dùng để kí âm
Chữ mi được dùng để kí âm các tên nước ngoài khi nhập vào tiếng Hán, như Messiah (chúa cứu thế, chúa độ thế, đấng Mê-si) trong Thánh Kinh7 đã từng được phiên là 迷詩所 Mê Thi Sở hay 彌師訶 Di Sư Ha vào thời Đường Thái Tông (năm 638); dạng phiên âm hiện nay là 瀰賽亞 (phồn thể) hay 弥赛亚 (giản thể). Phần sau cho thấy vài trường hợp thường gặp về chữ Di 彌 khi được dùng để kí âm trong kinh Phật.
2.1 A Di Đà Phật 阿彌陀佛
Câu niệm rất phổ thông trong các môn phái phật giáo Á Châu, dẫn tên đức Phật A Di Đà, cũng là kí âm từ tiếng Phạn Amitābha, अमिताभ. Chữ này thành lập từ tiền tố a- (không, dịch là vô 無) và mita मित (đo lường, dịch là lượng 量) với phụ tố ābhā (sáng, dịch là quang 光). Do đó, Amitābha dịch là Vô Lượng Quang (Phật). Tuy nhiên, Amita- cũng là thành phần đầu của chữ Amitāyus với ayus आयुस् (đời sống dài, dịch là thọ 壽), cho nên A Di Đà Phật còn có nghĩa là Vô Lượng Thọ (Phật)8 hay A Di Đà Sưu Tư 阿彌陀廋斯 …
Từ trục không gian, đức Phật (lý tưởng) là nguồn sáng vô cùng vô tận; từ trục thời gian tuổi thọ ngài cũng vô lượng vô biên. Các chữ Phạn ghép với amita như kratu (năng lượng) tạo thành amitakratu (năng lượng vô hạn/unbounded energy), guna (công đức) ghép với amita trở nên amitaguna (công đức vô lường), amitatman (trí óc vô lường) ...
Tuy câu niệm A Di Đà Phật bằng tiếng Phạn không hiện diện trong các kinh nguyên thủy của pháp môn Tịnh Độ9, nhưng phần đầu của Vô Lượng Thọ Kinh có câu Namo'mitābhāya (dấu phẩy chỉ cách đọc nhanh hay liên âm /sandhi) và Namo Amitābhāya được phát âm như sau
[nɐmoːɐmit̪ɑːbʱɑːjɐ] ------- đọc theo tiếng Việt bây giờ gần như là ----- ‘na mô a mita ba da’
2.2 Di Lặc 彌勒
Vị Phật (Bồ Tát) tương lai Di Lặc là phiên âm của tiếng Phạn Maitreya मैत्रेय Metteyya (Pali). Nguồn gốc của cụm từ Di Lặc trong Phật giáo Á Đông không đơn giản và có nhiều nghiên cứu nghiêm túc như của cố học giả Quý Tiện Lâm 季羨林 về khả năng nhập vào tiếng Hán trực tiếp hay gián tiếp (qua ngôn ngữ trung gian nào đó) - xem trang http://zh.wikipedia.org/wiki/%E5%AD%A3%E7%BE%A1%E6%9E%97
2.3 Di Đa La Ni 彌 多 羅 尼
Di Đa La Ni là phiên âm tiếng Phạn Mitra मित्र , một cách dịch là thiện tri thức - hay là bằng hữu (bạn bè).
2.4 Lam Tì Ni 藍毗尼
Lam Tì Ni là nơi Ma Da phu nhân sinh ra đức Phật. Lam/Lâm Tì Ni là phiên âm của tiếng Phạn Lumbini लुम्बिनी, còn gọi là Lam Bì Ni 嵐 毘 尼, Lạp Phạt Ni 臘 伐 尼, Lâm Vi Ni 林 微 尼, Lưu Tì Ni 留毘尼 hay Long Di Ni 龍彌尼 ... Di là âm Bì ngạc hóa.
2.5 Tu Di 須彌
Núi Tu Di còn gọi là Tô Mê 蘇迷, Tô Mê Lâu San 蘇迷盧山, Di Lâu San 彌樓山 ... là trung tâm của mọi thế giới theo huyền thoại Ấn giáo và đã có trước thời đức Phật Tổ, dịch ý là Diệu Quang, Diệu Cao, An Minh, Thiện Tích, Thiện Cao ... Gốc Phạn ngữ sumeru với tiền tố su- (hàm ý tốt, tuyệt vời) hợp với tên chính thức là meru मेरु (tên núi). Để ý âm Mi ngạc hóa thành Di. Tu Di còn có thể chỉ núi Hy Mã Lạp Sơn.
2.6 Di Lan Đà 彌蘭陀
Trong lịch sử Phật giáo, vị vua nước Di Lan Đà10 ngộ đạo và quy y sau khi đàm đạo với Tỳ Kheo Nagasena. Di Lan Đà là phiên âm tiếng Phạn Milinda (cũng như tiếng Pali) so với các các phiên âm khác như Tất Lân Đà 畢鄰陀 hay Mân Lân Đà 旻鄰陀. Di Lan Đà còn gọi tắt là Di Lan.
2.7 Sa Di 沙彌
Người phái nam tuân theo 10 giới Sa Di còn gọi là 室羅摩拏洛迦 Thất La Ma Noa Lạc Già/Ca, phái nữ thì gọi là Sa Di Ni.
2.8 Xa Di 奢彌
Xa Di là phiên âm của tiếng Phạn Sa Mi, tên một loại cây, dịch là Câu Kỉ. Để ý hai âm Sa Di và Xa Di nếu không viết ra chữ (Phạn hay Hán) thì đọc giống nhau.
2.9 Ca/Già Thấp Di La 迦濕彌羅
Ca Thấp Di La là phiên âm của tiếng Phạn kâsmîra काश्मीर, còn có những cách gọi như Yết Thấp Nhị La Quốc 羯濕弭羅國, Ca Diệp Di La Quốc 迦葉瀰/彌羅國, Ca Thất Mật Quốc 箇失蜜國 ... Các âm Di và Nhị 弭 đều là dạng ngạc cứng hóa của Mi 彌. Đây là vùng đất Kashmir ở tây bắc Ấn Độ và hiện nay dưới quyền quản lý của ba nước Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc.
2.10 Di già 彌伽
Di già là phiên âm của tiếng Phạn megha मेघ nghĩa là mây. Sau dùng để gọi tên một vị Bồ Tát lương y11 có khả năng tạo ra mây (mưa) giúp chúng sinh (kinh Hoa Nghiêm).
…v.v…
Qua vài thí dụ trên, ta thấy chữ Di đã được dùng để kí âm (gần đúng) tiếng Phạn trong quá trình dịch kinh Phật. Các cách phiên âm trong thư tịch cổ TQ hay kinh Phật thường là những nguồn tài liệu dùng để phục nguyên âm cổ một cách chính xác.
3. Thay cho lời kết luận của bài viết
Trong giây phút chạy theo cái ngã, người viết chợt nhớ tới câu niệm:
Nô mô Bụt
Đây là câu niệm Phật được ghi lại trong cuốn "Bụt Sử Lược Biên - Thiệt Truyện" in tại SàiGòn năm 1913 - Imprimerie F. H. Schneider12, phản ánh một phần nào âm đọc và câu niệm ở miền Nam VN vào đầu thế kỷ XX. Các câu niệm Phật thay đổi theo môn phái (Tịnh Độ, Tiểu Thừa, Thiền Tông ...), không gian (địa phương/phương ngữ, mở rộng hơn - Nhật, Hàn, VN, TQ ...), thời gian (âm thượng cổ, trung cổ hay hiện tại) và ngay cả cá nhân người niệm.
Học giả Huỳnh Tịnh Của trong "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" (1896) ghi câu niệm này là Nam mô phật, hơi khác với Jean Bonet trong "Dictionnaire Annamite-Francais" (1899) ghi là Nam vô phật; tất cả các cách đọc trên chứa nhiều thông tin quí giá (quán âm) cho nên khi muốn thay đổi một cách đọc (câu niệm) ta cũng nên cẩn thận cân nhắc những hậu quả có thể xẩy ra. Người viết mong rằng các dữ kiện và bàn luận tóm tắt trong phần này sẽ là động lực kích thích một số bạn đọc tra cứu thêm, và chắc chắn sẽ tìm ra nhiều điều thú vị khác.
4. Phụ chú và phê bình thêm
Bạn đọc có thể tham khảo những ý kiến cùng trao đổi về vấn đề A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật trên mạng, có nhiều trang liên hệ nhưng đại khái là
http://www.tinhthuquan.com/HoNiemVanDap/VD170509-1.htm (17/5/2009)
http://facts.baomoi.com/2011/03/10/t%E1%BA%A1i-sao-l%E1%BA%A1i-ni%E1%BB%87m-nam-mo-a-di-da-ph%E1%BA%ADt/ (10/3/2011)
http://diendan.daitangkinhvietnam.org/viewtopic.php?f=39&t=3540&start=10 (17/3/2011)
http://www.youtube.com/watch?v=4zI5BSL4KyQ (29/8/2011)
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-104_4-12409_5-50_6-1_17-104_14-1_15-1/ (21/6/2011)
http://www.phattuvietnam.net/diendan/16436.html (25/9/2011)
...v.v…
Các dạng biến âm trong thuật ngữ Phật giáo là một nguồn dữ kiện phong phú để phục nguyên âm cổ, nhất là khi so sánh với tiếng Phạn, một loại tử ngữ với hệ thống âm thanh rất ổn định; bạn đọc có thể tham khảo loạt bài "Bụt hay Phật?" về các dữ kiện liên hệ, như trên các trang mạng http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2125:bt-hay-pht-phn-3&catid=71:ngon-ng-hc&Itemid=107 hay http://www.chuaphatgiaovietnam.com/PDF/TSPH_20_21_All.pdf ...v.v...
Vấn đề đặt ra về các cách đọc khác nhau của Mi và Di, theo thiển ý người viết, còn liên hệ đến khái niệm Tam Nghiệp (Thân-Khẩu-Ý) hay tương ứng với mô hình tam giác ngữ nghĩa (Triangle of reference/meaning) của Ogden và Richard: ký hiệu (từ/word), sự vật được chỉ (referent) và khái niệm về sự vật được chỉ (thought); hay theo Ferdinand de Saussure gồm có dấu hiệu (sign), âm thanh (signifier) và ý tưởng (khái niệm, signified). Đây là những vấn đề nên được tra cứu thêm nhưng không thuộc phạm vi bài viết này.
1) Thích Trí Tịnh (2006) "Hương Sen Vạn Đức" NXB 2006 - xem chi tiết trên mạng http://www.quangduc.com/coban-2/283huongsen.html
2) Terry Crowley (1987) "An introduction to Historical Linguistics" NXB University of Papua New Guinea Press, University of the South Pacific. Tái bản lần thứ 4 với GS Claire Bowern (NXB Oxford University Press, 2009).
3) Một dạng chữ Nôm dài dựa và chữ duệ 曳 làm thành phần hài thanh: ‘tóc dài làm biếng búi tròn ... ngực ấy dài rộng’ (Phật Thuyết Đại Báo Ân Trọng Kinh), ‘khôn biết lòng người vắn dài’ (Quốc Âm Thi Tập, Nguyễn Trãi), có khi thêm bộ trường 長 để chỉ nghĩa. Điều này cho thấy hai âm dài và di (nếu cùng gốc) đã đọc khác nhau xa vào thế kỷ XIV, XV cũng như chúng đã hiện diện rất lâu đời trong tiếng Việt. Chữ đầy (full/tiếng Anh mãn HV, nghĩa cổ của di) được Morris Swadesh liệt kê trong bảng từ căn bản. Thuyết Văn Giải Tự biên hiệu 6038 ghi chữ hiếm mi 镾 (Unicode 957E) trong bộ trường nghĩa là
镾,[ 武夷切 ], 久長也。 從長爾聲
Mi/Di ,[vũ di thiết ],cửu trường dã。Tùng trường nhĩ thanh
4) các dữ kiện về tiếng/chữ Phạn được trích từ trang http://dsal.uchicago.edu/cgi-bin/romadict.pl?query=kasmira&display=utf8&table=macdonell , http://www.sanskrit-lexicon.uni-koeln.de/monier/ hay http://sanskritdocuments.org/dict/ …v.v…
5) xem chi tiết về Duy Ma Cật trang http://news.sina.com/c/2008-04-01/120215269365.shtml . Vimalakīrti có các nghĩa không bụi bậm (không dơ bẩn, spotless), trong trẻo (transparent), trong sáng (bright), tinh khiết (pure), tên một vị bồ tát ... Cũng như các từ Phạn (cổ) khác, thường có phạm trù nghĩa rất rộng - xem chi tiết trang http://dsal.uchicago.edu/cgi-bin/romadict.pl?query=Vimala&display=utf8&table=macdonell
6) Xem thêm chi tiết về thành Vaisali trang http://en.wikipedia.org/wiki/Vaishali_(ancient_city)
7) xem thêm chi tiết về giai đoạn đầu (có văn bản ghi nhận/written records) khi các nhà truyền giáo (đạo Thiên Chúa) đến Trường An, trang http://dictionary.editme.com/Alopen
8) Theo Vô Lượng Thọ Kinh thì A Di Đà (Phật) có 13 danh hiệu
《无量寿经》云:“是故无量寿佛号无量光佛、无边光佛、无碍光佛、无对光佛、焰王光佛、清净光佛、欢喜光佛、智慧光佛、不断光佛、难思光佛、、无称光佛、超日月光佛 <<Vô Lượng Thọ Kinh>> vân “thị cố Vô Lượng Thọ Phật Hiệu Vô Lượng Quang Phật、Vô Biên Quang Phật、Vô Ngại Quang Phật、Vô Đối Quang Phật、Diễm Vương Quang Phật、Thanh Tịnh Quang Phật、Hoan Hỉ Quang Phật、Trí Tuệ Quang Phật、Bất Đoạn Quang Phật、Nan Tư Quang Phật、Vô Xưng Quang Phật、Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật; còn gọi là Cam Lộ 甘露 Phật (Cam Lộ Vương) theo Mật Giáo; vì đức Phật A Di Đà ở Tây phương (Cực Lạc Quốc) nên còn gọi là Tây Phật …v.v…
9) xem bàn luận về các dạng niệm Phật ở các nước và nguồn gốc của chúng trang này http://en.wikipedia.org/wiki/Nianfo#cite_note-inf_life_sutra-0 . Nguồn gốc của câu niệm Amitabha cũng có vấn đề: nhà nghiên cứu tiếng Phạn và Tịnh Độ tông, TS Địch Nguyên Vân Lai 荻原雲來 (Ogihara Unrai 1869~1937), đưa ra giả thuyết là tiếng Phạn Amitabha có gốc từ kinh Vệ Đà của Ấn Độ giáo. Amita hay Amitaya (vô lường, vô hạn) là một trong 108 tên gọi thần Ganesha (dễ nhận vì có đầu hình voi) của Ấn Độ giáo. Nếu có liên hệ thì cũng không đáng ngạc nhiên cho lắm vì đức Phật tổ trong kinh Ấn Độ giáo là hóa thân/Avatar (của thần Visnu) thứ 24 trong 25 vị Phật; ngoài ra các khái niệm luân hồi, tái sinh, nhân quả đã hiện diện trước thời đức Phật tổ (đã có trong Ấn Độ giáo) - có thể đây là một nguyên nhân Phật giáo không thể phát triển ngay tại Ấn Độ ... Xem các bàn luận chi tiết trang http://www.lien-hoa.net/nguyen%20ngu%20a%20di%20da.pdf hay http://www.phatgiaovnn.com/upload1/bz/showthread.php?p=8014
10) xem thêm chi tiết từ trang Phật Quang Đại Từ Điển 佛 光 大 辭 典 trên mạng http://etext.fgs.org.tw/etext6/search-1-detail.asp?DINDEX=18943&DTITLE=彌蘭陀王
11) trích từ trang mạng Phật Giáo Từ Điển http://fodian.goodweb.cn/dict_read1.asp?ID=20856
12) xem bản điện tử cuốn "Bụt Sử Lược Biên - Thiệt Truyện" trang http://www.trangnhahoaihuong.com/files/ButSuLuocBien_quyen_1.pdf . Cách dùng Bụt (thay vì Phật) đáng chú ý: như Bụt đạo, Bụt chí tôn, Nô mô Cù Đàm Bụt ...